VCCI góp ý Dự thảo Nghị định hướng dẫn Luật Quản lý ngoại thương về xúc tiến thương mại phát triển ngoại thương
VCCI góp ý Dự thảo Nghị quyết hướng dẫn áp dụng pháp luật tính lãi suất, lãi nợ quá hạn và phạt vi phạm
Kính gửi: Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học – Tòa án nhân dân tối cao
Trả lời Công văn số 301/TANDTC-PC của Tòa án nhân dân tối cao về đề nghị góp ý Dự thảo Nghị quyết hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về lãi suất, phạt vi phạm, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, hiệp hội, có một số ý kiến như sau:
1. Về các khoảng thời gian tương ứng với cách thức áp dụng pháp luật về lãi suất trong giao dịch dân sự (Điều 2)
Điều 2 Dự thảo hướng dẫn chi tiết áp dụng pháp luật trong hợp đồng vay tài sản là tiền và trong giao dịch dân sự khác không phải là hợp đồng tín dụng dựa vào các mốc thời gian phát sinh hiệu lực của Bộ luật dân sự 2005, 2015, theo đó:
- Khoản 1 hướng dẫn cho các giao dịch dân sự xác lập từ ngày 01/01/2006 đến trước ngày 01/01/2017;
- Khoản 2 hướng dẫn cho các giao dịch dân sự xác lập từ ngày 01/01/2017 trở đi (chú ý: Dự thảo hiện dùng chữ “giao kết”, đề nghị sử dụng chữ “xác lập” cho thống nhất với các trường hợp còn lại);
- Khoản 3 hướng dẫn áp dụng cho các giao dịch dân sự được xác lập trước ngày 01/01/2017
Như vậy, có thể thấy khoản 1 và khoản 3 đều hướng dẫn việc áp dụng pháp luật cho các giao dịch xác lập trong khoảng từ 01/01/2016 đến trước 01/01/2017. Điều này sẽ tạo ra sự chồng lấn trong áp dụng (vì sẽ cùng lúc áp dụng hai quy định khác nhau) vừa chưa phù hợp (những giao dịch xác lập trước ngày 01/01/2006, phải áp dụng Bộ luật dân sự năm 1995).
Do đó, để đảm bảo tính thống nhất, đề nghị Ban soạn thảo điều chỉnh để phân biệt 03 trường hợp theo 03 quãng thời gian chuẩn xác, gồm: trước 1/1/2006, từ 1/1/2006 đến trước 1/1/2017 và từ 1/1/2017 trở đi; đồng thời thiết kế các quy định hướng dẫn tương ứng với từng trường hợp (đặc biệt với trường hợp giao dịch xác lập trước 1/1/2006)..
2. Về các cách thức áp dụng pháp luật được hướng dẫn (Điều 2 Dự thảo)
i) Đối với trường hợp giao dịch xác lập trong khoảng 1/1/2006-trước 1/1/2017 (khoản 1 Điều 2)
- Về trường hợp a:
Dự thảo đưa ra ví dụ cho việc xác định lãi suất phù hợp cho giao dịch xác lập từ ngày 01/01/2006 đến trước ngày 01/01/2017. Tuy nhiên, phần phân tích trong ví dụ lại chưa chính xác: “…(quy định mức lãi suất cơ bản là 9%/năm tương ứng với 0,75%/tháng, tương ứng với 13,5%/năm)”. Nội dung này sẽ dẫn tới cách hiểu không chính xác là mức lãi suất cơ bản 9%/năm tương ứng với 13,5%/năm. Trong khi nội dung chính xác phải là: “… quy định mức lãi suất cơ bản là 9%/năm, mức tương ứng của 150% lãi suất cơ bản sẽ là 13,5%/năm”. Đề nghị Ban soạn thảo hoặc bỏ cụm từ “tương ứng với 13,5%/năm” hoặc sửa đổi cách diễn giải nói trên để đảm bảo nội dung chính xác.
