Góp ý của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Hợp – Hải Dương

Thứ Ba 10:56 22-06-2010

Kính thưa Đoàn Chủ tọa,

Kính thưa Quốc hội,

Tôi xin góp ý về điều kiện khởi kiện vụ án hành chính, Điều 67, tôi đề nghị nên quy định theo hướng để các tổ chức, cá nhân nếu không đồng ý với các quyết định hành chính thì có thể khởi kiện vụ án hành chính ngay mà không đặt ra yêu cầu phải khiếu nại đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết lần 1 hoặc lần 2, trừ một số loại việc có tính chuyên môn sâu hoặc lĩnh vực mà luật chuyên ngành quy định cần phải qua thủ tục khiếu nại trước khi khởi kiện ra tòa án hành chính. Tôi nghĩ nên làm theo hướng này vì nó có mấy lý do.

Lý do thứ nhất là chúng ta xây dựng Nhà nước pháp quyền và xây dựng xã hội công dân. Cho nên, chúng ta cần mở rộng quyền của công dân để công dân có quyền lựa chọn các hình thức để khởi kiện, khiếu nại.

Thứ hai nữa là chúng ta cũng phải làm sao giảm gánh nặng cho các cơ quan hành chính Nhà nước hiện nay, các cơ quan quản lý hành chính Nhà nước hiện nay có thể nói việc giải quyết các đơn thư khiếu nại, tố cáo là một gánh nặng chi phối rất nhiều công sức và ảnh hưởng đến công tác khác.

Thứ ba, quy định như vậy nó cũng phù hợp với điều kiện và khả năng của ngành tòa án hiện nay do pháp luật quy định cũng như thực lực của ngành tòa án, tôi nghĩ có điều kiện đảm bảo được, đấy là ý thứ nhất về điều kiện khởi kiện vụ án hành chính tôi xin như vậy.

Ý thứ hai, về năng lực pháp luật tố tụng hành chính và năng lực hành vi tố tụng hành chính Khoản 3, Khoản 4, Điều 45 trong dự thảo; Khoản 3, Khoản 4, Điều 45 quy định đương sự là người đủ từ 18 tuổi trở lên thì có đầy đủ năng lực hành vi tố tụng hành chính, đương sự là người chưa đủ 18 tuổi thực hiện quyền, nghĩa vụ đương sự trong tố tụng hànhh chính thông qua người đại diện, tôi cho rằng quy định này nó chưa thật hợp lý bởi mấy lẽ như thế này:

Bộ luật lao động thì quy định công dân từ 15 tuổi có thể giao kết hợp đồng lao động, cho nên họ có thể khởi kiện nếu mà người sử dụng lao động vi phạm quyền và lợi ích hợp pháp của họ.

Hai nữa, Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính quy định người từ 14 tuổi đã phải chịu trách nhiệm hành chính, từ 16 đến dưới 18 tuổi là về cơ bản phải chịu trách nhiệm đối với mọi vi phạm hành chính có thể bị xử phạt và như vậy họ có thể là khởi kiện ra tòa về các quyết định xử phạt hành chính nếu như họ thấy không phù hợp. Cho nên tôi xin đề nghị chỗ này nghiên cứu, tất nhiên đối với những người từ dưới 18 tuổi thì trong quá trình tham gia tố tụng hành chính thì họ có thể thông qua người đại diện để tham gia một số khâu tố tụng. Còn khởi kiện tôi nghĩ nó là không nên hạn chế.

Thứ ba, về quyền khởi tố vụ án hành chính của Viện kiểm sát nhân dân, cái này không trong dự thảo nhưng trong Tờ trình thì có hỏi ý kiến, theo quan niệm của tôi như thế này: theo quy định của pháp luật hiện nay Viện kiểm sát nhân dân không còn chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong lĩnh vực hành chính kinh tế, xã hội, tức là chức năng chúng ta vẫn nói gọn là chức năng kiểm sát chung của Viện kiểm sát nhân dân không còn nữa, cho nên nó rất hạn chế tới nguồn để Viện kiểm sát thực hiện quyền khởi tố hành chính. Tôi nghĩ không nên để chức năng Viện kiểm sát có quyền khởi tố các vụ kiện hành chính. Tuy nhiên chúng ta nên quy định quyền khởi tố các vụ án hành chính đối với một số tổ chức xã hội, khi cần thiết họ có thể không khởi tố để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của các hội viên của họ.

Vấn đề cuối cùng tôi rất quan tâm, trong thời gian vừa qua, tuy số vụ án hành chính mà Tòa án giải quyết chưa nhiều, chúng ta chưa có số liệu báo cáo, nhưng qua theo dõi và qua khảo sát thấy vấn đề đặt ra hiện nay việc thi hành án hành chính là rất khó khăn, giải quyết đã khó khăn rồi nhưng thi hành lại càng khó khăn. Tôi đồng ý với ý kiến các vị đại biểu đã phát biểu trước, có lẽ trong dự thảo cần phải quy định rõ cụ thể hơn về nội dung này, tất nhiên sau này khi có điều kiện chúng ta sẽ tiến tới xây dựng một dự án luật liên quan đến việc thi hành án trong lĩnh vực hành chính. Tôi xin hết.

Các văn bản liên quan