Thuyết minh chi tiết dự thảo Luật Trọng tài

Thứ Năm 23:44 19-03-2009

1.      Giới thiệu tổng quan về dự thảo Luật Trọng tài

 

1.1.  Kế thừa sự phát triển từ Pháp lệnh trọng tài thương mại năm 2003, Nghị định số 25/2004/NĐ-CP, dựa trên thực tiễn hoạt động của các trung tâm trọng tài thương mại ở Việt Nam trong nhiều thập kỷ qua, nhất là trong hai thập kỷ từ khi thực thi Nghị định số 116/CP năm 1996 về trung tâm trọng tài kinh tế, thực hiện các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế mà Việt Nam đã gia nhập trong quá trình chủ động và tích cực hội nhập, dự thảo Luật trọng tài quy định về tổ chức và tố tụng trọng tài như một phương thức nhằm giải quyết một cách hiệu quả, nhanh chóng các tranh chấp trong đời sống kinh doanh, thương mại và dân sự. Dự thảo luật Luật trọng tài gồm XIV chương với 74 điều.

1.2.  Tôn trọng và bảo vệ thoả thuận của các bên dân sự giải quyết tranh chấp bằng trọng tài, dự thảo Luật trọng tài nhằm vào các mục đích: (i) quy định một thủ tục tố tụng trọng tài nhanh chóng, công bằng, hiệu quả và thuận lợi, (ii) đảm bảo sự hỗ trợ hiệu quả của toà án để các hội đồng trọng tài tuân thủ đúng tố tụng, các quyết định và phán quyết của trọng tài có hiệu lực và được thi hành, (iii) tạo điều kiện cho trọng tài viên và tổ chức trọng tài phát triển trong bối cảnh Việt Nam thực thi các cam kết về thương mại dịch vụ khi hội nhập kinh tế quốc tế.

1.3.  Luật trọng tài về cơ bản là một luật tố tụng riêng so với các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự 2005. Dựa vào quy định của Luật trọng tài này các tổ chức trọng tài hoặc hội đồng trọng tài vụ việc có thể xây dựng quy tắc tố tụng cụ thể. Về từng nội dung chi tiết của dự luật, bản thuyết minh dưới đây làm rõ mục đích của quy phạm, các phương án lựa chọn và giải pháp mà Ban soạn thảo ưu tiên.

 

2.      Phạm vi điều chỉnh và tên gọi của đạo luật

 

2.1.  Trong quá trình soạn thảo Luật trọng tài có hai loại ý kiến về phạm vi điều chỉnh của dự luật. Nhóm ý kiến thứ nhất đề xuất giới hạn phạm vi điều chỉnh của pháp luật trọng tài trong các giao dịch thương mại của thương nhân, có xem xét mở rộng khái niệm thương mại cho phù hợp với Luật thương mại năm 2005 và các cam kết mà Việt Nam đã tham gia về thương mại quốc tế. Quan điểm này dựa trên các lập luận: thứ nhất, số lượng các vụ việc được giải quyết tại 08 trung tâm trọng tài thương mại hiện nay chưa nhiều (Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam VIAC với 140 trọng tài viên thụ lý 48 vụ trong năm 2008), khả năng và uy tín chuyên môn của các trọng tài viên của một số trung tâm cần được nâng cao hơn nữa; thứ hai, Luật mẫu của Uỷ ban Luật thương mại quốc tế của Liên hợp quốc (Uncitral Model Law 2006) cũng nhấn mạnh thẩm quyền của trọng tài vào các tranh chấp thương mại. Vì vậy nhóm ý kiến thứ nhất này cho rằng chưa nên mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật trọng tài và xác định tên gọi của đạo luật là Luật trọng tài thương mại.

2.2.  Nhóm ý kiến thứ hai cho rằng cần mở rộng thẩm quyền của trọng tài cho tất cả các tranh chấp liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của các bên phát sinh từ nghĩa vụ hợp đồng hoặc nghĩa vụ ngoài hợp đồng giữa các chủ thể dân sự. Không phân biệt tranh chấp thương mại với dân sự, tên gọi tương ứng của đạo luật là Luật trọng tài. Ban soạn thảo ưu tiên trình Quốc hội phương án thứ hai này với những lập luận dưới đây:

-       Thứ nhất, trong xu hướng cải cách pháp luật và hệ thống tư pháp nhằm đảm bảo tính thống nhất, tránh chồng chéo và mâu thuẫn trong hệ thống pháp luật, Bộ luật tố tụng dân sự năm 2005 về cơ bản đã thống nhất quy định tố tụng dân sự, kinh tế, thương mại và lao động trước đây trong một đạo luật. Thực tế giải quyết tranh chấp tại toà án và trọng tài ở Việt Nam cho thấy việc phân biệt các vụ việc tranh chấp dân sự và tranh chấp kinh doanh, thương mại không dễ dàng và thuyết phục. Sự không chắc chắn này dẫn tới nhiều vụ việc không được thụ lý; nhiều bản án, phán quyết không có hiệu lực pháp lý do cơ quan giải quyết thụ lý không đúng thẩm quyền. Tham khảo kinh nghiệm lập pháp của 80 quốc gia trên thế giới cho thấy hầu hết các quốc gia đều có những đạo luật (Trung Quốc, Singapore, Thái-lan, Hoa Kỳ, Anh…) hoặc quyển luật trong các bộ luật tố tụng dân sự (Đức, Nhật, Pháp) với tên gọi là Luật trọng tài, không phân biệt tranh chấp dân sự và thương mại. Việc Uỷ ban Luật thương mại quốc tế của Liên hợp quốc (UNCITRAL) đặt tên đạo luật mẫu hạn chế về trọng tài thương mại quốc tế có lý do từ thẩm quyền được giao của chính cơ quan này được giới hạn trong pháp luật thương mại quốc tế. Nhiều quốc gia như Liên bang Nga, Singapore ban hành riêng các đạo luật về trọng tài thương mại quốc tế không có nghĩa ở các quốc gia đó trọng tài chỉ có thẩm quyền cho các việc thương mại.

-       Thứ hai, khác với quy định của Pháp lệnh trọng tài thương mại năm 2003, Luật Đầu tư 2005 đã quy định các tranh chấp giữa cơ quan nhà nước Việt Nam và nhà đầu tư cũng có thể được giải quyết bằng trọng tài trong và ngoài nước. Trong khuôn khổ Tổ chức thương mại thế giới mà Việt Nam đã tham gia, các tranh chấp giữa các quốc gia về chính sách thương mại cũng có thể được giải quyết bằng trọng tài. Như vậy, trên thực tế nhiều tranh chấp giữa nhà nước Việt Nam với cá nhân và tổ chức nước ngoài có thể đã được giải quyết bằng trọng tài, mặc dù đó không phải là tranh chấp thương mại theo định nghĩa của Pháp lệnh trọng tài thương mại 2005 và Luật thương mại 2005.

-       Thứ ba, trong xu thế tăng cường quyền tự định đoạt đoạt của các bên dân sự, về cơ bản nếu các bên dân sự ưu tiên lựa chọn trọng tài để giải quyết tranh chấp của họ thì ý chí đó cần được pháp luật bảo đảm, trọng tài không phải là phương thức giải quyết tranh chấp chỉ dành riêng cho giới thương nhân. Trên thực tế nhiều tranh chấp lao động cũng có thể được giải quyết bằng trọng tài, mặc dù cách thức thành lập và hoạt động của hội đồng trọng  tài trong pháp luật lao động có một số điểm riêng biệt.

-       Thứ tư, nhiều tranh chấp ngoài hợp đồng, ví dụ đền bù thiệt hại ngoài hợp đồng trong lĩnh vực xây dựng, hàng hải, vận tải .. cũng có thể được giải quyết bằng trọng tài theo ý chí của các bên liên quan, mặc dù các tranh chấp như vậy không xuất phát từ hành vi thương mại của thương nhân.

-       Thứ năm, nhiều cơ quan và tổ chức do nhà nước thành lập, mặc dù không được xem là các thương nhân, ví dụ các ban quản lý các dự án đầu tư công, các cơ sở nghiên cứu, trường học, tổ chức báo chí, truyền thông.. vẫn tham gia ngày càng nhiều vào các giao dịch mang tính dân sự, các tranh chấp giữa các chủ thể này cũng có thể được giải quyết bằng trọng tài theo ý chí của các bên.

-       Thứ sáu, trọng tài hoạt động hiệu quả giúp giảm bớt công việc cho các toà án và góp phần thúc đẩy cơ hội tiệm cận công lý của người dân thông qua các thiết chế tài phán tư. Một hệ thống trọng tài mạnh và hiệu quả, hoạt động tích cực sẽ góp phần vào cải cách tư pháp, ổn định và cải thiện môi trường kinh doanh. Vì trọng tài do người dân lựa chọn, uy tín và năng lực của trọng tài sẽ được sàng lọc, phát triển thông qua cơ chế cạnh tranh.

2.3.  Pháp lệnh trọng tài thương mại năm 2003 liệt kê các loại tranh chấp được xem là tranh chấp thương mại thuộc thẩm quyền của các trung tâm trọng tài hoặc hội đồng trọng tài vụ việc. Khác với phương pháp liệt kê đó, dự thảo Luật trọng tài được soạn thảo theo phương pháp loại trừ, liệt kê những loại tranh chấp không thuộc thẩm quyền của trọng tài. Đối tượng tranh chấp không thuộc thẩm quyền của trọng tài là những tranh chấp mà Nhà nước có nhu cầu phải tham gia để bảo vệ các lợi ích công cộng hoặc trong điều kiện hiện nay do tính phức tạp và nhạy cảm của chúng chưa nên chuyển giao cho các thiết chế tài phán tư để giải quyết, ví dụ các tranh chấp lao động tập thể, các tranh chấp liên quan đến phá sản, các tranh chấp liên quan đến đất đai, các tranh chấp liên quan đến quyền nhân thân, đến quan hệ hôn nhân và gia đình, các tranh chấp hành chính.

2.4.  Luật Trọng tài quy định tổ chức và hoạt động của trọng tài trong nước, văn phòng và chi nhánh trọng tài nước ngoài hoạt động tại Việt Nam. Một phán quyết trọng  tài vẫn được coi là phán quyết của trọng tài trong nước, nếu phán quyết đó do một hội đồng trọng tài được thành lập theo pháp luật Việt Nam xem xét và tuyên ở nước ngoài. Việc công nhận và cho thi hành các quyết định, phán quyết của trọng tài nước ngoài tuân thủ theo các quy định của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2005.

 

3.      Chương I: Những quy định chung

 

3.1.  Chương I: Những quy định chung gồm 13 điều. Ngoài phạm vi điều chỉnh được xác định như trên, chương này có những quy định mang tính nguyên tắc cơ bản dưới đây đối với việc tổ chức và hoạt động của trọng tài.

3.2.  Thứ nhất, dự thảo Luật kế thừa các nguyên tắc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài đã được quy định trong Nghị định số 116/CP năm 1996 và Pháp lệnh trọng tài thương mại năm 2003, theo đó việc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài phải dựa trên thoả thuận trọng tài, việc giải quyết bằng trọng tài không công khai, phán quyết trọng tài là chung thẩm, và nhấn mạnh nếu đã có thoả thuận trọng tài thì toà án phải từ chối thụ lý. Dự thảo cũng nhấn mạnh quyền của các bên tranh chấp tự do thoả thuận ngôn ngữ sử dụng trong tố tụng trọng tài, ví dụ tiếng Việt hoặc một ngôn ngữ khác mà các bên lựa chọn (Điều 10). Trong bối cảnh Luật hoà giải đang được soạn thảo, các vấn đề chi tiết về thủ tục hoà giải sẽ được Luật hoà giải quy định. Dự thảo Luật trọng tài có một quy định tại Điều 7, quy định những quan hệ liên quan giữa thủ tục hoà giải và tố tụng trọng tài, trong đó ghi nhận tính không công khai của thủ tục hoà giải. Mọi thông tin trao đổi trong quá trình hoà giải sẽ không được coi là chứng cứ tại trọng tài; nếu hoà giải không thành các hoà giải viên về nguyên tắc không được chỉ định làm trọng tài, nếu các bên không có thoả thuận khác.

3.3.  Thứ hai, hoạt động của trọng tài sẽ phát triển mạnh nếu nhận được hỗ trợ hiệu quả từ các cơ quan tư pháp, nhất là các toà án. Một mặt dự thảo xác định toà án nào có thẩm quyền hỗ trợ trọng tài (Điều 8), mặt khác dự thảo cũng giới hạn hoạt động hỗ trợ của toà án trong 7 loại hoạt động cụ thể như: hỗ trợ thu thập chứng cứ, bảo đảm sự có mặt của người làm chứng, hỗ trợ áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời, chỉ định, thay đổi trợng tài viên, tuyên thoả thuận trọng tài vô hiệu hoặc giải quyết yêu cầu huỷ phán quyết trọng tài (Điều 9). Đây sẽ là những điểm mấu chốt giúp phát huy được những lợi thế của trọng tài với tư cách một hình thức tài phán tư linh hoạt, nhanh gọn, bí mật và thuận tiện do các bên dân sự tự do lựa chọn, song nhận được sự giúp đỡ, bảo trợ của cơ quan tư pháp.

3.4.  Dự thảo kế thừa các quy tắc của tư pháp quốc tế, theo đó hội đồng trọng tài sẽ áp dụng pháp luật phù hợp nhất trong các tranh chấp có yếu tố nước ngoài. Điều 12 của dự thảo nhấn mạnh quyền của hội đồng trọng tài có thể áp dụng thông lệ, tập quán để giải quyết việc tranh chấp, nếu việc áp dụng các quy tắc đó không trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam (nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam được hiểu như trật tự công cộng được thừa nhận ở Việt Nam).

 

4.      Chương II : Thoả thuận trọng tài

 

4.1.  Khác với tố tụng toà án, tố tụng trọng tài chỉ được tiến hành khi có thoả thuận trọng tài được xác lập có hiệu lực giữa các bên tranh chấp. Vì vậy, nội dung này được quy định trong một chương riêng, làm cơ sở cho toàn bộ thủ tục tố tụng trọng tài. Không có thoả thuận trọng tài thì không có tố tụng trọng tài.

4.2.  Chương II: Thoả thuận trọng tài gồm 4 điều. Kế thừa các quy định của Pháp lệnh trọng tài thương mại năm 2003, dự thảo Luật trọng tài quy định thoả thuận trọng tài phải được xác lập bằng văn bản và cụ thể hoá những tình huống ý chí thoả thuận của các bên được xem là đã được ghi nhận bằng văn bản. Quy định này của điều 14 của dự thảo giải thích rõ nghĩa khái niệm “được xác lập bằng văn bản” và bảo vệ một cách hợp lý nhất ý chí trung thực của các bên khi xác lập thoả thuận trọng tài.

4.3.  Khắc phục sự không rõ ràng của Pháp lệnh trọng tài thương mại năm 2003 về các tình huống có thể làm vô hiệu thoả thuận trọng tài, điều 16 của dự thảo giới hạn 5 tình huống theo đó thoả thuận trọng tài vô hiệu: thứ nhất, do lĩnh vực tranh chấp không thuộc thẩm quyền của trọng tài; thứ hai, do người xác lập thoả thuận không có năng lực đại diện; thứ ba, do các bên tham gia thoả thuận thiếu năng lực hành vi; thứ tư, do vi phạm về hình thức thoả thuận phải được xác lập bằng văn bản; thứ năm, do các bên bị đe doạ, cưỡng ép, lừa dối mà không thể tự nguyện bày tỏ ý chí của mình.