- Về trường hợp b:
Điểm b khoản 1 Điều 2 Dự thảo quy định “trường hợp thỏa thuận về lãi suất cao hơn 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng nhà nước công bố, thì tiền lãi được xác định theo mức lãi suất bằng 150% lãi suất cơ bản do Ngân hàng nhà nước công bố …”. Quy định này là chưa rõ về thời điểm có hiệu lực của quyết định công bố lãi suất của Ngân hàng Nhà nước. Để đảm bảo tính rõ ràng, đề nghị Ban soạn thảo điều chỉnh lại quy định này theo hướng “… thì tiền lãi được xác định theo mức lãi suất bằng 150% mức lãi suất do Ngân hàng Nhà nước công bố có hiệu lực tại thời điểm xác lập giao dịch”.
Tương tự, trong ví dụ 1 khi nói về mức lãi suất do Ngân hàng Nhà nước công bố thì cần nêu rõ là tại thời điểm 20/2/2013 (thời điểm xác lập giao dịch) thì Quyết định 2868/QĐ-NHNN ngày 29/11/2010 của Ngân hàng Nhà nước đang có hiệu lực.
(ii)Đối với trường hợp giao dịch xác lập trước 1/1/2017 (khoản 3 Điều 2)
Do trường hợp này đang có phần chồng lấn với trường hợp giao dịch xác lập trong khoảng 1/1/2006-1/12017 (như phân tích trong mục 1 Công văn góp ý này) nên phần hướng dẫn ở đây mâu thuẫn một phần với hướng dẫn tại khoản 1 Điều 2 Dự thảo. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo:
- Cân nhắc điều chỉnh lại nội dung hướng dẫn cho phù hợp và
- Bổ sung thêm quy định hướng dẫn cho trường hợp giao dịch giao kết trước 1/1/2006
Ngoài ra, cần lưu ý là cách hướng dẫn ở khoản 3 hiện đang không thống nhất với cách hướng dẫn ở các khoản khác của Điều này, theo đó:
- Khoản 3 phân biệt các trường hợp dựa trên tiêu chí giao dịch đã thực hiện hoặc chưa thực hiện
- Các khoản khác phân biệt giao dịch chỉ căn cứ vào thời điểm xác lập giao dịch, không quan tâm đến việc giao dịch đã/đang/chưa thực hiện
Trên thực tế, việc xem xét giao dịch đã/đang/chưa thực hiện là rất khó khăn. Trong khi đó, về mặt pháp lý thì giao dịch có hiệu lực từ thời điểm giao dịch được xác lập (trừ khi có thỏa thuận khác về thời điểm có hiệu lực), việc thực hiện chậm/nhanh các công việc trong giao dịch thực chất cũng lấy hiệu lực của giao dịch làm tiêu chuẩn. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo thống nhất hướng dẫn theo thời điểm xác lập giao dịch (thời điểm có hiệu lực của cam kết trong giao dịch)
(iii) Đối với trường hợp giao dịch có thỏa thuận về điều chỉnh lãi suất (áp dụng cho tất cả các khoảng thời gian).
Khoản 4 Điều 2 quy định “Giao dịch dân sự có thỏa thuận về việc điều chỉnh lãi suất thì lãi suất được xác định theo thỏa thuận của các bên và văn bản quy phạm pháp luật quy định về lãi suất có hiệu lực tại thời điểm tính lãi suất”.
“Thời điểm tính lãi suất” là thời điểm nào?
Đề nghị Ban soạn thảo sửa đổi thành thời điểm điều chỉnh lãi suất.
3. Về áp dụng pháp luật về lãi suất trong hợp đồng tín dụng (Điều 3)
- Khoản 2 Điều 3 Dự thảo hướng dẫn chi tiết về các văn bản pháp luật áp dụng đối với các hợp đồng tín dụng xác lập trước/sau thời điểm Luật các tổ chức tín dụng có hiệu lực.
Đối với trường hợp hợp đồng tín dụng xác lập trong khoảng thời gian cụ thể trong quá khứ (từ 1/1/2006-1/1/2011 – điểm b khoản 2 Điều 3) thì việc liệt kê các văn bản pháp luật cụ thể có thể là hợp lý, thuận tiện khi áp dụng. Lý do là trong khoảng thời gian cụ thể đã được xác định này thì hiệu lực của các văn bản có thể được xác định cụ thể.
