Góp ý của đại biểu Quốc hội Đàng Thị Mỹ Hương – Ninh Thuận

Thứ Hai 09:23 02-11-2009


Kính thưa Chủ tọa kỳ họp,

Kính thưa Quốc hội,

Quốc hội đã nghe nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội phát biểu về vấn đề Đoàn thư ký đã gợi ý thảo luận. Ý kiến tôi cũng trùng, tuy nhiên tôi cũng xin thể hiện chính kiến của mình như sau.

Thứ nhất, là sự cần thiết để ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục. Thời gian qua trong quá trình thực thi Luật giáo dục ta thấy công tác giáo dục và đào tạo đã nổi lên nhiều vấn đề bất cập, chưa thật sự phù hợp với thực tiễn, nội dung giáo dục chưa thật mang tính toàn diện, công tác quản lý Nhà nước về giáo dục cũng còn bộc lộ nhiều sự hạn chế như việc phân cấp, phân quyền, tự chịu trách nhiệm theo yêu cầu cải cách hành chính cũng chưa cao. Hiệu quả quản lý Nhà nước trong hợp tác đầu tư nước ngoài về giáo dục và đào tạo cũng chưa thật sự hiệu quả và thiếu chặt chẽ. Từ những tồn tại bất cập trong ngành giáo dục và đào tạo mà cử tri, đại biểu đã phản ánh thì tôi thấy rất cần thiết và cấp bách để ban hành Luật sửa đổi, bổ sung Luật giáo dục lần này để khắc phục ngay những bất cập như đã nêu. Tôi thống nhất và mong muốn Luật sửa đổi và bổ sung được ban hành trong kỳ này, tuy nhiên tôi cũng xin trao đổi ý kiến thêm về một số nội dung sau:

Thứ nhất, là về giáo dục mầm non, tôi nhất trí cao với dự thảo Luật bổ sung vào Khoản 1, Điều 11, nội dung của Luật phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi như đại biểu Bình tỉnh Tuyên Quang đã nêu thì thực trạng chúng ta thấy bậc học mầm non đang bị đối xử thiếu công bằng so với các bậc học khác cả về chính sách đầu tư, chế độ đãi ngộ đối với giáo viên, nội dung giáo dục v v...Trong khi các cháu mầm non là đối tượng rất cần được xã hội chăm sóc đặc biệt để có được nền tảng ban đầu cần thiết cho các cháu sẵn sàng bước vào giai đoạn học tập và hình thành nhân cách. Điều kiện để các cháu được chăm sóc, giáo dục còn rất chênh lệch giữa các nhóm đối tượng, các cháu ở thành thị, con gia đình khá giả thì được đến các cơ sở giáo dục đàng hoàng và được chăm sóc chu đáo, còn các cháu ở vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi con gia đình khó khăn thì phải nói là hết sức thiệt thòi về điều kiện được học. Nay dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung đã quy định phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi tôi rất tán thành. Tuy nhiên, về thực trạng tôi rất mong muốn Luật cần bổ sung quy định mang tính pháp lý về việc giao cho Chính phủ quyết định các điều kiện về nguồn lực, tài chính, chế độ chính sách, hoạt động đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị và nội dung giáo dục để đảm bảo thực hiện có hiệu quả yêu cầu phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi hơn.

Về thẩm quyền thành lập hoặc cho phép thành lập trường đại học ở Điều 51, qua thảo luận thì tôi thấy có rất nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội còn băn khoăn chưa thống nhất như trong dự thảo Luật sửa đổi. Theo tôi, tôi tán thành với Luật sửa đổi theo hướng giao thẩm quyền quyết định thành lập trường cho Bộ trưởng Bộ giáo dục và đào tạo. Quy định như thế là phù hợp và cần thiết, bởi lẽ rất cần thiết với yêu cầu về phân công, phân cách quản lý giáo dục, nâng cao thẩm quyền và tính chịu trách nhiệm của người đầu ngành.

