Góp ý của Đại biểu Quốc hội Cao Sĩ Kiêm – Thái Bình

Thứ Hai 15:08 28-03-2011

Kính thưa Quốc hội,

Tôi hoan nghênh Ban soạn thảo đã tổng hợp và ghi vào những ý kiến đóng góp tương đối chuẩn xác, đầy đủ. Tôi cũng đánh giá rất cao giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, những vấn đề đặt ra và giải quyết xử lý tiếp thu khá rõ ràng. Tôi xin tham gia vào 3 vấn đề trong 7 vấn đề mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình:

Thứ nhất, về quản lý Nhà nước đối với kiểm toán độc lập. Như lý lẽ giải trình trên, trong tình hình hiện nay, chúng ta giao cho Bộ tài chính cấp chứng chỉ kiểm toán viên và chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán, giao trách nhiệm cấp, đình chỉ thu hồi giấy phép thành lập hoạt động của đơn vị kiểm toán, chi nhánh, văn phòng đại diện kiểm toán. Tôi xin lưu ý với Quốc hội, so với Luật doanh nghiệp, so với thông lệ quốc tế, so với nhiều ý kiến trong này có băn khoăn việc giao ấy cũng nên có chuẩn bị ngay, tôi nói trước mắt là phù hợp hay trong tình hình hiện nay, trong điều kiện hiện nay là phù hợp nhưng để đưa chất lượng và nội dung của kiểm toán, nhất là những việc thành lập và cấp chứng chỉ đi dần vào theo thông lệ quốc tế và theo yêu cầu đòi hỏi thì phải chuẩn bị dần tất cả những yếu tố hoặc bắt tay vào chuẩn bị các yếu tố, ví dụ cấp các chứng chỉ kiểm toán nên giao cho hiệp hội. Trong tình hình hiện nay thì chưa giao nhưng không có nghĩa là chúng ta cứ giải quết mãi mãi như thế này, chúng ta phải chuẩn bị ngay những điều kiện để bớt cho cơ quan quản lý nhà nước những vấn đề về thủ tục không cần thiết để khai thác triệt để hoạt động và vị trí của các hiệp hội và các hội nghề nghiệp.

Ý thứ hai, chúng tôi đề nghị để phối hợp chặt chẽ với Luật doanh nghiệp, vì Luật doanh nghiệp chúng ta giao cho Sở kế hoạch và đầu tư việc giám sát, kiểm tra, làm tất cả những nhiệm vụ không những của kiểm toán mà còn rất nhiều các dịch vụ phục vụ khác cho nên giao cho Bộ tài chính, vì Bộ tài chính là cơ quan chuyên môn đặc biệt trong lĩnh vực này có những nghiệp vụ rất chuyên sâu. Hiện nay giao cho Bộ tài chính là hợp lý và có thể có hiệu quả hơn nhưng về lâu dài và khi có điều kiện tốt thì chúng ta có thể điều chỉnh. Trong khi chúng ta chưa điều chỉnh được, đề nghị có một cơ chế phối hợp giữa Bộ tài chính, Bộ kế hoạch và đầu tư, Sở Tài chính và Sở kế hoạch và đầu tư ở địa phương để có sự phối hợp trong việc kiểm tra, giám sát, thực hiện việc kiểm toán.

Việc tiếp tục bồi dưỡng các hiệp hội nghề và các đơn vị đảm nhiệm thay chức vụ của Bộ tài chính là nhiệm vụ cấp chứng chỉ, đào tạo, ngay trong luật này hoặc khi triển khai luật nên chú ý tạo điều kiện để cho các hiệp hội nghề nâng trình độ lên, đảm bảo vị trí và khả năng có thể phát huy tốt trong điều kiện quản lý tập trung, chúng ta dành nhiều cho cơ quan quản lý nhà nước làm những việc rộng hơn, lớn hơn.

