Góp ý của đại biểu Quốc hội Phan Thị Mỹ Bình – Tuyên Quang

Thứ Hai 09:22 02-11-2009


Kính thưa Quốc hội,

Tôi xin bày tỏ sự nhất trí với việc cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục. Qua 3 năm thực hiện Luật giáo dục từ năm 2005 đến nay đã có một số điểm không phù hợp với thực tiễn, một số chủ trương phát triển giáo dục gần đây đã được Quốc hội thông qua. Sửa đổi, bổ sung Luật giáo dục còn tạo cơ sở pháp lý cao nhất để các bộ, ngành ban hành các văn bản dưới luật agóp phần hoàn thiện hệ thống các văn bản quản lý nhà nước trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý ngành giáo dục, vấn đề đang được xã hội đặc biệt quan tâm.

Sau khi nghiên cứu dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục do Chính phủ trình Quốc hội, tôi xin tham gia ý kiến về một số điều, khoản cụ thể sau đây:

Tại Điều 11, về phổ cập giáo dục, dự kiến bổ sung Khoản 1 phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi. Tôi hoàn toàn nhất trí với dự án luật về nội dung bổ sung này. Trong Kỳ họp thứ 5, Quốc hội đã thông qua nghị quyết về chủ trương, định hướng đổi mới cơ chế tài chính trong giáo dục, đào tạo. Trong đó đã đề cập đến vấn đề này trong khi chưa thể phổ cập giáo dục mầm non ở mọi độ tuổi thì việc chọn mầm non 5 tuổi để phổ cập là bước đi quan trọng xuất phát từ tầm quan trọng và yêu cầu giáo dục ở độ tuổi này. Vì đây là năm rất quan trọng đối với trẻ phải được trang bị hiểu biết ban đầu trước khi bước vào lớp 1.

Theo số liệu thống kê giáo dục thì tỷ lệ trẻ 5 tuổi được đi học lớp mầm non bình quân cả nước là 90%. Tuy nhiên, trong thực tế có sự khác biệt lớn giữa thành phố, miền xuôi với vùng miền núi, vùng đặc biệt khó khăn và vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trên thực tế ở tỉnh Tuyên Quang chúng tôi lãnh đạo Đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp từ tỉnh đến cơ sở đã quan tâm tạo mọi điều kiện để trẻ 5 tuổi được đến trường với tỷ lệ cao nhất. Tuy nhiên, trên thực tế triển khai vẫn còn có rất nhiều những khó khăn. Theo tôi đây cũng là những khó khăn chung của các tỉnh miền núi khác có điều kiện như chúng tôi, như là các thôn bản xa trung tâm, đường giao thông đi lại quá khó khăn, các em không thể đến trường nhất là trong mùa mưa lũ, cơ sở vật chất, trường lớp học còn quá thiếu thốn, nhiều nơi còn phải học nhờ nhà văn hóa, thôn bản. Thiết bị đồ dùng cho giảng dạy vui chơi cho trẻ còn thiếu. Chính sách phụ cấp cho giáo viên nhất là giáo viên ngoài công lập rất thấp không đủ trang trải cuộc sống, dẫn đến tình trạng nhiều giáo viên đã bỏ về.

Kinh tế nhiều gia đình của đồng bào dân tộc còn quá khó khăn, không đủ trang trải các chi phí nuôi dạy và chăm sóc sức khỏe cho trẻ . Theo tôi được biết Bộ giáo dục và đào tạo đã xây dựng chương trình phổ cập mẫu giáo 5 tuổi giai đoạn 2009 - 2015, trong đó xác định tập trung kinh phí xây dựng phòng học, mua sắm trang thiết bị đồ dùng, đồ chơi cho trẻ và có chính sách tuyển dụng bồi dưỡng chuyên môn cho giáo viên ở những vùng miền núi, vùng dân tộc thiểu số, chúng tôi đề nghị Chính phủ, các Bộ, ngành quan tâm và đầu tư đồng bộ, tạo điều kiện thuận lợi cho trẻ em dân tộc miền núi, vùng sâu, vùng xa, được thuận lợi đến trường như các cháu ở vùng miền xuôi, thành phố, góp phần thực thi chủ trương của Đảng và dự án Luật giáo dục về phổ cập giáo dục mầm non 5 tuổi thật sự đi vào cuộc sống.

Tại Điều 29, chương trình giáo dục phổ thông, sách giáo khoa. Hiện tại sách giáo khoa của tất cả các bậc học đều chưa thật sự được đánh giá cao, chưa tạo sự đồng thuận, tin tưởng trong xã hội. Việc xây dựng chương trình sách giáo khoa còn nhiều hạn chế, bất cập, có quá nhiều loại sách, nhất là những sách tham khảo. Kiến thức học quá tải, chất lượng sách giáo khoa chưa đảm bảo, còn phải đính chính vì còn quá nhiều lỗi. Các bài học giáo dục đạo đức trong sách, nhất là bậc tiểu học không còn nhiều như ngày trước nữa. Sách giáo khoa tiếng dân tộc theo tôi khó thực hiện. Nếu được cũng phải có lộ trình, chứ không thể thực thi trong thời gian ngắn, trong ngày nay, ngày mai được.

Trên thực tế toàn quốc có 54 dân tộc, không phải dân tộc nào cũng có chữ viết. Cũng có nhiều người biết viết, biết đọc tiếng dân tộc. Ở các tỉnh đều có trường dân tộc nội trú, nhưng thử hỏi xem có bao nhiêu giáo viên là người dân tộc, bao nhiêu giáo viên là người dân tộc nhưng không biết nói tiếng dân tộc. Chính phủ đã có những quan tâm đến các tỉnh miền núi, nhất là con em đồng bào dân tộc.

Tuy nhiên, muốn nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo đề nghị Chính phủ quan tâm nhiều hơn nữa cho các tỉnh miền núi, như mở thêm các trường nội trú để tạo điều kiện cho con em dân tộc được học tập, tạo điều kiện cho học sinh cử tuyển đào tạo các giáo viên người dân tộc, như tỉnh Tuyên Quang chúng tôi hiện nay chỉ có 1 trường dân tộc nội trú trung học phổ thông và chỉ có 450 học sinh. Còn rất nhiều học sinh con em các dân tộc muốn theo học nhưng không được vào học vì thiếu trường, thiếu lớp.

Chúng tôi mong muốn Bộ giáo dục và đào tạo tạo điều kiện cho các tỉnh miền núi được mở thêm các trường dân tộc nội trú, tạo điều kiện cho các em dân tộc được theo học và tạo nguồn cho giáo viên dạy tiếng dân tộc. Tôi xin hết ý kiến, xin cảm ơn Quốc hội.

 

Các văn bản liên quan