Góp ý của Bà Nguyễn Ngọc Lý – Trung tâm Môi trường và Cộng đồng – đối với Dự thảo Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi)

Thứ Ba 14:32 20-08-2013

Trước hết tôi xin cảm ơn VCCI đã mời tôi tham gia cho ý kiến về Luật bảo vệ Môi trường sửa đổi lần 2 này. Tôi xin có 9 ý kiến như sau:

Ý kiến 1:

Tôi được biết lần 1 sửa đổi là năm 2005. Luật được thông qua năm 1993. Như vậy lần đầu tiên Luật được sửa sau 12 năm thực hiện. Luật được sửa lần 2 bắt đầu 2012, như vậy là lần 2 cách lần 1 là 7 năm.

Tôi xin bắt đầu từ khoảng cách thời gian trên. Nếu lần 2 sửa cách lần 1 chỉ là 7 năm tức là chỉ bằng hơn nửa thời gian lần trước. Sự cấp bách này dẫn đến một số câu hỏi đầu tiên là:

-        Vì sao ta phải sửa Luật? Luật 2005 chưa hiệu quả cụ thể ở điểm nào? Các điểm đó chưa đi vào cuộc sống là do Luật hay do các Nghị định dưới Luật. Vấn đề gì là vấn đề chính nảy sinh trong thực hiện Luật 2005? Đã có đánh giá cụ thể nào hoặc có các vấn đề thực tiễn nào thúc đẩy phải sửa Luật chỉ sau 7 năm thực hiện? Nếu có thì đánh giá đã xác định được các vấn đề gì là vấn đề chính cần giải quyết.

Câu hỏi này nếu không có sự trả lời đầy đủ thấu đáo sẽ tạo ra các rào cản về chuyên môn cho những người chịu trách nhiệm sửa luật và quan trọng nhất,  công tác thực hiện Luật sau này sẽ ách tắc.

Ý kiến 2:  

Vì phạm trù môi trường quá rộng, bao gồm nhiều yếu tố và mỗi yếu tố đòi hỏi sự ứng xử khác biệt (nước đòi hỏi cách xử lý khác với không khí)… và các ứng xử này lại là kết hợp của các khía cạnh khác nhau như khía cạnh thể chế, khía cạnh kỹ thuật, khía cạnh xã hội. Cách thức giám sát và sự liên quan của con người và các hoạt động kinh tế tới các yếu tố môi trường cũng khác nhau. Luật BV Môi trường hiện nay đã trở thành quá lớn, quá dài, khó hiệu quả và khả thi.

Vì vậy về mặt cấu trúc tôi nghĩ luật này nên chia nhỏ thành nhiều Luật khác nhau như:

Luật Bảo vệ Môi trường chủ yếu tập trung vào các chính sách. Có thể đổi luôn thành Luật Chính sách Môi trường. Luật này tập trung vào các quy định bặt buộc đối với các bô ngành nhà nước về việc thực hiện các chính sách môi trường trong đó là việc áp dụng ĐGTĐMT đối với các chính sách khác nhau. Luật sẽ giúp cho viêc thưc hiện bảo vệ môi trường ở các Bộ Ngành một cách nhất quán.

Với mỗi yếu tố trên nên có các Luật riêng cho từng yếu tố môi trường đã nói trên :

Luật bảo vệ nguồn nước sạch

Luật bảo vệ không khí sạch

Luật bảo vệ động vật thực vật

Luật về kiểm soát ô nhiễm

Việc xây dựng các Luật phải có mục đích cụ thể là Luật nhằm đạt được mục đích gì, nhằm giải quyết vấn đề gì. Và Luật phải thật rõ ràng về sự chịu trách nhiệm.

Ý kiến 3:

Trang 1: Những quy định trên nên đổi thành Những điều khoản trên đề nhất quán với cách gọi các Điều … bên dưới

Điều khoản 1 đầu tiên của Luật nên là Mục đích của Luật ngắn gọn cụ thể để tạo sự đồng thuận giữa các bên, bên quản lý, bên tham gia thực hiện….

Ý kiến 4:

Về điều 4: Nguyên tắc bảo vệ môi trường:

Ngoài 6 nguyên tắc đã nêu, cần thêm nguyên tắc số 7 là: Cách tiếp cận thực hiện Luật Môi trường gồm bao gồm: Tiếp cận có sự tham gia của cộng đồng và cách tiếp cận hệ sinh thái.

Các cách tiếp cận này bao trùm và định hướng cho tất cả các hoạt động trong bảo vệ môi trường.

Ý kiến 5:

Chương 12; Chương này rất quan trọng xác định các đối tượng tham gia thực hiện Luật BVMT.

-        Ngoài Mặt trận Tổ quốc, cần thêm các hội quan trọng như Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Thanh niên v.v…

-        Tổ chức nên thêm vào các doanh nghiệp, các tổ chức cộng đồng, tổ chức xã hội

Các tổ chức này chính là tác nhân quan trọng nhất trong việc thực hiện Luật Bảo vệ Môi trường.

-        Nên thêm một điều: khuyến khích các tổ chức các cá nhân có các sáng kiến sáng tạo

-         nhằm thúc đẩy công tác thực hiện Luật BV Môi trường tại cơ sở một cách hiệu quả.

Ý kiến 6:

Chương 13: Nguồn lực bảo vệ Môi trường

Cần có ngân sách nhà nước thúc đẩy sự tham gia của cộng đồng doanh nghiệp, các tỏ chức xã hội, các cá nhân có các sáng kiến cụ thể tạo ra sự khác biệt cụ thể. Nên có điều khoản cụ thể quy định về ngân sách và nguồn lực tạo điều kiện cho các cộng đồng tham gia.

Ý kiến 7

Ủng hộ ý kiến nên có một Nghị định riêng về quyền và nghĩa vụ của các tổ chức xã hội – nghề nghiệp trong lĩnh vực BVMT nhằm thúc đẩy sự tham gia của mọi người dân vào thực hiện công tác bảo vệ môi trường.

Ý kiến 8:

Trách nhiệm quản lý nhà nước cần kèm theo tính chịu trách nhiệm của các bên

Ý kiến 9:

Về câu chữ: Chương 2, điều 8 viết “Đối tượng thực hiện ĐGTĐMTCL” là Chiến lược….

Có lẽ đối tượng là các bên chuẩn bị chiến lược (tức là các bộ các ngành…). Về mảng câu chữ nhiều chỗ tương tự như vậy, nên làm cho cách viết nhất quán và rõ ràng.

Các văn bản liên quan