Tuy nhiên, đối với trường hợp hợp đồng tín dụng xác lập trước và sau khoảng thời gian cụ thể này và không có giới hạn về thời gian, việc liệt kê quá chi tiết tên văn bản áp dụng đối với hợp đồng tín dụng được xác lập từ ngày 01/01/2011 là vừa không cần thiết vừa không chính xác (khi có thay đổi trong quy định pháp luật liên quan). Ví dụ, quy định tại điểm a khoản 2 dẫn chiếu tới Thông tư 12/2010/TT-NHNN (áp dụng cho hợp đồng sau 1/1/2011) đã không chính xác, bởi Thông tư này hiện đã được thay thế bởi Thông tư 39/2016/TT-NHNN.
Vì vậy, để đảm bảo tính chính xác và bao quát, đề nghị Ban soạn thảo sửa đổi quy định tại điểm a khoản 2 Điều 3 theo hướng không nêu tên cụ thể Thông tư sẽ áp dụng cho trường hợp các hợp đồng tín dụng được xác lập từ ngày 01/01/2011 mà chỉ quy định là “các văn bản pháp luật quy định về hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng có hiệu lực tại thời điểm xác lập giao dịch” (tương tự như cách quy định tại điểm c khoản 2 Điều 3).
- Khoản 3 Điều 3 Dự thảo quy định “Hợp đồng tín dụng có thỏa thuận về việc điều chỉnh lãi suất cho vay thì lãi suất được xác định theo thỏa thuận của các bên và văn bản quy phạm pháp luật về lãi suất có hiệu lực tại thời điểm tính lãi suất”. Quy định này chưa chính xác, bởi ở đây thời điểm tính lãi suất không có ý nghĩa, quan trọng là thời điểm điều chỉnh lãi suất.. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo điều chỉnh lại quy định trên theo hướng, xác định lãi suất tại thời điểm điều chỉnh lãi suất.
5. Về tính lãi đối với nợ gốc quá hạn trong giao dịch dân sự (Điều 5)(i)
(i) Tính lãi đối với nợ gốc quá hạn:
Điểm a1.a khoản 1 quy định “trường hợp vay không có lãi, mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì khi giải quyết tranh chấp Tòa án xác định bên vay phải trả lãi trên nợ gốc chậm trả theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố tương ứng với thời hạn chậm trả tại thời điềm chậm trả nợ, ….” Đối với các giao dịch xác lập từ 01/01/2006 đến trước ngày 01/01/2017. Quy định này chưa phù hợp với khoản 2 Điều 305 Bộ luật dân sự 2005 về thời điểm xác định lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố là “thời điểm thanh toán” chứ không phải là “thời hạn chậm trả nợ”. Đề nghị Ban soạn thảo điều chỉnh lại quy định này để đảm bảo tính thống nhất.
(ii)Thời gian tính lãi nợ đối với nợ gốc quá hạn
Theo quy định tại điểm b1 khoản 1 thì “trường hợp vay không có thời hạn thì thời gian tính lãi quá hạn kể từ khi đòi nợ (phát sinh tranh chấp) đến thời điểm xét xử sơ thẩm”.
Quy định về thời gian tính lãi nợ đối với nợ gốc quá hạn đến “thời điểm xét xử sơ thẩm” là chưa hợp lý và chưa bảo đảm quyền lợi cho bên cho vay. Bởi bản án sơ thẩm chưa có hiệu lực pháp luật ngay, có thể bị kháng cáo và xét xử phúc thẩm, thời gian xét xử bị kéo dài, đồng nghĩa thời gian chậm trả nợ gốc của bên vay sẽ kéo dài tương ứng.
Do đó, để đảm bảo tính hợp lý, đề nghị Ban soạn thảo sửa đổi quy định theo hướng thời gian tính lãi quá hạn đến thời điểm bản án có hiệu lực thi hành..
