Góp ý của Đại biểu Quốc hội Đinh Xuân Thảo – Kiên Giang

Thứ Hai 09:33 24-05-2010

Kính thưa Chủ tọa đoàn.

Kính thưa Quốc hội.

Theo gợi ý của Chủ tịch đoàn sau khi nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tôi xin có một số ý kiến như sau:

Trước hết tôi thống nhất cao với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sửa đổi). Sau đây tôi xin đóng góp một số nội dung, ý kiến cụ thể để tiếp tục chỉnh lý hoàn thiện trước khi Quốc hội xem xét thông qua.

Thứ nhất, tại Điều 1 với tên gọi là phạm vi điều chỉnh và đối tượng điều chỉnh, với nội dung quy định như thế này thì mới chỉ là phạm vi điều chỉnh thôi, chứ chưa phản ánh đối tượng điều chỉnh. Nếu để đối tượng điều chỉnh cần phải bổ sung thêm về đối tượng, còn nếu không thì bỏ cụm từ "và đối tượng áp dụng" thì đây mới chỉ là phạm vi điều chỉnh.

Thứ hai, theo như gợi ý của Chủ tọa đoàn, liên quan đến vấn đề chính sách tiền tệ nội hàm của chính sách tiền tệ quốc gia thì chúng tôi thấy đây là vấn đề rất cần thiết phải đưa vào trong luật này. Bởi vì trong Hiếp pháp quy định Quốc hội có thẩm quyền quyết định về chính sách, về tài chính tiền tệ quốc gia, nhưng mà nội hàm của chính sách tiền tệ quốc gia như thế nào, thì cũng chưa được thể hiện ở một văn bản pháp luật thấp hơn. Vì vậy lần này đã đưa vào tại Điều 3, chúng tôi thấy xử lý và quy định như thế này là phù hợp. Vấn đề này cũng đã tham khảo ý kiến của chuyên gia nước ngoài thì thấy nội hàm chủ yếu của chính sách tiền tệ ở đây liên quan đến chỉ tiêu lạm phát và chỉ số giá tiêu dùng, đấy là vấn đề cốt lõi để giao cho Quốc hội quyết định. Việc phân định ở trong này, thẩm quyền của Quốc hội, của Chủ tịch nước, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Thống đốc Ngân hàng như thế này là hợp lý.

Tại Điều 4 về nhiệm vụ, quyền hạn của Ngân hàng Nhà nước tôi cơ bản đồng tình. Đặc biệt là việc xử lý ở Khoản 14, Điều 4 về thực hiện quản lý nhà nước về bảo hiểm tiền gửi quy định như thế này là phù hợp. Tuy nhiên, đối chiếu lại tại Khoản 10 về việc thực hiện đại diện chủ sở hữu tài sản nhà nước ở một số tổ chức, các tổ chức khác tôi cũng đồng tình. Nhưng riêng ở đây đại diện phần vốn nhà nước tại tổ chức bảo hiểm tiền gửi thì đề nghị bỏ cụm từ này. Bởi vì viết như thế này so Khoản 14 đã là đầy đủ rồi, nếu để điều này sau này khi xây dựng Luật bảo hiểm tiền gửi lại mất công sửa lại khoản này. Thực tế hiện nay những loại tương tự như vậy, chủ sở hữu là do Bộ Tài chính.

Tiếp theo tại Điều 9 liên quan đến cán bộ, công chức của ngành ngân hàng quy định như thế này tôi cũng đồng tình, tuy nhiên phải thêm một đoạn ở đằng sau. Tức là ở đây ngoài việc phù hợp với hoạt động nghiệp vụ của Ngân hàng Trung ương phải thêm "và quy định của pháp luật về công chức, viên chức nhà nước" thì mới hoàn chỉnh.

Về vấn đề tạm ứng cho ngân sách Nhà nước và thẩm quyền đối với dự trữ ngoại hối thì tại Điều 32 tôi thấyquy định như ở Khoản 3 xử lý như thế này là phù hợp.

Điều cuối cùng tôi cũng đóng góp ý kiến bởi vì có một số ý kiến cho rằng nó khác với một số luật khác là chỉ có quy định thanh tra thôi. Nhưng tại sao tại Chương V này có quy định là thanh tra, giám sát ngân hàng thì tôi hoàn toàn đồng tình với quy định này. Bởi vì theo kinh nghiệm của các nước mà thực tế lĩnh vực ngân hàng có một đặc thù riêng, cho nên ngoài thanh tra thì có giám sát, đây là giám sát trong nội bộ ngành, nó khác với khái niệm giám sát quyền lực của cơ quan quyền lực như Quốc hội. Quy định như thế này là phù hợp. Tôi hoàn toàn đồng tình.

Xin hết. Xin cám ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan