Giới thiệu tổng quan về dự thảo Luật Trọng tài

Thứ Năm 23:41 19-03-2009

 

1.      Chương I: Những quy định chung

 

1.1.  Chương I: Những quy định chung gồm 13 điều. Ngoài phạm vi điều chỉnh được xác định như trên, chương này có những quy định mang tính nguyên tắc cơ bản dưới đây đối với việc tổ chức và hoạt động của trọng tài.

1.2.  Thứ nhất, dự thảo Luật kế thừa các nguyên tắc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài đã được quy định trong Nghị định số 116/CP năm 1996 và Pháp lệnh trọng tài thương mại năm 2003, theo đó việc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài phải dựa trên thoả thuận trọng tài, việc giải quyết bằng trọng tài không công khai, phán quyết trọng tài là chung thẩm, và nhấn mạnh nếu đã có thoả thuận trọng tài thì toà án phải từ chối thụ lý. Dự thảo cũng nhấn mạnh quyền của các bên tranh chấp tự do thoả thuận ngôn ngữ sử dụng trong tố tụng trọng tài, ví dụ tiếng Việt hoặc một ngôn ngữ khác mà các bên lựa chọn (Điều 10). Trong bối cảnh Luật hoà giải đang được soạn thảo, các vấn đề chi tiết về thủ tục hoà giải sẽ được Luật hoà giải quy định. Dự thảo Luật trọng tài có một quy định tại Điều 7, quy định những quan hệ liên quan giữa thủ tục hoà giải và tố tụng trọng tài, trong đó ghi nhận tính không công khai của thủ tục hoà giải. Mọi thông tin trao đổi trong quá trình hoà giải sẽ không được coi là chứng cứ tại trọng tài; nếu hoà giải không thành các hoà giải viên về nguyên tắc không được chỉ định làm trọng tài, nếu các bên không có thoả thuận khác.

1.3.  Thứ hai, hoạt động của trọng tài sẽ phát triển mạnh nếu nhận được hỗ trợ hiệu quả từ các cơ quan tư pháp, nhất là các toà án. Một mặt dự thảo xác định toà án nào có thẩm quyền hỗ trợ trọng tài (Điều 8), mặt khác dự thảo cũng giới hạn hoạt động hỗ trợ của toà án trong 7 loại hoạt động cụ thể như: hỗ trợ thu thập chứng cứ, bảo đảm sự có mặt của người làm chứng, hỗ trợ áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời, chỉ định, thay đổi trợng tài viên, tuyên thoả thuận trọng tài vô hiệu hoặc giải quyết yêu cầu huỷ phán quyết trọng tài (Điều 9). Đây sẽ là những điểm mấu chốt giúp phát huy được những lợi thế của trọng tài với tư cách một hình thức tài phán tư linh hoạt, nhanh gọn, bí mật và thuận tiện do các bên dân sự tự do lựa chọn, song nhận được sự giúp đỡ, bảo trợ của cơ quan tư pháp.

1.4.  Dự thảo kế thừa các quy tắc của tư pháp quốc tế, theo đó hội đồng trọng tài sẽ áp dụng pháp luật phù hợp nhất trong các tranh chấp có yếu tố nước ngoài. Điều 12 của dự thảo nhấn mạnh quyền của hội đồng trọng tài có thể áp dụng thông lệ, tập quán để giải quyết việc tranh chấp, nếu việc áp dụng các quy tắc đó không trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam (nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam được hiểu như trật tự công cộng được thừa nhận ở Việt Nam).

Các văn bản liên quan