VCCI góp ý Dự thảo Thông tư bổ sung, sửa đổi Thông tư về hoạt động thông tin tín dụng của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam
VCCI góp ý Dự thảo Nghị quyết hướng dẫn áp dụng pháp luật tính lãi suất, lãi nợ quá hạn và phạt vi phạm
Dự thảo Thông tư quy định chi tiết Luật du lịch
Kính gửi: Tổng cục Du lịch – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
Trả lời Công văn số 4663/BVHTTTDL-TCDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc đề nghị góp ý Dự thảo Thông tư quy định chi tiết một số điều của Luật du lịch (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, có một số ý kiến như sau:
- Về nghĩa vụ lưu trữ hồ sơ tổ chức chương trình du lịch
Điều 7 Dự thảo quy định doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành “ngoài trách nhiệm báo cáo, lưu trữ tài liệu theo quy định pháp luật” còn có trách nhiệm lưu giữ hồ sơ đoàn khách (với 05 loại thông tin liệt kê).
Quy định này có lẽ cần được xem xét lại bởi:
- Về mặt pháp lý, Luật Du lịch chỉ quy định nghĩa vụ “báo cáo, lưu trữ tài liệu theo quy định pháp luật” (điểm h khoản 1 Điều 37), và không giao cho Chính phủ hay Bộ quy định hướng dẫn Điều này;
- Về mặt thực tiễn, không rõ quy định về việc lưu trữ này là nhằm mục đích gì? Trong vòng 03 năm đó cơ quan có thẩm quyền có thể kiểm tra không? Kiểm tra để làm gì? Dựa trên quy định pháp luật nào để kiểm tra?
Chú ý rằng về mặt pháp luật, một số thông tin liệt kê (ví dụ tên, tuổi, quốc tịch số hộ chiếu, số chứng minh thư nhân dân… của khách) là những thông tin thuộc về quyền cá nhân, mà bản thân doanh nghiệp du lịch cũng như các cơ quan quản lý du lịch không được quyền kiểm soát hay sử dụng.
Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định tại Điều 7 Dự thảo.
- Về tiêu chuẩn cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch khác (Chương III)
Dự thảo quy định các tiêu chuẩn áp dụng đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch khác. Một số tiêu chuẩn tại Dự thảo, cần được xem xét, đánh giá ở các điểm:
- Tiêu chuẩn chưa rõ ràng: Một số yêu cầu mang tính định tính, chưa tạo cách hiểu thống nhất giữa các đối tượng áp dụng và có thể trao quá nhiều quyền quyết định/diễn giải cho cán bộ thực thi, có thể tạo ra sự phân biệt đối xử giữa các đối tượng trong cùng điều kiện, ví dụ:
+ “Bếp thông thoáng … có trang thiết bị chất lượng tốt để bảo quản và chế biến thực phẩm” (khoản 4 Điều 9). Không rõ tiêu chí nào để đánh giá trang thiết bị tốt hay không?
+ “Có địa điểm, cơ sở vật chất, dụng cụ, phương tiện phù hợp với từng loại dịch vụ vui chơi giải trí” (khoản 3 Điều 11). Địa điểm ở đâu được cho là “phù hợp” với dịch vụ vui chơi giải trí? Cụm từ “phù hợp” được quy định khá nhiều trong các quy định về tiêu chuẩn từ Điều 8-12 Dự thảo.
Để đảm bảo tính minh bạch trong quy định và hạn chế tình trạng trên, đề nghị Ban soạn thảo rà soát lại và quy định cụ thể, theo hướng nêu các yêu cầu có thể định lượng được. Trong trường hợp không thể đặt yêu cầu rõ ràng thì đề nghị bỏ các quy định này.
- Tiêu chuẩn chưa hợp lý: “Có ít nhất 50 chỗ ngồi” là một trong những tiêu chí để xét công nhận cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống đạt tiêu chuẩn (khoản 2 Điều 9). Quy định này sẽ dẫn tới việc, những cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống sắp xếp số chỗ ngồi lớn sẽ được xét công nhận còn các cơ sở có số chỗ ngồi ít hơn thì không. Trong khi đó, về mặt tính chất, số chỗ ngồi trong cơ sở dịch vụ ăn uống hoàn toàn không phản ánh chất lượng, tiêu chuẩn dịch vụ của cơ sở, thậm chí trong một số trường hợp là ngược lại (ví dụ cùng một diện tích nhưng nhà hàng muốn bố trí số chỗ ngồi ít, để tạo không gian thoáng, phục vụ tốt hơn cho khách hàng thì sẽ không thỏa mãn tiêu chuẩn, trong khi nếu nhà hàng bố trí số chỗ ngồi nhiều sát nhau thì lại đáp ứng).
Ngay cả khi số lượng chỗ ngồi nhiều được cho là tiêu chí cần thiết để đón các khách du lịch theo đoàn thì mức “50 chỗ ngồi” này cũng là thiếu căn cứ? Liệu có phải các đoàn khách du lịch trong nước và quốc tế đến Việt Nam có số lượng khách trung bình là 50 người/đoàn không? Nếu là thấp hơn thì liệu một nhà hàng có nhất thiết phải đủ số chỗ ngồi cho nhiều hơn một đoàn khách du lịch trung bình không?
Chú ý là tiêu chí để đánh giá một nhà hàng đủ điều kiện phục vụ khách du lịch nên dưa vào khả năng của nhà hàng trong việc đáp ứng các yêu cầu của khách, đặc biệt là khách lẻ không có hướng dẫn viên (ví dụ phải có thực đơn tiếng Anh, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, có phòng vệ sinh đạt tiêu chuẩn…) chứ không phải là các tiêu chí về quy mô (tiêu chí về quy mô chỉ thích hợp với trường hợp phục vụ đoàn khách lớn, mà khách theo đoàn thường đi theo chương trình đã thiết kế sẵn, việc lựa chọn địa điểm đủ không gian đã được thực hiện bởi đơn vị tổ chức, đoàn có hướng dẫn viên, thậm chí khác không cần phải đọc thực đơn).
Nhận xét tương tự với tiêu chí về cách thức thanh toán: Tại sao lại là thẻ tín dụng (chú ý là thẻ tín dụng là loại thẻ mà số người sử dụng khá hạn chế, không phổ biến như thẻ ATM, hơn nữa trên thực tế khách du lịch, đặc biệt là khách quốc tế thường không sử dụng thẻ tín dụng khi sử dụng dịch vụ có giá trị nhỏ như dịch vụ ăn uống).
Để đảm bảo tính hợp lý, đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định tại khoản 2 và khoản 7 Điều 9 Dự thảo.
Tương tự, đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định liên quan tới tiêu chí “nhận thanh toán bằng thẻ tín dụng” tại khoản 6 Điều 10, khoản 5 Điều 11, khoản 5 Điều 12).
- Về cơ sở đào tạo ngoại ngữ (Điều 14)
Dự thảo quy định về tiêu chí lựa chọn cơ sở đào tạo tổ chức kiểm tra ngoại ngữ trong đó phải là “cơ sở đào tạo ngoại ngữ bậc đại học” và kèm theo một số điều kiện khác (có ngân hàng đề thi; phương án tổ chức kỳ kiểm tra trình độ ngoại ngữ; không vi phạm các quy định về tuyển sinh).
Đề nghị Ban soạn thảo xem xét, cân nhắc lại các tiêu chí này ít nhất ở các khía cạnh sau:
- Tính pháp lý:
Thứ nhất, Luật du lịch không trao quyền cho Bộ quy định về tiêu chí lựa chọn cơ sở đào tạo tổ chức kiểm tra và cấp chứng chỉ ngoại ngữ (Khoản 4 Điều 59 Luật Du lịch chỉ trao quyền cho Bộ trưởng quy định về “tiêu chuẩn thành thạo ngoại ngữ” mà thôi. Vì vậy, quy định về tiêu chí này là chưa phù hợp với Luật Du lịch.
Thứ hai, tiêu chí quan trọng và cơ bản nhất mà Dự thảo nêu là “là cơ sở đào tạo ngoại ngữ bậc đại học”. Tuy nhiên, theo Luật giáo dục đại học và Luật giáo dục (2005, sửa đổi bổ sung năm 2009) thì không có khái niệm “cơ sở đào tạo ngoại ngữ bậc đại học”. Các trường đại học chỉ đào tạo ngoại ngữ trong khuôn khổ chương trình đào tạo đại học/sau đại học của mình, cho các sinh viên của mình. Còn các cơ sở đào tạo ngoại ngữ hoạt động dưới hình thức “trung tâm ngoại ngữ”, có thể do bất kỳ tổ chức, cá nhân nào đủ điều kiện thành lập – ngay cả khi trung tâm ngoại ngữ được thành lập bởi một trường đại học thì trung tâm đó cũng vẫn là một thực thể pháp lý độc lập với trường đại học. Hoàn toàn không phải là “cơ sở đào tạo ngoại ngữ bậc đại học”.
- Tính hợp lý
+ Về tiêu chí “cơ sở đào tạo ngoại ngữ bậc đại học” (cứ giả sử tiêu chí này được hiểu theo nghĩa “trung tâm ngoại ngữ do trường đại học thành lập”): Theo suy đoán thông thường thì có thể các trung tâm ngoại ngữ thành lập bởi các trường đại học có chuyên môn tốt hơn. Mặc dù vậy, đó chỉ là suy đoán không có căn cứ bởi về mặt pháp lý thì điều kiện thành lập các trung tâm ngoại ngữ (bao gồm cả điều kiện về nhân lực, chuyên môn, cơ sở vật chất) là như nhau, không có gì bảo đảm là cơ sở do trường đại học thành lập sẽ tốt hơn (nhất là khi trường đại học đó không phải là trường chuyên ngành về ngoại ngữ).
+ Về tiêu chí “có ngân hàng đề thi đáp ứng quy định về trình độ ngoại ngữ đối với hướng dẫn viên du lịch quốc tế”: Hiện không có bất kỳ tiêu chuẩn đặc thù nào với ngoại ngữ đối với hướng dẫn viên du lịch quốc tế (Luật Du lịch cũng chỉ đề cập tới việc hướng dẫn viên phải “thành thạo ngoại ngữ” chứ không yêu cầu phải thành thạo ngôn ngữ du lịch). Hơn nữa, trên thực tế cũng không có nhóm ngôn ngữ du lịch đặc thù nào, bởi thuật ngữ du lịch phần lớn là ngôn ngữ đời thường, không có đặc thù nào. Vì vậy, quy định về đề thi đặc thù cho hướng dẫn viên là không hợp lý. Ngay cả khi có đề thi như vậy thì không rõ làm thế nào cơ quan quản lý du lịch để biết ngân hàng đề thi đáp ứng tiêu chuẩn này? Ai sẽ là người đánh giá ngân hàng đề thi đó đáp ứng hay không đáp ứng? Đánh giá dựa trên căn cứ nào?
+ Về các tiêu chí “có phương án tổ chức kiểm tra…”: Theo quy định của pháp luật giáo dục thì các trung tâm ngoại ngữ để thành lập và hoạt động đã phải đáp ứng các điều kiện tương tự. Do đó việc đặt thêm tiêu chí này là không cần thiết khác, trùng lặp.
