Góp ý của Ô.Nguyễn Ngọc Sang – Công ty LD Tư vấn và Phát triển đầu tư VIKOA

Thứ Ba 15:52 10-07-2007


Ý KIẾN ĐÓNG GÓP DỰ THẢO  
NGHỊ ĐỊNH
Quy định chi tiết và hướng dẫn hoạt động đầu tư nước ngoài
trong lĩnh vực khoa học và công nghệ

 
Trước hết quan điểm của tác giả đồng tình với quan điểm xây dựng dự thảo Nghị định trên cơ sở một số điểm sau đây:

-            Dự thảo Nghị định không nhắc lại những nội dung mà trong Luật Đầu tư và Nghị định số 108/2006/NĐ-CP đã quy định rõ;

-            Dự thảo Nghị định tập trung hướng dẫn thi hành những nội dung có tính chuyên ngành và đặc thù của lĩnh vực khoa học và công nghệ mà Luật Đầu tư và Nghị định số 108/2006/NĐ-CP chưa có quy định cụ thể hoặc có thể dẫn đến cách hiểu chưa thống nhất trong việc thực thi pháp luật;

-            Đảm bảo tính thống nhất và phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật liên quan (Luật Đầu tư, Luật Khoa học và Công nghệ);

-            Bảo đảm tính kế thừa nội dung về đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học của Nghị định số 06/2000/NĐ-CP.
 
Mặc dù vậy nội dung trong Dự thảo Nghị định còn tồn tại một số điểm chưa đáp ứng được quan điểm xây dựng Dự thảo Nghị định nêu trên như sau:
 
1.  Thuận ngữ pháp lý và hình thức đầu tư:
 
Tại Điều 4 Dự thảo có sử dụng một số khái niệm như: “tổ chức khoa học và công nghệ”, “doanh nghiệp khoa học và công nghệ”, tuy nhiên Dự thảo không đưa ra sự giải thích hay định nghĩa về hai khái niệm này. Theo các quy định trong Luật khoa học và công nghệ 2000, Nghị định 81/2002/NĐ-CP ngày 17/10/2002 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoa học và Công nghệ ngày 17/10/2002 và Thông tư số 10/2005/TT-BKHCN ngày 24/08/200, chỉ đưa ra các quy định về các loại hình và điều kiện thành lập và hoạt động của tổ chức khoa học và công nghệ mà không quy định về doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Vì vậy, theo quan điểm của tác giả Dự thảo cần có quy định giải thích rõ hoặc định nghĩa về hai khái niệm này.
 
Bên cạnh đó, Điều 4 Dự thảo chỉ quy định về hình thức đầu tư là 100% vốn nước ngoài, liên doanh hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh. Như vậy, Dự thảo đã hạn chế một số hình thức đầu tư khá phổ biến hiện nay quy định tại Điều 21 Luật đầu tư 2005 ví dụ như: hình thức mua cổ phần hoặc góp vốn để tham gia quản lý hoạt động đầu tư. Việc quy định như vậy sẽ hạn chế quyền chủ động trong kinh doanh của nhà đầu tư.
 
 
2.   Dự án trong lĩnh vực khoa học và công nghệ là dự án có điều kiện hay không có điều kiện?
 
Việc xác định dự án đầu tư trong lĩnh vực khoa học và công nghệ có một ý nghĩa rất quan trọng trong việc chuẩn bị hồ sơ pháp lý và quy trình áp dụng xin cấp Giấy chứng nhận đầu tư theo quy định tại Nghị định 108/2006/NĐ-CP.
 
Theo quy định tại Khoản 1 Điều 29 Luật đầu tư 2005, lĩnh vực khoa học và công nghệ không có trong danh mục lĩnh vực đầu tư có điều kiện. Tuy nhiên, Bộ Khoa học và Công nghệ hoàn toàn có thẩm quyền quy định lĩnh vực khoa học và công nghệ là lĩnh vực đầu tư có điều kiện nếu xét thấy cần thiết mà không trái với quy định của Luật đầu tư bởi vì một quy định mở tại điểm i) Khoản 1, Điều 29 (“Một số lĩnh vực khác theo quy định của pháp luật”). Mặc dù vậy, theo quy định tại Phụ lục C Nghị định 108/2006/NĐ-CP, lĩnh vực khoa học và công nghệ không được quy định là lĩnh vực đầu tư có điều kiện.
 
Căn cứ các điều khoản quy định trong Chương III của Dự thảo, có thể thấy rằng Ban soạn thảo nghiêng về quy trình cấp Giấy chứng nhận đầu tư cho dự án đầu tư có điều kiện và dự án đầu tư có quy mô vốn trên 300 tỷ đồng theo quy định tại Nghị định 108/2006/NĐ-CP. Việc đưa ra quy trình như vậy sẽ là không đầy đủ và không thống nhất với các quy định của Luật đầu tư và Nghị định 108 nếu như không xác định rõ lĩnh vực khoa học và công nghệ là lĩnh vực đầu tư có điều kiện hay không có điều kiện.
 