Trên thực tế tôi thấy quy định quy trình thành lập trường như hiện nay chưa thực sự rõ ràng, khó quy trách nhiệm. Bộ giáo dục và đào tạo thì chủ trì phối hợp với các bộ, ngành có liên quan về địa phương để thực hiện công tác thẩm định thành lập trường sau đó trình cho Chính phủ xem xét quyết định. Đến khi có sai xót thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm nói như đại biểu Hải - tỉnh Đồng Nai, người trình hay là người ký rất là khó quy trách nhiệm. Theo tôi ai quyết định cho thành lập trường thì không quan trọng mà quan trọng ở chỗ người quyết định nếu sai thì có chịu trách nhiệm hay không, có xử lý được hay không? Với yếu tố này mà giao cho Thủ tướng Chính phủ thì tôi e rằng không được. Trên thực tế Thủ tướng không thể quán xuyến được hết tình hình hoạt động của ngành giáo dục và đào tạo. Vậy theo tôi giao cho Bộ trưởng Bộ giáo dục và đào tạo quyết định theo như dự thảo Luật trình là hợp lý. Bộ trưởng sẽ là người duy nhất chịu trách nhiệm nếu quyết định sai thì cũng thuận trong việc xử lý. Tuy nhiên, tôi thấy trong điều kiện thành lập nhà trường và điều kiện cho phép hoạt động giáo dục như trong dự thảo luật còn chưa rõ ràng và thiếu chặt chẽ, thiếu chế tài xử lý đối với việc ra quyết định thành lập trường hoặc cấp phép hoạt động giáo dục và đào tạo chưa đúng, đồng thời cũng cần quy định ngay trong luật những trường hợp nào nhà trường sẽ bị đình chỉ hoạt động hoặc giải thể nhằm đảm bảo kỷ cương và nâng ý thức trách nhiệm của người quản lý nhà trường.

 Về chương trình giáo dục phổ thông sách giáo khoa ở Điều 29, tôi thống nhất với nội dung sửa đổi, tuy nhiên cần phải quy định thêm ngay trong luật cơ sở pháp lý về tiêu chuẩn của chương trình giáo dục và sách giáo khoa, nguyên tắc mang tính pháp lý để tổ chức lựa chọn và quyết định sử dụng sách giáo khoa, đồng thời quy định rõ trong luật, nội dung giao cho Bộ trưởng Bộ giáo dục đào tạo quy định cụ thể chặt chẽ về quy trình xây dựng chương trình giáo dục và biên soạn sách giáo khoa. Về quy chế tổ chức và hoạt động của bộ máy xây dựng chương trình giáo dục và biên soạn sách giáo khoa cũng như các hội đồng thẩm định quốc gia kèm theo những tiêu chí, tiêu chuẩn lựa chọn nhân sự tham gia và chế tài xử lý trách nhiệm khi để ra sai sót.

Về chương trình giáo dục đại học ở Điều 41, Luật sửa đổi, bổ sung theo hướng giao cho hiệu trưởng các trường cao đẳng, đại học tổ chức biên soạn lựa chọn tự duyệt, tự khẳng định để tổ chức giáo dục và đào tạo của nhà trường tôi cho là chưa chặt chẽ và dễ bị lạm dụng. Do đó tôi đề nghị Luật cần quy định rõ các quy chuẩn, quy trình của việc tổ chức soạn thảo lựa chọn thẩm quyền, chương trình nhằm khẳng định tính pháp lý và tăng cường trách nhiệm của người hiệu trưởng.

Về thời gian đào tạo trình độ tiến sỹ Điều 38, theo tôi rất cần thiết, quy định thời gian đào tạo trình độ tiến sĩ, đây cũng là yếu tố quan trọng góp phần đảm bảo chất lượng đào tạo tiến sĩ. Quy định về thời gian đào tạo được thể hiện như trong dự thảo luật sửa đổi là cần thiết để ràng buộc các cơ sở giáo dục đại học phải đầu tư thỏa đáng hơn về chương trình đào tạo, đội ngũ giảng viên, về tài chính nhằm đảm bảo chất lượng đào tạo tiến sĩ.

Tuy nhiên, theo tôi luật cần quy định ngay trong luật về tiêu chí kết quả nghiên cứu học tập, các điều kiện cần thiết khác để bảo vệ luận án tiến sĩ, tránh tình trạng luận án kém chất lượng nhưng nghiên cứu sinh vẫn được bảo vệ do đã hết thời gian, cũng như các điều kiện nhằm đảm bảo chất lượng, trình độ đào tạo một tiến sĩ. Xin hết.

Các văn bản liên quan