+ Trong tổng thể, cần chú ý rằng các cơ sở đào tạo ngoại ngữ sẽ đào tạo và cấp chứng chỉ cho tất cả các học viên có nhu cầu và đủ vượt qua bài kiểm tra mà không quan tâm tới việc học viên sẽ dùng chứng chỉ này làm gì. Vì vậy, rất có khả năng là các cơ sở này sẽ không thực hiện việc đăng ký với cơ quan du lịch – khi đó vô hình trung tiêu chuẩn “có chứng chỉ sử dụng thành thạo ngoại ngữ” sẽ bị vô hiệu hóa hoàn toàn, tất cả các hướng dẫn viên du lịch quốc tế sẽ hoặc phải tốt nghiệp đại học, hoặc phải tốt nghiệp cao đẳng ngoại ngữ, hoặc phải học cao đẳng ở nước ngoài, hoặc phải có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế. Điều này, nếu xảy ra, sẽ dẫn tới rủi ro lớn cho đội ngũ hướng dẫn viên du lịch hiện nay. Trong khi với dịch vụ hướng dẫn du lịch quốc tế, vấn đề ngoại ngữ gắn với chất lượng dịch vụ, và là vấn đề của thị trường, hướng dẫn viên không đủ năng lực ngoại ngữ sẽ tự động bị đào thải mà Nhà nước không cần phải can thiệp quá mức.
Từ những phân tích trên, đề nghị Ban soạn thảo bỏ Điều 14 và sửa khoản 5 Điều 13 theo hướng:
- Quy định rõ chứng chỉ sử dụng thành thạo ngoại ngữ bằng cách bổ sung Phụ lục (ví dụ bằng C tiếng Anh, bằng ….) tương tự như cách quy định tại khoản 4 Điều 13)
- Chấp nhận chứng chỉ của tất cả các cơ sở đào tạo ngoại ngữ đáp ứng đầy đủ các điều kiện thành lập hoạt động theo quy định của pháp luật giáo dục
- Về các mẫu biểu
- Về Đơn đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh lữ hành (Mẫu số 01)
- Về thông tin của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp
Đề nghị bỏ các thông tin về “sinh ngày”, “Dân tộc”, “Nơi đăng ký hộ khẩu thường trú”, “email”, “điện thoại di động” vì đây là những thông tin không cần thiết, vì tất cả các dữ liệu thông tin này có thể được nhận diện qua số thẻ chứng minh nhân dân/thẻ căn cước công dân đã được cung cấp trong Đơn đề nghị này.
Góp ý tương tự đối với thông tin trong Đơn đề nghị cấp lại Giấy phép kinh doanh lữ hành tại Mẫu số 02.
- Về thông tin của chi nhánh, văn phòng đại diện:
Tại thời điểm đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh lữ hành có thể doanh nghiệp sẽ chưa xác định có chi nhánh và văn phòng đại diện, do đó yêu cầu phải có thông tin này là chưa hợp lý và không cần thiết. Đề nghị Ban soạn thảo bỏ thông tin này.
- Về mẫu Giấy phép kinh doanh lữ hành nội địa và Kinh doanh lữ hành quốc tế (mẫu số 06, 07)
Đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bỏ nội dung về “Ngành nghề kinh doanh” vì:
Theo quy định của Luật du lịch thì, doanh nghiệp được cấp Giấy phép kinh doanh lữ hành nội địa sẽ chỉ được phép kinh doanh lữ hành nội địa. Do đó, trên Giấy phép kinh doanh lữ hành nội địa, ngành, nghề này đương nhiên là lữ hành nội địa.
Doanh nghiệp được cấp Giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế sẽ được phép kinh doanh lữ hành nội địa và quốc tế, do đó ngành, nghề kinh doanh sẽ được thể hiện hai nhóm hoạt động này.
Như vậy, có thể thấy tên của loại Giấy phép đã nhận thấy được phạm vi hoạt động của doanh nghiệp kinh doanh lữ hành, do đó có mục “ngành, nghề kinh doanh” là không cần thiết.
Mặt khác, mục “ngành, nghề kinh doanh” có thể tạo ra cách hiểu doanh nghiệp chỉ được phép ngành, nghề được ghi trên giấy phép, trong khi họ có thể kinh doanh nhiều ngành, nghề khác mà pháp luật không cấm, theo Giấy đăng ký doanh nghiệp (còn Giấy phép kinh doanh lữ hành nội địa/quốc tế chỉ là giấy phép riêng cho ngành nghề lữ hành của doanh nghiệp mà thôi).
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Thông tư quy định chi tiết một số điều của Luật du lịch. Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo này.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.