Theo quan điểm của tác giả, chỉ nên quy định lĩnh vực đầu tư có điều kiện áp dụng cho trường hợp thành lập cơ sở nghiên cứu khoa học độc lập ví dụ như viện và trung tâm nghiên cứu khoa học. Trong trường hợp này cần thiết phải quy định chặt chẽ quy trình cấp Giấy chứng nhận đầu tư (quy trình thẩm tra) thành lập viện và trung tâm nghiên cứu khoa học. Ban soạn thảo cần quy định cụ thể về điều kiện mà nhà đầu tư cần phải đáp ứng khi thành lập viện hoặc trung tâm nghiên cứu khoa học tại Việt Nam như điều kiện về tư cách pháp lý, nhân sự, cơ sở vật chất và vốn.
 
Tuy nhiên, đối với trường hợp thành lập doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khoa học và công nghệ như cung cấp các dịch vụ liên quan đến nghiên cứu trong các lĩnh vực khoa học kỹ thuật, công nghệ, khoa học tự nhiên, khoa học quản lý kinh tế, ngôn ngữ v.v. không phải tuân theo quy trình thẩm tra cấp Giấy chứng nhận đầu tư mà chỉ cần tuân theo quy định đăng ký đầu tư hoặc thẩm tra dự án đầu tư nếu quy mô vốn đầu tư từ 300 tỷ đồng Việt Nam trở lên theo quy định của Nghị định 108/2006/NĐ-CP. Như vậy mới khuyến khích và thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học công nghệ đáp ứng được mục tiêu của hoạt động khoa học và công nghệ quy định trong Luật khoa học và công nghệ.
 
3.      Thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư:

Căn cứ quy định tại Điều 10 Dự thảo, tất cả các dự án thành lập cơ sở nghiên cứu khoa học độc lập có vốn đầu tư nước ngoài đều phải xin ý kiến chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ. Quy định này là chưa đầy đủ so với các quy định tại Điều 37 Nghị định 108/2006/NĐ-CP. Theo Điều 37, đối với các dự án thành lập cơ sở nghiên cứu khoa học độc lập mà nằm trong quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt rồi thì không cần phải xin ý kiến chấp thuận chủ trương của Thủ tướng chính phủ. Vì vậy, đối với quy định tại Điều 10 Dự thảo cần được chỉnh lý cho phù hợp với quy định của Điều 37 Nghị định 108/2006/NĐ-CP.
 
4.      Cơ quan cấp Giấy chứng nhận đầu tư:
 
Khoản 1 Điều 11 Dự thảo quy định “Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận đầu tư đối với các dự án đầu tư trong lĩnh vực khoa học và công nghệ do Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư”.
 
Theo quan điểm của tác giả việc quy định Bộ Khoa học và Công nghệ cấp Giấy chứng nhận đầu tư không phù hợp với tinh thần của Luật đầu tư và Nghị định 108/2006/ND-CP về việc phân cấp thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đầu tư. Căn cứ Điều 38, 39 Nghị định 108/2006/NĐ-CP, toàn bộ Giấy chứng nhận đầu tư do UBND cấp tỉnh và Ban quản lý các khu công nghiệp cấp. Khoản 1 Điều 38 Nghị định 108/2006/NĐ-CP quy định rõ UBND cấp tỉnh thực hiện việc đăng ký đầu tư, cấp Giấy chứng nhận đầu tư đối với: Dự án đầu tư ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế, bao gồm cả các dự án đầu tư đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư.

Như vậy, để thống nhất với các quy định của Nghị định 108/2006/NĐ-CP, Bộ Khoa học và Công nghệ chỉ nên tập trung thực hiện chức năng nhiệm vụ của Bộ quản lý ngành đối với lĩnh vực khoa học và công nghệ ví dụ như cho ý kiến thẩm tra về việc đáp ứng điều kiện đầu tư trong lĩnh vực khoa học và công nghệ và xây dựng quy hoạch và phê duyệt hoặc trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch trong lĩnh vực quản lý chuyên môn của mình ..v.v.
 
Trên đây là một số ý kiến góp ý Dự thảo Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn hoạt động đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, trân trọng gửi tới Ban soạn thảo nghiên cứu, hoàn thiện Dự thảo.

Trân trọng cảm ơn!
Nguyễn Ngọc Sang
Công ty LD Tư vấn và Phát triển đầu tư VIKOA

Các văn bản liên quan