Góp ý của đại biểu Quốc hội Phạm Thị Hồng Nga – Hà Nội

Thứ Hai 09:24 02-11-2009


Kính thưa Quốc hội,

Trước hết tôi hoàn toàn đồng tình và nhất trí cao với sự cần thiết và quan điểm sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục. Trước những đòi hỏi của thực tiễn một số điều trong luật đã bộc lộ những hạn chế bất cập cần phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp tạo hành lang pháp lý tiếp tục xây dựng và phát triển nền giáo dục nước nhà.

Về cơ bản tôi ủng hộ các điểm mới được đề xuất sửa đổi, bổ sung như phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi. Việc bổ sung quy định trên tạo cơ sở pháp lý để các cấp, các ngành và toàn xã hội ưu tiên chăm lo nhiều hơn cho giáo dục mầm non, nhất là mầm non 5 tuổi, để giúp trẻ hình dung ra những hoạt động học tập, chuẩn bị một số vốn từ nhất định, giúp trẻ làm quen với chữ viết, mạnh dạn, tự tin hơn, chuẩn bị tốt về tâm lý và những điều kiện cần thiết trước khi bước vào lớp 1. Điều này đặc biệt cần thiết với trẻ em dân tộc thiểu số, giúp các em nói thạo tiếng Việt trước khi vào lớp 1.

Về điều kiện thành lập trường tách thành 2 điều kiện riêng là điều kiện thành lập nhà trường và điều kiện cho phép hoạt động giáo dục để khắc phục những bất cập trong thủ tục thành lập trường hiện nay, đảm bảo chặt chẽ hơn, rõ ràng hơn, minh bạch hơn và khả thi hơn, giải quyết được những vướng mắc trong việc thành lập trường hiện nay. Tạo điều kiện chấn chỉnh, khắc phục tình trạng thiếu cơ sở vật chất, thiếu đội ngũ cán bộ giảng dạy, thiếu trang thiết bị và tuyển sinh khi không đủ điều kiện.

Việc quy định thời gian đào tạo trình độ tiến sỹ, tôi nhất trí với dự thảo sửa đổi, bổ sung, để tạo sự ràng buộc đối với nghiên cứu sinh và giảng viên hướng dẫn. Nghiên cứu sinh phải đầu tư thích đáng về thời gian, tâm trí cho việc học và nghiên cứu, không quá kéo dài thời gian đào tạo, đồng thời cũng đảm bảo tính linh hoạt đối với những sinh viên xuất sắc, những nghiên cứu sinh xuất sắc có đủ điều kiện phát triển luận văn thạc sỹ lên tiến sỹ, không bị cứng nhắc và cụ thể quá về thời gian. Điều quan trọng hơn là chất lượng đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ, đặc biệt là đào tạo thạc sỹ, dư luận xã hội đang băn khoăn lo lắng về chất lượng của một số luận văn thạc sỹ. Chúng ta mở rộng việc đào tạo thạc sỹ nhưng trên thực tế thì chất lượng chưa được như mong muốn.

Về giáo dục có yếu tố nước ngoài, mặc dù đã được bổ sung hai khoản vào Điều 108 và Điều 109 nhưng tôi thấy vẫn còn chung chung, chưa đưa ra được những nội dung làm căn cứ pháp lý trong các trường hợp cụ thể. Tôi đề nghị Ban soạn thảo cần làm rõ khái niệm thế nào là giáo dục có yếu tố nước ngoài, có sự đầu tư của nước ngoài, học theo chương trình, cấp văn bằng nước ngoài hay chỉ có thầy cô giáo là người nước ngoài, tên trường là tên nước ngoài, thu tiền nước ngoài v.v... Trong thực tế các cơ sở giáo dục có yếu tố nước ngoài đã đăng ký thành lập như một công ty, sau đó tự mở ra các trung tâm đào tạo, như vậy chưa phải là đã có quyết định thành lập trường. Đề nghị trong luật cần xác định rõ trách nhiệm giữa cơ quan có thẩm quyền cho phép đầu tư và cơ quan quản lý hoạt động giáo dục để quản lý hoạt động giáo dục có yếu tố nước ngoài được chặt chẽ hơn và cần có quy định về quản lý các loại hình dịch vụ du học, kể cả du học tại chỗ. Tôi đề nghị bổ sung vào luật "các cơ sở giáo dục có yếu tố nước ngoài phải tôn trọng bản sắc văn hóa và nền giáo dục của Việt Nam".

