Góp ý của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy – TP Đà Nẵng

Thứ Ba 09:30 22-06-2010

Kính thưa Quốc hội,

Trước hết, tôi thấy với quy định như dự thảo luật là chưa đạt yêu cầu đặt ra, chưa thật sự bảo vệ được quyền lợi của người tiêu dùng và cũng chưa bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Mặt khác, dự thảo luật rất chú trọng việc giải quyết hậu quả, có đến 32/66 điều đề cập. Trong khi đó, vấn đề phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi sai phạm, xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng quy định còn mờ nhạt. Tôi xin tham gia 2 nội dung cụ thể:

Thứ nhất, về giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh. Dự thảo luật có đưa ra 5 phương thức giải quyết đó là: thương lượng, hòa giải, trọng tài, hành chính và Tòa án. Tôi không tán thành với quy định giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hành chính. Bởi vì về mặt lý luận, theo Luật tổ chức của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân thì cơ quan hành chính không có chức năng, nhiệm vụ giải quyết các tranh chấp dân sự mà phải là trọng tài hoặc Tòa án.

Mặt khác, một quyết định giải quyết tranh chấp dân sự lại được coi là một quyết định hành chính và có thể bị khởi kiện ra Tòa hành chính là hoàn toàn vô lý, là hành chính hóa quan hệ dân sự. Còn về mặt thực tiễn, nếu quy định như Điều 43 của dự thảo, phạm vi giải quyết tại các cơ quan hành chính là những tranh chấp mà giao dịch có giá trị đến 10 triệu đồng, tức là từ 10 triệu đồng trở xuống. Trên thực tế số lượng tranh chấp rất lớn mà việc giải quyết không đơn giản, đòi hỏi phải có kiến thức sâu rộng về pháp luật cũng như lĩnh vực chuyên môn có liên quan. Tôi e là cơ quan hành chính sẽ không giải quyết nổi. Tôi đề nghị chỉ nên quy định 3 phương thức giải quyết đó là hòa giải, trọng tài và tòa án. Điều này không có nghĩa là hạn chế các biện pháp bảo vệ người tiêu dùng mà chính là để bảo đảm tính khả thi, đồng thời phù hợp với pháp luật và thực tiễn. Về cơ bản 3 phương thức này đã có pháp luật quy định, chỉ cần củng cố cơ quan trọng tài và tòa án cho đủ mạnh để thực hiện.

Cụ thể đối với phương thức hòa giải trong luật nên quy định theo hướng khuyến khích hòa giải những tranh chấp thuộc phạm vi mà Pháp lệnh hòa giải đã quy định. Đối với phương thức trọng tài thì giải quyết những tranh chấp thuộc phạm vi của Luật trọng tài thương mại mà chúng ta vừa thông qua. Còn giải quyết tranh chấp tại tòa án thì chỉ nên quy định dẫn chiếu theo quy định của Bộ luật tố tụng dân sự. Bởi vì nếu quy định như Mục 5, Chương VI của dự thảo thì vừa mâu thuẫn, chồng chéo với Bộ luật dân sự, vừa không phù hợp với thực tế. Tôi chỉ nêu ra đây 2 ví dụ cụ thể.

Một là, tại Điều 52 quy định miễn tạm ứng án phí, lệ phí cho người tiêu dùng, Tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tham gia vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Tôi không đồng ý miễn đối với mọi trường hợp như dự thảo mà chỉ nên miễn đối với một số đối tượng nhất định. Bởi vì theo nguyên tắc của Bộ luật tố tụng dân sự thì bên nào thua kiện bên đó chịu án phí, lệ phí. Nhưng theo dự thảo doanh nghiệp có sai phạm bị thua kiện thì phải chịu, còn người tiêu dùng, Tổ chức bảo vệ người tiêu dùng kiện không đúng bị thua lại không phải chịu. Tôi tán thành với ý kiến của đại biểu Lý Kiều Vân - Đoàn Quảng Trị, nếu quy định như vậy dễ dẫn đến tình trạnh kiện tràn lan, bởi nếu thắng thì tốt còn thua thì cũng không phải chịu án phí, lệ phí.

Ví dụ thứ hai, về điều kiện khởi kiện theo thủ tục rút gọn, Bộ luật tố tụng dân sự chưa quy định thủ tục xét xử rút gọn thì chúng ta sẽ sửa đổi, bổ sung, nhưng không nên quy định giao dịch có giá trị đến 100 triệu đồng, tức là từ 100 triệu đồng trở xuống thì áp dụng thủ tục xét xử rút gọn mà nên căn cứ vào quy mô, tính chất, phạm vi, mức độ vi phạm tranh chấp, bởi vì thực tế có những tranh chấp tuy giá trị lớn, nhưng nội dung tranh chấp đơn giản, chứng cứ đã rõ ràng hoặc tổ chức cá nhân kinh doanh đó đã bị xử phạt hành chính mà hành vi bị xử phạt đó có ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng thì bên áp dụng thủ tục xét xử rút gọn nhằm giải quyết nhanh chóng kịp thời các tranh chấp để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Nội dung thứ hai là về quyền khởi kiện của tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Khoản 4, Điều 27 và Điều 56. Như chúng ta biết tổ chức, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chỉ là một tổ chức xã hội mà theo báo cáo của Bộ Công thương thì có đến một nửa tỉnh thành trên cả nước chưa thành lập tổ chức này, còn ở những địa phương đã thành lập cũng chưa phát huy được tác dụng, chưa đáp ứng được yêu cầu. Hơn nữa trong thực tế cho chúng ta thấy trong nhiều trường hợp việc tìm ra chứng cứ về các sai phạm của doanh nghiệp không phải là đơn giản, ví dụ vụ xăng pha axiton hay vụ xả chất thải của Vedan v.v... hoặc có một số sai phạm xuất phát từ quy định của pháp luật, chưa hợp lý, thiếu chặt chẽ, không cụ thể rõ ràng đã tạo kẽ hở cho doanh nghiệp làm sai. Theo tôi Hội bảo vệ người tiêu dùng không đủ khả năng để thực hiện quyền khởi kiện đối với những trường hợp trên. Như vậy trong trường hợp người tiêu dùng không thể tự bảo vệ mình, Hội bảo vệ người tiêu dùng cũng không thể bảo vệ được quyền lợi của người tiêu dùng, thì rất cần một địa chỉ rõ ràng đáng tin cậy để người tiêu dùng tìm đến. Tôi đề nghị đó phải là một cơ quan Nhà nước có đủ tầm, cụ thể là Viện kiểm sát nhân dân để đứng ra khởi kiện theo yêu cầu của người tiêu dùng chứ không chỉ đơn thuần là người tiêu dùng và tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng như trong dự thảo luật. Xin hết, xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan