Góp ý của Bà Nguyễn Thị Mai-CTCP Bán đấu giá tài sản Á Châu

Thứ Sáu 14:22 22-04-2011

GÓP Ý DỰ THẢO NGHỊ ĐỊNH QUY ĐỊNH

VỀ ĐẤU GIÁ QUYỀN KHAI THÁC KHOÁNG SẢN

Nguyễn Thị Mai

Công ty CP Bán đấu giá tài sản Á Châu

Khoản 2 Điều 79 của Luật đã giao cho Chính phủ quy định hình thức, nguyên tắc, điều kiện, thủ tục đấu giá quyền khai thác khoảng sản nên mới soạn thảo văn bản này. Từ căn cứ này cơ quan soạn thảo đã soạn thảo Dự công phu. Tuy nhiên, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc thêm một số vấn đề sau đây:

1. Mối quan hệ giữa dự thảo Nghị định quy định về đấu giá quyền khai thác khoáng sản và Nghị định số 17/2010/NĐ-CP ngày 4/3/2010 của Chính phủ về Bán đấu giá tài sản và các văn bản khác có liên quan về đấu giá

Việc bán đấu giá tài sản đã được quy định trong Bộ luật dân sự, Chính phủ có một Nghị định riêng về bán đấu giá tài sản, quyền sử dụng đất cũng có một Quyết định của Thủ tướng Cính phủ. Không rõ khi soạn thảo Luật khoáng sản cơ quan soạn thảo có nắm hết hệ thống pháp luật liên quan đến bán đấu giá tài sản hay không mà đưa ra quy định tại Điều 79 của Luật.

Khoản 2 Điều 1 của Nghị định 17 quy định đối tượng áp dụng việc bán đấu giá tài sản như: tài sản để thi hành án; tài sản là tang vật; phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu.. tài sản bảo đảm; tài sản nhà nước được xử lý theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước; tài sản là quyền sử dụng đất trong trường hợp nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất được đấu giá..; các tài sản khác phải đấu giá theo quy định của pháp luật. Theo quy định này không hiểu bán đấu giá các tài sản khác phải đấu giá theo quy định của pháp luật ( trong đó có )có áp dụngđấu giá quyền khai thác khoáng sản hay không? Nghị định 17 cũng đã quy định về nguyên tắc, trình tự, thủ tục bán đấu giá tài sản. Vậy các quy định này có thể áp dụng chung cho việc bán đấu giá tất cả các loại tài sản. Do đó, Điều 3 của Dự thảo Nghị định quy định về nguyên tắc đấu giá sũng nên thể hiện phù hợp với Điều 3 của Nghị định 17. Ví dụ: Điều 3 của Nghị định 17 quy định:

“1. Việc bán đấu giá tài sản được thực hiện theo nguyên tắc công khai, liên tục, khách quan, trung thực, bình đẳng, bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của các bên tham gia.

2. Mọi cuộc bán đấu giá đều phải do đấu giá viên điều hành theo đúng trình tự, thủ tục…

Khoáng sản là một loại tài sản đặc biệt như quyền sử dụng đất, đối với quyền sử dụng đất Chính phủ đã ban hành Quyết định số 216/2005/QĐ-TTg ngày 31/8/205 về việc ban hành quy chế đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất. Tổ chức, cá nhân có nhu cầu thăm dò , khai thác khoáng sản đều có nhu cầu đến việc sử dụng đất. Vậy việc đấu giá khai thác khoáng sản cũng liên quan đến đấu giá quyền sử dụng đất khi Nhà nước cho thuê đất để thăm dò, khai thác khoáng sản. Vậy, khi soạn thảo văn bản này đề nghị cơ quan soạn thảo nên tham khảo các văn bản khác có liên quan( trong đó có cả Bộ luật Dân sự : Điều 456,457,458,459) để tránh mâu thuẫn, chồng chéo. Đấu giá khai thác khoáng sản có gì đặc thù khác với đấu giá các tài sản khác thỉ nên bổ sung thêm các quy định đó. Trường hợp giống nhau thì nên viễn dẫn để trành trùng lắp.

2.Về tên gọi của Dự thảo và phạm vi điều chỉnh

Do tên của dự thảo là đấu giá quyền khai thác khoảng sản cho nên nội dung hầu như chỉ quy định liên quan đến khai thác mà quyền mất đấu giá việc thăm dò khoáng sản. Khoản 1 Điều 2 của dự thảo quy định đấu giá quyền khai thác…để cấp phép hoạt động khoản sản; khoản 4 Điều 2 của Luật quy định hoạt động khoáng sản bao gồm hoạt động thăm dò khoáng sản, hoạt động khai thác khoảng sản. Hai hoạt động này hoàn tòan khác nhau như đã quy định tại khoản 6, 7 Điều 2 của Luật. Vậy, dự thảo này chỉ điều chỉnh các quan hệ đấu giá khai thác khoáng sản. Khoản 1 Điều 2 phải sửa lại cho phù hợp hoặc bỏ.

