Góp ý của Ông Trần Miên – Vinacomin – đối với Dự thảo Luật bảo vệ môi trường

Thứ Ba 14:30 20-08-2013

Nội dung góp ý:

1. Về cơ bản, đồng ý với những ý kiến góp ý đã được Ban Tổ chức tóm tắt trong nội dung góp ý chỉnh sửa.

2. Những ý kiến góp ý bổ sung thêm:

2.1. Về cấp giấy chứng nhận về các hoạt động liên quan đến bảo vệ môi trường (Điều 50):

Đề nghị xem xét lại qui định này vì các nội dung hoạt động nói trong khoản 2 Điều 50 đã bao hàm trong giấy phép hành nghề của các doanh nghiệp, đơn vị.

Đề nghị làm rõ ý nghĩa cụm từ “cá nhân” qui định trong điều này. Nên hiểu là một người cụ thể hay là một cơ sở/ đơn vị không thuộc nhà nước?

2.2. Về bảo vệ môi trường trong hoạt động xây dựng (Điều 55):

Đề nghị xem xét lại tính thực tiễn của khoản 3. Hiện nay, xu thế đang xóa bỏ thanh tra xây dựng cấp xã, phường. Việc qui định các đơn vị quản lý trật tự công cộng được áp dụng biện pháp đối với chủ công trình, phương tiện vận tải vi phạm quy định về bảo vệ môi trường rất dễ gây ra những cản trở, sách nhiễu đối với chủ đầu tư, chủ công trình.

2.3. Về nguyên tắc quản lý chất thải nguy hại (Điều 74):

Đề nghị xem xét lại ý “trước khi đưa vào hoạt động” qui định tại khoản 5: “Giấy phép hành nghề xử lý chất thải nguy hại của cơ sở  xử lý chất thải nguy hại thay thế cho giấy xác nhận hoàn thành công trình, biện pháp về bảo vệ môi trường trước khi đưa vào hoạt động”. Quy định như vậy không phù hợp vì:

- Chủ công trình phải ký hợp đồng với cơ sở có giấy phép hành nghề xử lý CTNH trước khi vận hành công trình khi chưa công trình vào hoạt động để có giấy phép chứng minh việc hoàn thành biện pháp BVMT;

- Khi lựa chọn cơ sở xử lý để có được giấy phép, vô hình chung đã làm chủ công trình vi phạm Luật đấu thầu trong trường hợp phải xử lý chất thải nguy hại theo hình thức đấu thầu vì đã lựa chọn cơ sở xử lý theo hình thức chỉ định thầu.

2.4. Về quản lý chất thải rắn thông thường:

- Đối với phân loại chất thải rắn thông thường (Điều 81), các hình thức xử lý qui định tại Điều này không phù hợp với loại hình đất đá thải mỏ trong khai thác khoáng sản vì đất đá thải mỏ hiện nay không thể phân loại được, chưa thực hiện được hình thức tái sử dụng hay tái chế, không tiêu hủy được, còn hình thức chôn lấp chỉ thực hiện được một phần khi hoàn thổ các khu vực đã khai thác. Đề nghị sửa lại như sau:

“Tổ chức, cá nhân phát sinh chất thải rắn thông thường có trách nhiệm phân loại chất thải rắn thông thường thành loại chất thải rắn để tái sử dụng, tái chế, tiêu hủy, chôn lấp hoặc hình thức xử lý khác phù hợp với môi trường được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt”.

2.5. Về thu gom, xử lý nước thải (Điều 86):

- Tại khoản 2, đề nghị xem xét bổ sung điều khoản cho phép hoặc khuyến khích thu gom xử lý tập trung các nguồn nước thải có cùng tính chất, đặc biệt là đối với công nghiệp khai khoáng trong trường hợp có nhiều mỏ/ khai trường (liên mỏ) nằm kề nhau/ gần nhau để tiết kiệm vốn đầu tư cho các doanh nghiệp.

Liên quan đến nội dung này, đề nghị xem xét qui định tính hợp pháp của giấy phép xả thải của cơ sở xử lý nước thải được xem như là giấy chứng nhận hoàn thành nhiệm vụ xử lý nước thải đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ.

- Sửa lại lỗi viết hoa từ “Bùn” sau dấu chấm phẩy (;) tại khoản 4 thành viết thường.

2.6. Về xử lý cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ gây ô nhiễm môi trường (Điều 91):

Tại khoản 3: Đề nghị thay thế cụm từ “xử lý vi phạm hành chính” bằng “xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường”.

2.7. Về khắc phục ô nhiễm và phục hồi môi trường (Điều 93):

Đề nghị bỏ khoản 2 vì nội dung này đã bao hàm trong ĐTM hoặc dự án CT, PHMT. Việc qui định có thêm phương án khắc phục ô nhiễm và cải thiện môi trường là không cần thiết.

2.8. Sửa lại từ “Kiểm” được viết hoa sau dấy chấm phảy (;) tại điểm b khoản 2 Điều 94 thành viết thường.

2.9. Về phòng ngừa sự cố môi trường (Điều 95):

- Đề nghị bổ sung qui định tần suất phải lập kế hoạch phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường qui định tại khoản 1.

- Liên quan đến vấn đề này, đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường trong Nghị định hướng dẫn thực hiện sau này có những hướng dẫn cụ thể, qui định rõ về khái niệm và hình thái sự cố môi trường. Hiện nay, có xu hướng coi các sự cố sạt lở bãi thải trong khai thác khoáng sản là sự cố môi trường, đi kèm theo đó là các giải pháp phòng ngừa qui định trong ĐTM rất tốn kém. Do vậy, đề nghị cần làm rõ để thống nhất giải pháp khi lập và thẩm định ĐTM cho các dự án khai thác khoáng sản.

2.10. Về quỹ bảo vệ môi trường (Điều 145):

Đối với các tậpđoàn kinh tế, tổng công ty, nguồn vốn cho hoạt động của quỹ chủ yếu được trích từ chi phí sản xuất. Đề nghị bổ sung hình thức nguồn vốn này đối với các tổ chức, cá nhân qui định  trong khoản 1 để làm cơ sở pháp lý cho các tập đoàn, tổng công ty khi thành lập quỹ bảo vệ môi trường của mình.

Các văn bản liên quan