Về quy định về kiểm toán viên hành nghề phải tham gia tổ chức nghề nghiệp về kiểm toán. Hiến pháp của chúng ta quy định và trong hoạt động hiện nay dù chưa có Luật hội nhưng các hội hoạt động theo quy định của Chính phủ là tự nguyện, tự giác và tự chịu trách nhiệm cho nên dứt khoát không nên quy định cho các kiểm toán viên hành nghề phải tham gia tổ chức nghề nghiệp. Vì sao? Vì trong Luật kiểm toán này chúng ta đã ghi rất rõ phạm vi, mức độ, điều kiện để hành nghề kiểm toán. Mà chúng ta lại có một cái chốt rất quan trọng là không cho kiểm toán viên được hành nghề tư nhân. Tất cả cái đó nó khóa lại rồi, cho nên việc ghi cái kia là rất không nên. Lý lẽ như thế cho nên tôi thấy cách ghi trong phương án 1 là hợp lý, tất nhiên có đuôi đằng sau mà trong phần chữ nghiêng nghiêng đã ghi rõ, tôi đồng ý.

Thứ ba, doanh nghiệp kiểm toán và những nội dung ngoại trừ. Doanh nghiệp kiểm toán trong tình hình hiện nay tôi cũng cảm thấy Luật kiểm toán này chúng ta mới là giai đoạn bước đầu hội nhập, chúng ta tập dượt, chúng ta làm, chúng ta rút kinh nghiệm dần thì đôi khi có những quy định quá chặt chẽ hoặc cũng có khi hành chính, có tính chất tập trung nhiều hơn. Như trên tôi nói vì điều kiện và trình độ hoặc bước đầu của chúng ta thì làm thế cũng được. Nhưng tôi thấy phải làm rõ 2 việc. Một là cái ngoại trừ. Ngoại trừ bây giờ có 2 khía cạnh, một là tình hình hiện nay là ngoại trừ mà chúng ta thực tiễn kiểm tra vừa qua thấy một số lợi dụng cái này, nhất là doanh nghiệp trốn tránh trách nhiệm, không chịu trách nhiệm trước các kết luận hoặc khi kết luận có đe dọa đến quyền lợi của mình thì đưa yếu tố ngoại trừ ra. Nếu để doanh nghiệp tự chọn cái đấy thì vô hiệu hóa làm giảm rất nhẹ kiểm toán đi. Cho nên tôi tán thành nên phải có yếu tố ngoại trừ và yếu tố ngoại trừ này phải được các cơ quan chức năng hiện nay là Bộ tài chính phải có quy định rất chặt chẽ. Nhưng quy định chặt chẽ thì lại phải có 2 phía. Một là sau khi quy định xong thì chúng ta phải có kiểm tra, kiểm soát rất chặt chẽ. Vì như Báo cáo của Thủ tướng có nêu một nguy cơ hiện nay của chúng ta là việc kỷ cương, kỷ luật điều hành, ý thức chấp hành pháp luật một số bộ phận rất kém. Kiểm tra, kiểm soát của chúng ta cũng bị buông lỏng. Cho nên nếu chúng ta quy định xong mà không có kiểm tra, kiểm soát thì rất kém hiệu lực trong việc thực thi pháp luật. Cho nên phải quy định 2 phía kể cả doanh nghiệp nhưng cũng kể cả cơ quan quản lý nhà nước.

Thứ hai, tính pháp lý của tất cả văn bản báo cáo, số liệu trong báo cáo của kiểm toán là phải có tính pháp lý cao và phải quy định trách nhiệm rõ về nội dung, chất lượng và vị trí của số liệu kiểm toán. Nếu các cơ quan kiểm toán làm không đúng và thiếu chính xác, gây tổn hại đến quyền lợi của công dân và doanh nghiệp thì phải có chế tài xử lý chặt chẽ vì trong tình hình chúng ta đi vào kinh tế thị trường, tất cả số liệu, thông tin của người dân căn cứ để người ta hoạt động, người ta tham gia thị trường chứng khoán, tất cả các hành vi kinh tế đều phải dựa vào những số liệu của các cơ quan chức năng, cơ quan kiểm toán là cơ quan chức năng công bố số liệu này một cách chính xác và tin tưởng nhất. Nếu như vừa qua chúng ta vào sàn chứng khoán và một số báo cáo của các doanh nghiệp báo cáo sai đến khi vỡ lở ra lại đi xin lỗi và bảo số liệu này chưa chuẩn xác mà đã được kiểm toán rồi. Đây là vấn đề rất bất lợi. Tôi đề nghị tính pháp lý của số liệu kiểm toán cũng phải được quy trách nhiệm rất rõ cho cả cơ quan làm kiểm toán và cơ quan cung cấp số liệu. Tôi xin hết, xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan