Góp ý của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thu Hồng – Thừa Thiên – Huế

Thứ Năm 11:34 10-06-2010

Kính thưa Chủ tọa phiên họp,

Kính thưa Quốc hội,

Chúng tôi xin phát biểu 3 vấn đề liên quan đến Luật thuế bảo vệ môi trường.

Thứ nhất, chúng tôi tán thành sự cần thiết của luật thuế này và qua nghiên cứu các tài liệu của cơ quan soạn thảo cung cấp cho đại biểu Quốc hội, chúng tôi thấy sự chuẩn bị khá công phu. Ngoài dự thảo luật là điều cơ bản, báo cáo còn cung cấp đánh giá tác động trên rất nhiều góc độ khác nhau, đã chuẩn bị dự thảo các nghị định và tổng hợp ý kiến góp ý của các bộ, ngành và so sánh các biểu mẫu và mức thuế của các sản phẩm chịu thuế của các quốc gia khác để đại biểu có thêm thông tin tham khảo. Chúng tôi cũng đồng tình với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội, những vấn đề đặt ra rất cơ bản về mặt lý luận cũng như thực tiễn để làm cơ sở cho đại biểu chúng tôi xem xét, thảo luận trong quá trình sắp tới sẽ biểu quyết thông qua.

Chúng tôi cũng nhận thức sâu sắc thuế bảo vệ môi trường là chính sách tài chính rất quan trọng liên quan đến nghĩa vụ tài chính trong việc gây ô nhiễm môi trường từ khâu sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt tiêu dùng. Nhưng hiện nay dự thảo luật chỉ đưa ra 5 nhóm sản phẩm hàng hóa có tác động trực tiếp đó là xăng dầu, than, dung dịch HCFC, túi nhựa xốp và túi nilong. Nhiều đại biểu trước đã phân tích, nên nghiên cứu rà soát lại tổng thể các nhóm sản phẩm hàng hóa có thể gây ô nhiễm môi trường và nhóm nào cần phải tiếp tục bổ sung vào danh mục chịu thuế cũng phải bổ sung hoàn thiện. Bởi vì một lần Quốc hội chúng ta làm những luật này là rất công phu, nếu như luật này ra đời đến năm 2012 mới có hiệu lực thi hành, trong 2 năm có những phát sinh thực tế không tính ngay từ bây giờ, rõ ràng luật phải sửa.

Mặt khác, qua thực tế tiêu dùng thấy sản phẩm hóa chất tẩy rửa tác động rất lớn đến môi trường, ngay như trong sinh hoạt hộ gia đình từ nước tẩy rửa nhà vệ sinh, nước rửa tay cho đến tất cả các loại hóa chất khác, đơn lẻ thì cũng có ý nghĩa đối với sự sống của ta, góp phần làm cho sinh hoạt đơn giản hơn, nhưng tất cả sản phẩm đó thải vào nước thải của môi trường tạo ra hiệu ứng tổng hợp tác dụng tiêu cực mà chúng ta chưa thể đong, đo, đếm hết được. Ta thử hình dung một công nhân lao động của ngành cấp thoát nước, tôi cũng đã đọc những bài báo rất ấn tượng của các phóng viên tác nghiệp chụp ảnh những người công nhân từ dưới cống ống nước lên, người ta nói một tuần sau tắm vẫn không hết mùi hôi, chân tay đen ngòm mặc dù có những bảo hộ lao động nhưng vì mức độ ô nhiễm nghiêm trọng nên tác động rất lớn đến sức khỏe của người công nhân lao động làm việc trong lĩnh vực trực tiếp này. Tôi xin đề xuất nên nghiên cứu lại danh mục chịu thuế, nhóm nào có thể tạm thời cho áp dụng thuế suất bằng 0 để có lộ trình thực hiện, đảm bảo sản xuất trong nước cũng như năng lực cạnh tranh của các sản phẩm trong nước, đồng thời tính đến tính toàn diện của luật này trong thời gian dài.

Nhân Quốc hội họp ngày thứ 7, chúng tôi xin nói một điều rất thực tế, rất vui là biết đâu chúng ta có kỳ vọng lớn sau khi luật này ra đời một thời ta sẽ quay lại chúng ta sẽ có những chậu gội đầu bằng bồ kết của người mẹ lo cho con gái, con dâu, chúng ta sẽ chứng kiến được hình ảnh rất nên thơ đó là ông chồng dội nước gội đầu bồ kết cho vợ chẳng hạn, không phải dùng những sản phẩm bằng hóa chất. Mặt khác, chúng tôi thấy rằng cùng với những đánh giá tác động về mặt tài chính thì Ban soạn thảo cũng nên có những đánh giá sâu hơn nữa, hiệu ứng phái sinh của chính sách thuế này đối với quá trình sản xuất của một doanh nghiệp. Bởi vì hiện nay đời sống của một bộ phận chính sách lớn của người lao động ở các doanh nghiệp này cũng đang hết sức khó khăn, lực lượng lao động ở các doanh nghiệp, các sản phẩm liên quan đến danh mục chịu thuế này cũng là một con số rất lớn, chúng tôi không có điều kiện để đưa ra số liệu cụ thể. Nhưng qua nghiên cứu danh mục chịu thuế này thì có thể nói rằng có một lượng lớn các doanh nghiệp và người lao động ở đây, nếu chúng ta không đánh giá được những hiệu ứng phái sinh khi chính sách này ra đời mà nó tác động đến doanh nghiệp, đến sản xuất doanh nghiệp và đến việc làm thu nhập đời sống của người lao động ở các khu vực này thì có thể nói dẫn đến những hiệu ứng phái sinh về mặt xã hội và an sinh xã hội mà chúng ta phải giải quyết.

Ý thứ hai, chúng tôi xin thảo luận về mức thuế, mức thuế hiện nay dự thảo quy định theo mức thuế là mức tuyệt đối, tức là tính theo giá tiền ở trên một đơn vị tính là kilô hoặc lít hoặc tấn. Mức thuế này nó cũng có những ưu điểm như dự án luật đã trình bày, nhưng chúng tôi thấy rằng nếu giá cả với tốc độ biến động trượt giá như thế này thì không biết là chúng ta sẽ xử lý phương án một vài năm nữa và nhất là từ nay đến năm 2012 luật có hiệu lực, chưa nói đến thời gian sau đó, nhưng chỉ 2 năm sau khi luật có hiệu lực thì mức giá này liệu có phù hợp nữa hay không? biên độ thuế hiện nay đưa ra trong dự thảo tôi thấy rất rộng. Hiện nay các luật mà chúng tôi nghiên cứu thì đa số luật tính mức thuế trên mức thuế %, ít khi các luật tính theo mức thuế là tính theo giá tiền ở trên đơn vị tính. Điều này đề nghị Ban soạn thảo cũng tính toán thêm và cơ sở nào để chúng ta đưa ra mức thuế, chúng ta đánh giá mức thuế này là trên mức độ tác hại đến môi trường hay đánh giá như thế nào chúng tôi muốn được lý giải điều này rõ hơn để khi chúng ta biểu quyết một mức thuế là 1.000 đồng, 2.000 đồng hay bao nhiêu nghìn đồng đó trên 1 kilo, trên 1 tấn phải có cơ sở thuyết phục hơn. Chúng tôi xin đề xuất cùng với công cụ tài chính ở mức thuế này, chúng ta phải lưu tâm hơn công tác nghiên cứu sâu hơn nữa, đưa ra các thông tin đầy đủ để cùng mức thuế, hạn chế tiêu dùng, hạn chế sản xuất phải đưa ra khuyến cáo cho các doanh nghiệp, khuyến cáo cho người dân trong cộng đồng xã hội bớt dùng các sản phẩm đó, giảm bớt sử dụng những nguyên liệu đó.

Hiện nay, công tác thông tin, tuyên truyền cho người dân trong cộng đồng đã rất nỗ lực cố gắng, có sự vào cuộc của các cấp, các ngành và các chính quyền địa phương và các ban ngành đoàn thể. Nhưng thông tin đầy đủ, chính thống và thông tin một cách khoa học chưa đáp ứng với mong muốn đặt ra. Cùng với chính sách thuế, chúng tôi mong Chính phủ quan tâm hơn để đầu tư cho công tác tuyên truyền luật này trong đời sống cộng đồng xã hội.

Xin trân trọng cám ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan