Góp ý của bà Hoàng Thị Thanh Hoa – Cục bản quyền tác giả

Thứ Tư 10:14 03-08-2011

Góp ý dự thảo

NGHỊ ĐỊNH

Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 47/2009/NĐ-CP

ngày 13 tháng 5 năm 2009 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan

 1. Trong Tờ trình tại Mục I. Sự cần thiết ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung (trang 2 dòng thứ 5 từ trên xuống) đề cập tới các biện pháp tự bảo vệ mà chủ thể quyền áp dụng có biện pháp “nộp đơn đăng ký bảo hộ” có thể gây hiểu nhầm là phải đăng ký mới được bảo hộ quyền tác giả và quyền liên quan  . Mà theo quy định của Luật sở hữu trí tuệ, quyền tác giả và quyền liên quan áp dụng nguyên tắc tự động phát sinh quyền, cụ thể tại:  Điều 6. Căn cứ phát sinh, xác lập quyền sở hữu trí tuệ ghi rõ:“1. Quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký”. Khoản 2 Điều 49 cũng khẳng định “Việc nộp đơn để được cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan không phải là thủ tục bắt buộc để được hưởng quyền tác giả, quyền liên quan theo quy định của Luật này”.

Thực tế, Luật sở hữu trí tuệ không có quy định  “nộp đơn đăng ký bảo hộ”, mà chỉ có quy định “đăng ký quyền tác giả và quyền liên quan” là việc tác giả, chủ sở hữu quyền có quyền “nộp đơn và hồ sơ kèm theo (sau đây gọi chung là đơn) cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền để ghi nhận các thông tin về tác giả, tác phẩm, chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan để được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền”( điều 49 LSHTT).

2. Việc sử dụng thuật ngữ “bản quyền” thay cho thuật ngữ “quyền tác giả, quyền liên quan” trong đoạn 1 trang 2, ví dụ: “bản quyền âm nhạc”, “bản quyền phần mềm máy tính” khi chưa có giải thích chính thức thuật ngữ này trong các văn bản pháp luật có thể gây ra nhiều cách hiểu khác nhau.

3. Trong các lý do gây ra khó khăn cho cơ quan xử lý hành vi vi phạm quyền tác giả, quyền liên quan trong thực tiễn, tại trang 2 Tờ trình đưa ra lý do:

- Việc xử lý vi phạm hành chính chỉ thực hiện khi có chủ thể quyền gửi đơn yêu cầu xử lý xâm phạm và các tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn;” Tuy nhiên, theo khoản 2 điều 4 PHÁP LỆNH CỦA UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI SỐ 44/2002/PL-UBTVQH10 NGÀY 2 THÁNG 7 NĂM 2002 VỀ VIỆC XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH, về Trách nhiệm đấu tranh, phòng ngừa và chống vi phạm hành chính quy định: “ Khi phát hiện có vi phạm hành chính, người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính có trách nhiệm xử lý vi phạm đó theo đúng quy định của pháp luật”.  Đơn yêu cầu xử lý xâm phạm của chủ thể quyền không phải là điều kiện bắt buộc để cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp hành chính đối với hành vi xâm phạm.

4. Tờ trình đưa ra một lý do khác gây khó khăn cho cơ quan thực thi trong xử phạt hành chính, cụ thể khi áp dụng thức phạt tiền là “ Đặc biệt khó khăn trong việc xác định giá trị hàn g hoá” . Trong đó lí giải “vì tính đặc thù của hàng hóa được thể hiện dưới hình thức sáng tạo mang tính nghệ thuật: tác phẩm văn học, bài giảng, báo chí, âm nhạc, sân khấu (chèo, kịch, cải lương), tác phẩm điện ảnh (phim truyện, phim tài liệu, phim khoa học, phim hoạt hình), tác phẩm tạo hình, mỹ thuật ứng dụng, tác phẩm nhiếp ảnh, tác phẩm kiến trúc, chương trình máy tính, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng... giá trị của hàng hóa mỗi sản phẩm nghệ thuật là một giá trị mang định tính và do thị trường điều tiết.” Tuy nhiên, rất nhiều hàng hoá vi phạm quyền tác giả và quyền liên quan không phải là sản phẩm nghệ thuật như các chương trình máy tính, bài giảng.

5. Các hành vi xâm phạm quyền tác giả và quyền liên quan bị xử phạt vi phạm hành chính được quy định trong Nghị định 47 quá rộng, nhiều hành vi xâm phạm rất khó phát hiện hoặc khi phát hiện rất khó áp dụng biện pháp xử phạt vi phạm hành chính, điều này sẽ giảm khả năng áp dụng vào thực tiễn của văn bản, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu sửa đổi, làm rõ, nếu cần huỷ bỏ một số hành vi mà việc áp dụng biện pháp xử phạt hành chính không phù hợp hoặc không mang lại hiêu quả. Mặt khác, về bản chất quyền sở hữu trí tuệ nói chung, quyền tác giả và quyền liên quan nói riêng là quyền dân sự. Các tổ chức, cá nhân bị xâm phạm quyền tác giả và quyền liên quan,  áp dụng các biện pháp dân sự sẽ đạt được hiệu quả tối ưu. Việc xử phạt hành chính chỉ đặt ra khi: “ Cá nhân, tổ chức chỉ bị xử phạt hành chính khi có vi phạm hành chính do pháp luật quy định.”(khoản 2 điều 3 pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính 2002)

6. Đối với những hành vi xâm phạm quyền tác giả và quyền liên quan đã xác định vi phạm các quy định về quản lý hành chính thì cần có biện pháp xử phạt thích đáng. Mức phạt tiền Dự thảo Nghị định đưa ra đối với một số hành vi xâm phạm quyền tại các điều: Điều 20, Điều 23, Điều 31, Điều 33, Điều 34, Điều 35, Điều 37, Điều 39 và Điều 41 thấp hơn nhiều so với giá trị hàng hoá vi phạm, nếu bị phạt thì mức tiền phạt vẫn thấp hơn so với việc chi phí phải bỏ ra để sản xuất hàng hoá đó hợp pháp, như vậy vô hình hình thức xử phạt không còn tác dụng răn đe, ngăn ngừa hành vi xâm phạm. Đối với trường hợp không xác định được giá trị hàng hoá xâm phạm, Ban soạn thảo nên nghiên cứu thêm để đưa ra mức phạt hợp lý hơn.

7. Dự thảo vẫn còn một số lỗi kỹ thuật văn bản, đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát, chỉnh sửa và hoàn thiện.

 

 

Các văn bản liên quan