Giới thiệu tổng quan về dự thảo Luật Trọng tài

Thứ Năm 23:42 19-03-2009

1.      Chương II : Thoả thuận trọng tài

 

1.1.  Khác với tố tụng toà án, tố tụng trọng tài chỉ được tiến hành khi có thoả thuận trọng tài được xác lập có hiệu lực giữa các bên tranh chấp. Vì vậy, nội dung này được quy định trong một chương riêng, làm cơ sở cho toàn bộ thủ tục tố tụng trọng tài. Không có thoả thuận trọng tài thì không có tố tụng trọng tài.

1.2.  Chương II: Thoả thuận trọng tài gồm 4 điều. Kế thừa các quy định của Pháp lệnh trọng tài thương mại năm 2003, dự thảo Luật trọng tài quy định thoả thuận trọng tài phải được xác lập bằng văn bản và cụ thể hoá những tình huống ý chí thoả thuận của các bên được xem là đã được ghi nhận bằng văn bản. Quy định này của điều 14 của dự thảo giải thích rõ nghĩa khái niệm “được xác lập bằng văn bản” và bảo vệ một cách hợp lý nhất ý chí trung thực của các bên khi xác lập thoả thuận trọng tài.

1.3.  Khắc phục sự không rõ ràng của Pháp lệnh trọng tài thương mại năm 2003 về các tình huống có thể làm vô hiệu thoả thuận trọng tài, điều 16 của dự thảo giới hạn 5 tình huống theo đó thoả thuận trọng tài vô hiệu: thứ nhất, do lĩnh vực tranh chấp không thuộc thẩm quyền của trọng tài; thứ hai, do người xác lập thoả thuận không có năng lực đại diện; thứ ba, do các bên tham gia thoả thuận thiếu năng lực hành vi; thứ tư, do vi phạm về hình thức thoả thuận phải được xác lập bằng văn bản; thứ năm, do các bên bị đe doạ, cưỡng ép, lừa dối mà không thể tự nguyện bày tỏ ý chí của mình.

1.4.  Theo Dự thảo Luật trọng tài (Điều 15), đối với các tranh chấp giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng, dù đã được ghi nhận trong các điều kiện chung về cung cấp hàng hoá, dịch vụ do nhà sản xuất/cung ứng cung cấp sẵn, thoả thuận trọng tài chỉ có hiệu lực nếu được người tiêu dùng xác nhận bằng một văn bản riêng. Thông thường so với các doanh nghiệp, người tiêu dùng thường ở một vị trí có nhiều nguy cơ bị lạm dụng bởi các điều kiện và điều khoản trong hợp đồng in sẵn của người bán hàng hoặc người cung cấp dịch vụ, do vậy cần có quy định để bảo vệ họ trong các tình huống cần thiết. Cách thiết kế quy định này đảm bảo tính linh hoạt, theo đó nếu người tiêu dùng hài lòng với điều khoản trọng tài, tranh chấp vẫn được giải quyết bằng trọng tài như hai bên đã thoả thuận trong hợp đồng in sẵn. Ngược lại, nếu cảm thấy thiệt thòi bởi thoả thuận đó, người tiêu dùng cần có cơ hội để xem xét và quyết định, nếu đồng ý với thoả thuận trọng tài thì xác nhận vào một văn bản riêng. Đây là một quy định riêng của Luật trọng tài nhằm bảo vệ người tiêu dung, bổ sung cho các nguyên tắc chung khác đang được xây dựng trong dự thảo Luật bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

 

Các văn bản liên quan