4.4.  Theo Dự thảo Luật trọng tài (Điều 15), đối với các tranh chấp giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng, dù đã được ghi nhận trong các điều kiện chung về cung cấp hàng hoá, dịch vụ do nhà sản xuất/cung ứng cung cấp sẵn, thoả thuận trọng tài chỉ có hiệu lực nếu được người tiêu dùng xác nhận bằng một văn bản riêng. Thông thường so với các doanh nghiệp, người tiêu dùng thường ở một vị trí có nhiều nguy cơ bị lạm dụng bởi các điều kiện và điều khoản trong hợp đồng in sẵn của người bán hàng hoặc người cung cấp dịch vụ, do vậy cần có quy định để bảo vệ họ trong các tình huống cần thiết. Cách thiết kế quy định này đảm bảo tính linh hoạt, theo đó nếu người tiêu dùng hài lòng với điều khoản trọng tài, tranh chấp vẫn được giải quyết bằng trọng tài như hai bên đã thoả thuận trong hợp đồng in sẵn. Ngược lại, nếu cảm thấy thiệt thòi bởi thoả thuận đó, người tiêu dùng cần có cơ hội để xem xét và quyết định, nếu đồng ý với thoả thuận trọng tài thì xác nhận vào một văn bản riêng. Đây là một quy định riêng của Luật trọng tài nhằm bảo vệ người tiêu dung, bổ sung cho các nguyên tắc chung khác đang được xây dựng trong dự thảo Luật bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

 

5.      Chương III: Trọng tài viên

 

5.1.  Trọng tài viên là người tham gia hội đồng trọng tài. Chương III gồm 3 điều, quy định về tiêu chuẩn, quyền và nghĩa vụ cũng như tổ chức hiệp hội của các trọng tài viên. Về nguyên tắc, trọng tài viên do các bên đương sự tự chọn dựa trên niềm tin của họ vào tính chuyên nghiệp, kiến thức chuyên môn, uy tín của các cá nhân đó. Cũng như vậy, các tổ chức trọng tài khi bổ nhiệm các cá nhân vào danh sách trọng tài viên cũng tự xác định các tiêu chuẩn để bảo vệ uy tín cho tổ chức của mình. Vì vậy, trên thực tế trọng tài viên được chọn qua quá trình sàng lọc mang tính xã hội này. Qua nghiên cứu so sánh, do đặc điểm của nền kinh tế chuyển đổi, chỉ có pháp luật về trọng tài của Trung Quốc và Việt Nam và một số ít nước khác mới có các quy định về tiêu chuẩn trọng tài viên.

5.2.  Kế thừa các quy định của Pháp lệnh trọng tài thương mại năm 2003, dự thảo Luật trọng tài vẫn có các quy định về tiêu chuẩn tối thiểu nhằm hình thành một đội ngũ trọng tài viên có năng lực, có tính chuyên nghiệp, có chuyên môn và uy tín xã hội cao ở Việt Nam.

5.3.  Khắc phục những hạn chế của Pháp lệnh trọng tài thương mại năm 2003, dự thảo Luật trọng tài không yêu cầu trọng tài viên phải có quốc tịch Việt Nam. Người nước ngoài cũng có thể được chỉ định làm trọng tài viên ở Việt Nam nếu các bên tranh chấp hoặc tổ chức trọng tài tín nhiệm họ. Quy định này đáp ứng nhu cầu thực tế trong giai đoạn Việt Nam tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế.

5.4.  Dự thảo quy định mang tính nguyên tắc định hướng về quyền và nghĩa vụ của trọng tài viên. Trên thực tế, quy tắc nghề nghiệp và đạo đức trọng tài viên sẽ được quy định bởi từng tổ chức trọng tài và hiệp hội trọng tài.

Các văn bản liên quan