Đề nghị bổ sung thêm điều kiện đấu giá quyền khai thác khoáng sản. Chỉ mới quy định điều kiện của tổ chức, cá nhân tham dự phiên đấu giá tại Điều 8 thì chưa đủ. Vì Điều 4 của Luật đã quy định nguyên tắc hoạt động khoáng sản phải: “ phù hợp với chiến lược, quy hoạch, gắn với bảo vệ môi trường…

3.Về nguyên tắc xác định giá khởi điểm (Điều 4)

Điều 4 của dự thảo quy định: “ Giá khởi điểm được xác định bằng giá trị phần trăm trữ lượng khoáng sản” Quy định này chưa hợp lý vì chưa bao hàm cả giá khởi điểm cho việc thăm dò khoảng sản. Nguyên tắc này chỉ áp dụng đối với việc khai thác khoảng sản. Tổ chức, cá nhân khi thăm dò khai thác khoáng sản phải thuê đất của Nhà nước, đền bù thiệt hại về đất, hoa màu trên đất. Vậy những khoản tiền này tính như thế nào khi xá định giá khởi điểm đấu giá khai thác khoáng sản.

Vậy, Điều này nên chia làm hai trường hợp như sau (nếu phạm vi điều chỉnh giữ nguyên như Dự thảo):

Trường hợp thứ nhất , tổ chức, cá nhân đấu giá thăm dò khoáng sản thì thực hiện theo các quy định về đấu giá việc thuê quyền sử dụng đất. Vì trường hợp này chỉ thuê đất để thăm dò cho nên nhu cầu về đất chưa nhiều, thời gian thăm dò không lâu.

Trường hợp thứ hai , tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản thì áp dụng quy định của Nghị định này. Giá khởi điểm có tính đến yếu tố đất đai không? Cần phải quy định rõ hơn.

Dự thảo Nghị định chưa quy định cơ quan nào có thẩm quyền xác định giá khởi điểm. Có nên cần Hội đồng định giá không hay thuê cơ quan giám định giá?

4.Về tiền đặt trước (Điều 5)

Nhất trí như Dự thảo.

Tại sao lại nộp cho Tổng cục Địa chất và Khoáng sản hoặc Sở Tài nguyên và Môi trường? Nếu ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền ủy giao cho Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản thì sao tiền đặt trước lại không nộp cho cơ quan này?

5.Về hoàn trả tiền đặt trước (Điều 6)

Khoản 2 đề nghị bổ sung thêm trường hợp nộp tiền đặt trước vào ngân sách nhà nước như sau:

- Người trúng đấu giá nhưng từ chối nhận quyền khai thác khoáng sản;

- Người tham gia đấu giá từ vòng thức hai trở đi nhưng trả giá vòng sau thấp hơn giá cao nhất của vòng đấu trước trực tiếp.

6. Về Hội đồng đấu giá quyền khai thác khoáng sản (Điều 11)

Điều này chưa quy định ai điều khiển cuộc đấu giá. Có cần có đấu giá viên không. Tổng cục trưởng Địa chất và Khoáng sản không thể đứng ra điều hành đấu giá được. Vậy nếu ở những địa phương đã thành lập tổ chức của Nhà nước có chức năng đấu giá thì giao cho họ thực hiện và bên cạnh đó vẫn phải có Hội đồng đấu giá.

Khoản 4 Điều 11 quy định Tổng cục Địa chất và Sở Tài nguyên cùng đều lập và thông báo hồ sơ…là không ổn.

7.Về thông báo, niêm yết phiên đấu giá (Điều 14)

Đề nghị bổ sung thêm thông báo phải được đăng trên báo báo địa phương và các thông tin đại chúng khác. Chỉ đăng hai nơi theo quy định của Dự thảo chưa đủ, chưa đảm bảo tính công khai.

8.Về lựa chọn tổ chức, cá nhân tham dự phiên đấu giá (Điều 16)

Khoản 3 quy định: nộp phí tham gia đấu giá. Vậy mức phí là bao nhiêu, tiền phí này có phải tiền bán hồ sơ tham gia đấu giá không? Đề nghị quy định rõ hơn. Có nên có một văn bản khác của Bộ Tài chính quy định ngoài Thông tư hiện hành của Bộ Tài chính quy định về phí tham gia đấu giá không (Thông tư 96/2005)

9.Về xác định tiền trúng đấu giá (Điều 20)

Nên áp dụng Điều này vào việc xác định giá khởi điểm thì hợp lý hơn. Vì Điều 4 quy định nguyên tắc xác định giá khởi điểm chưa quy định căn cứ để xác định giá khởi điểm.

10. Ý kiến khác

Dự thảo chưa quy định về việc tổ chức thực hiện: như trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, ai ban hành Quy chế đấu giá, vấn đề báo cáo kết quả đấu giá, kiểm tra, giám sát việc thực hiện dự án của tổ chức, cá nhân trúng đấu giá….

Trên đây là một số ý kiến về dự thảo Nghị định để cơ quan soạn thảo tham khảo thêm.

Xin cám ơn!

Các văn bản liên quan