Về cán bộ quản lý giáo dục là đối tượng điều chỉnh quan trọng của luật, về cơ bản tôi thống nhất như dự thảo luật. Tuy nhiên, cần quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn của cán bộ quản lý giáo dục vào luật là rất cần thiết. Vì cán bộ quản lý giáo dục giữ vai trò hết sức quan trọng trong việc quản lý, tổ chức, điều hành mọi hoạt động giáo dục.

Về kiểm định chất lượng giáo dục. Đây là một hoạt động hết sức quan trọng nhằm nâng cao chất lượng giáo dục một cách thực chất và được bổ sung tương đối cụ thể, chi tiết trong dự thảo. Tuy nhiên, để hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục được khách quan, hoàn toàn độc lập, không phụ thuộc vào ngành giáo dục, tôi mong muốn cơ quan này được tách ra và hoạt động tương tự như kiểm toán Nhà nước. Vì hiện nay kiểm định chất lượng giáo dục đang gắn với khảo thí và trực thuộc ngành giáo dục, số lượng biên chế không nhiều, nên chỉ lo việc quản lý, chỉ đạo và ra đề cho các kỳ thi là hết thời gian. Các cơ sở giáo dục mới chỉ dừng ở mức tự kiểm định là chính. Vì vậy, cần bổ sung biên chế và quy định rõ tính độc lập của cơ quan này, đồng thời có chế tài để xử lý nghiêm đối với những cơ sở giáo dục có kết quả kiểm định chất lượng không đạt.

Về học phí, tôi đề nghị bổ sung vào cuối Điều 105 "người học hoặc gia đình người học không phải đóng góp khoản tiền nào trái với quy định của pháp luật và quy định của ngành", vì trong luật hiện hành ghi "không đóng góp khoản tiền nào khác" nên các trường học không được thu cả những khoản tiền phí dịch vụ như nước uống, trông xe cho học sinh, bảo vệ và quét dọn vệ sinh trường lớp. Đồng thời có nơi lại dựa vào quỹ phụ huynh học sinh để lạm thu những khoản này gây ra tình trạng thu tùy tiện ở một số cơ sở giáo dục.

Về các cơ sở giáo dục khác, trong 120 điều của Luật giáo dục không có điều nào ghi trung tâm ngoại ngữ, tin học. Tôi đề nghị bổ sung vào Điều 69, các cơ sở giáo dục khác ở Khoản b ghi thêm trung tâm ngoại ngữ, tin học. Hiện nay các trường ngoài công lập có rất nhiều, điều này phù hợp với chủ trương xã hội hóa và góp phần làm đối trọng cho các trường công lập phải cố gắng nỗ lực để giữ uy tín cho mình.

Đối với trung học phổ thông, theo quy định 40% số học sinh học ở các trường ngoài công lập. Vì vậy, nếu có thể được nên có một chương riêng về giáo dục ngoài công lập và có quy định mức trần học phí cho loại hình này. Thực tế một số trường ngoài công lập mức thu rất cao nhưng chưa tương xứng với chất lượng đào tạo.

Vấn đề cuối cùng là trường chuyên không chỉ được thành lập ở cấp trung học phổ thông như quy định hiện hành, mà theo tôi được thành lập cả ở cấp trung học cơ sở. Vì trên thực tế nhiều em bộc lộ năng khiếu rất sớm. Trong luật không quy định nhưng các địa phương vẫn có mô hình trường trung học cơ sở chất lượng cao thực chất là những trường chuyên trung học cơ sở dành cho những học sinh giỏi, những học sinh có năng khiếu ở một số môn học. Đây là những vấn đề cần thiết phải sửa đổi, bổ sung để đáp ứng yêu cầu thực tiễn đang diễn ra, khắc phục những tồn tại trong quản lý giáo dục hiện nay. Xin trân trọng cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan