Góp ý của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mỹ Hương – TP Đà Nẵng

Thứ Hai 15:07 28-03-2011

Kính thưa Quốc hội,

Tôi xin được góp ý vào dự thảo luật này một số điều như sau:

Thứ nhất, quy định về điều kiện đăng ký hành nghề kiểm toán của kiểm toán viên, tôi cho rằng trên thực tế chúng ta hiểu rằng nếu kiểm toán viên tham gia vào hiệp hội tổ chức nghề nghiệp kiểm toán thì có rất nhiều lợi ích và nâng cao vai trò của Hội nghề nghiệp về kiểm toán. Tuy nhiên thực tế tôi cũng đồng ý với ý kiến của nhiều đại biểu trong lần phát biểu trước ở kỳ họp trước cho rằng hội là tổ chức tự nguyện, tôi đồng ý trên quan điểm đó bởi vì nếu tổ chức hội, hoạt động thật tốt và đem lại lợi ích cho các thành viên thì ai cũng thích tham gia vào hội nhưng thực tế hiện nay trong điều kiện của Việt Nam thì hội nghề nghiệp về lĩnh vực này, đặc biệt trong lĩnh vực kiểm toán tôi cho rằng chưa thực sự đủ tốt và đủ mạnh để thu hút sự tham gia của các thành viên, trong khi đó chúng ta quy định vào trong luật yêu cầu các kiểm toán viên hành nghề phải tham gia vào luật thì như vậy nó sẽ mang tính chất miễn cưỡng và tạo ra những áp lực không đáng có và nhiều kiểm toán viên cho rằng cách bắt buộc như vậy vô hình tạo ra một giấy phép con trong lĩnh vực hành nghề kiểm toán. Như vậy Điều 15 tôi đề nghị giữ nguyên như dự thảo luật và tôi chọn phương án 1.

Vấn đề thứ hai về quy định các nội dung không được ngoại trừ trong báo cáo kiểm toán. Thực tế việc giao cho Bộ tài chính quy định các nội dung không được ngoại trừ trong báo cáo kiểm toán thể hiện sự can thiệp sâu vào trong sự vận động tự nhiên của thị trường và can thiệp vào mối quan hệ của khách hàng với nhà cung cấp. Chúng ta hiểu rất rõ điều đó. Tuy nhiên thực tế báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng phân tích rất kỹ nội dung này và cho rằng chất lượng của các báo cáo kiểm toán của chúng ta ở Việt Nam không cao, đặc biệt chúng ta thấy người đầu tư ở Việt Nam có trình độ và khả năng đọc báo cáo tài chính cũng như đọc báo cáo kiểm toán ở trình độ còn hạn chế. Chính vì lẽ đó nếu không có quy định của Bộ tài chính cho những trường hợp ngoại trừ thì các cổ đông, nhà đầu tư rất có khả năng dẫn đến những thiệt hại không đáng có. Chẳng hạn khi họ đọc báo cáo kiểm toán, đọc các kết quả đó nhưng không chú ý đến các trường hợp ngoại trừ, báo cáo kiểm toán có thể có nhiều trường hợp ngoại trừ, họ không để ý và dẫn đến các cổ đông sẽ bị thiệt hại.

Tôi nghĩ suy cho cùng thì luật này cũng bảo vệ một phần các lợi ích của cổ đông, lợi ích của công chúng. Chính vì lẽ đó tôi cho rằng trong thời gian trước mắt, ít nhất trong vòng 5 năm tới khi hội nghề nghiệp thực sự chưa mạnh thì chúng ta nên giao nhiệm vụ này để cho Bộ tài chính qui định các trường hợp ngoại trừ để đảm bảo những nội dung rất trọng yếu sẽ được phải có nằm trong báo cáo kiểm toán.

Vấn đề thứ ba, đó là các trường hợp kiểm toán viên hành nghề không được thực hiện kiểm toán. Ở đây tôi đề cập đến chức danh kế toán trưởng trong dự thảo luật cũng có qui định đến chức vụ quản lý điều hành thì tôi không rõ chức vụ quản lý điều hành có bao hàm chức vụ giám đốc tài chính hay không? bởi vì thực tế hiện nay có nhiều doanh nghiệp đa phần trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài họ có chức danh giám đốc tài chính, giám đốc tài chính khác kế toán trưởng. Tuy nhiên vị trí này có cấp cao hơn, có quyền hành cao hơn kế toán trưởng thì để chúng ta bảo đảm được tuyệt đối khả năng xảy ra trường hợp giám đốc tài chính tham gia vào đã từng giữ chức vụ này mà lại tham gia kiểm toán thì tôi đề nghị bổ sung thêm chức danh giám đốc tài chính.

Vấn đề thứ tư, nghĩa vụ của doanh nghiệp kiểm toán ở Điều 29, Khoản 11, chúng ta có qui định: doanh nghiệp kiểm toán chỉ chịu trách nhiệm với người sử dụng kết quả kiểm toán khi người sử dụng kết quả kiểm toán có hiểu biết một cách hợp lý về báo cáo tài chính và tiết c chúng ta qui định: đã sử dụng một cách thận trọng thông tin trên báo cáo tài chính. Tiết b và tiết c tôi nhận thấy rằng cách qui định hợp lý và thận trọng thì hai từ dùng của chúng ta khá mơ hồ. Mặt khác tôi nghĩ rằng cũng không nhất thiết phải qui định hai điều này, bởi một lẽ bản thân nhà đầu tư, tôi là nhà đầu tư thì tôi không cần phải hiểu rõ báo cáo tài chính và tôi có thể ra những quyết định đầu tư. Tuy nhiên cái tôi cần yêu cầu đối với kết quả tài chính là kết quả đó phải trung thực và chính xác, chỉ cần như vậy nếu tôi chứng minh rằng những thiệt hại của tôi do thông tin không trung thực và không chính xác thì tôi thắng kiện. Ngược lại doanh nghiệp kiểm toán khi bị kiện nếu họ chứng minh được những thông tin họ đã đảm bảo tuân thủ các chuẩn mực kiểm toán và họ thông tin là trung thực, chính xác thì họ cũng thắng kiện. Như vậy chính vì điều đó mà tôi cho rằng tại Điều 29, Khoản 11, tiết b và tiết c là không cần thiết.

Vấn đề thứ năm, tôi đề nghị đó là quyền của đơn vị được kiểm toán. Ở Khoản 3 chúng ta qui định đơn vị được kiểm toán được quyền từ chối cung cấp thông tin tài liệu không liên quan đến nội dung kiểm toán thì điều này cũng khá rõ. Tuy nhiên đối chiếu với luật của các nước thì tôi thấy cách của chúng ta qui định nó chưa chi tiết, nó dẫn đến sự tùy nghi hiểu trong thực tế, tức là các doanh nghiệp được kiểm toán họ có khả năng lấy nhiều lý do để họ từ chối cung cấp thông tin, trong khi đó thông tin đó thực sự cần thiết cho việc kiểm toán. Ví dụ thông tin về khách hàng, hay thông tin về tình hình kinh doanh nó vẫn hỗ trợ cho quá trình kiểm toán, cho báo cáo kiểm toán rất nhiều. Chính vì vậy mà tôi đề nghị qui định rõ hơn, chúng ta có thể học hỏi kinh nghiệm của các nước, người ta quy định những loại thông tin nào được từ chối hoặc những thông tin nào đã được từ chối phải rất chính thống, minh bạch và phải có biên bản ghi rõ những nội dung đã từ chối đối với đơn vị kiểm toán.

Cuối cùng, về tính độc lập khách quan quy định tại Điều 58, ở đây có 2 điều khoản quy định, tôi đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc thêm một vấn đề là đối với những đơn vị trong lĩnh vực có lợi ích công chúng, đề nghị Hội đồng quản trị phải là người bổ nhiệm kiểm toán viên, tránh trường hợp Ban giám đốc bổ nhiệm kiểm toán viên vì Ban giám đốc là người làm thuê, tự điều hành công việc hàng ngày, dẫn đến khả năng giảm tính độc lập khách quan. Chúng ta quy định Hội đồng quản trị bổ nhiệm kiểm toán viên sẽ hạn chế được trường hợp đó xảy ra, đảm bảo lợi ích của công chúng. Tôi xin hết.

Tôi xin bổ sung thêm 2 nội dung. Nội dung thứ nhất, liên quan đến báo cáo minh bạch quy định ở Điều 56 thì ở đây chúng ta quy định là các doanh nghiệp kiểm toán, kiểm toán báo cáo tài chính của các đơn vị có lợi ích công chúng thì phải công khai trên trang thông tin điện tử báo cáo minh bạch hàng năm. Ở đây chúng tôi đề nghị cân nhắc bổ sung thêm hình thức báo giấy, bởi vì chúng ta cũng không có quy định bắt buộc là các doanh nghiệp kiểm toán phải có trang thông tin điện tử. Như vậy chúng ta quy định thêm hình thức báo giấy để cho chặt chẽ hơn.

Vấn đề thứ hai, tôi cũng rất băn khoăn có liên quan đến phí dịch vụ kiểm toán quy định ở Điều 44. Một vấn đề xảy ra trong thực tế hiện nay là các doanh nghiệp kiểm toán cạnh tranh nhau rất khốc liệt để có được khách hàng về phía mình. Chúng ta cũng thấy rằng ngành kiểm toán rất đặc thù, người ta ví nó giống như cắn vào bàn tay mà đang đưa thức ăn cho mình. Như vậy chúng ta vừa đồng thời giảm phí xuống nhưng vừa phải đảm bảo tính độc lập khách quan. Thực tế điều đó rất khó. Nếu chúng ta không quy định phí tối thiểu thì dẫn đến các doanh nghiệp cứ hạ mức phí hoặc theo hình thức khác là người ta tăng tỷ lệ hoa hồng, tăng mức chi trả lại cho khách hàng dẫn đến tính độc lập khách quan giảm đi rất nhiều.

Chính vì lẽ đó tôi đề nghị bằng một hình thức nào đấy có thể quy định trong luật là giao cho Bộ tài chính quy định mức phí tối thiểu kiểm toán trong một thời kỳ. Theo đó chúng ta có thể quy định những tiêu chí, có những cơ sở rất chặt chẽ để các doanh nghiệp không tận dụng mức phí để cạnh tranh và có được khách hàng cho doanh nghiệp kiểm toán của mình. Tôi xin hết, xin cảm ơn Quốc hội.

 

Các văn bản liên quan