– Khoản 5 quy định “Các bên có thể thỏa thuận về việc nhập lãi vào nợ gốc để tính lãi của thời gian vay tiếp theo. Tuy nhiên, Tòa án chỉ chấp nhận việc nhập lãi vào nợ gốc một lần tại thời điểm đến hạn trả nợ mà bên có nghĩa vụ không thực hiện được nghĩa vụ trả nợ của mình. Các trường hợp khác đều phải tính nợ gốc theo lãi suất nợ quá hạn theo quy định của pháp luật”. Quy định này cần được xem xét ở các điểm sau:
- Tính hợp lý: Bản chất khoản tiền gốc là khoản tiền bên cho vay đã giao cho bên vay. Tiền lãi là tiền bên vay phải trả bên cho vay khi đã sử dụng tiền vay. Trường hợp đến hạn trả lãi bên vay không trả được thì phải chịu lãi trên số tiền lãi chậm trả này và Bộ luật dân sự đã có quy định cho phép tính lãi trên số tiền lãi chậm trả này (khoản 1 Điều 357). Cho phép lãi nhập gốc là đã biến khoản tiền bên vay phải trả thành khoản tiền bên vay đã nhận của bên cho vay, làm sai lệch bản chất của quan hệ vay tiền.
- Tính minh bạch: Không rõ tại sao Tòa án lại chỉ chấp nhận việc nhập lãi vào nợ gốc một lần tại thời điểm đến hạn trả nợ mà bên có nghĩa vụ không thực hiện được nghĩa vụ trả nợ của mình? Trong trường hợp đã cho phép các bên thỏa thuận nhập lãi vào nợ gốc để tính lãi, thì tại sao lại không tiếp tục cho phép các bên thỏa thuận cho các lần sau?
Từ những phân tích trên, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bỏ quy định tại khoản 5.
6. Về tính lãi đối với nợ gốc quá hạn trong hợp đồng tín dụng (Điều 6)
Điều 6 Dự thảo hướng dẫn việc tính lãi đối với các hợp đồng tín dụng xác lập dựa vào thời điểm có hiệu lực pháp luật của Bộ luật dân sự 2005, 2015. Điều này là chưa thống nhất với chính quy định tại Điều 3 Dự thảo (theo đó đối với hợp đồng tín dụng thì không áp dụng Bộ luật dân sự mà là pháp luật ngân hàng – cụ thể là dựa vào thời điểm trước hoặc sau khi Luật các tổ chức tín dụng 2010 có hiệu lực).
Để đảm bảo tính thống nhất, đề nghị Ban soạn thảo điều chỉnh lại quy định tại Điều 6 theo hướng:
- Tính lãi đối với nợ gốc quá hạn trong hợp đồng tín dụng dựa vào thời điểm xác lập hợp đồng là trước hoặc sau thời điểm 01/01/2011 (Luật các tổ chức tín dụng 2010 có hiệu lực) và
- Hướng dẫn cách thức thực hiện phù hợp với quy định tại Luật các tổ chức tín dụng và các văn bản hướng dẫn.
7. Về phạt vi phạm trong hợp đồng (Điều 7)
Khoản 3 quy định về phạt vi phạm trong hợp đồng tín dụng dựa trên thời điểm xác lập trước hay từ ngày 01/01/2017 (Bộ luật dân sự 2015 có hiệu lực).
Quy định này dường như chưa phù hợp với các quy định trong lĩnh vực ngân hàng. Bởi Điều 25 Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng với khách hàng không cho phép tổ chức tín dụng phạt vi phạm đối với khách hàng vi phạm nghĩa vụ trả nợ. Nghĩa là không cho phép cùng lúc áp dụng phạt vi phạm và áp dụng lãi suất quá hạn đối với cùng một vi phạm. Trước Thông tư 39, chưa có quy định nào hạn chế việc này.
Do đó, để đảm bảo thống nhất trong hệ thống pháp luật, đề nghị Ban soạn thảo điều chỉnh lại quy định trên theo hướng lấy mốc thời gian xác lập hợp đồng theo các văn bản pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng.
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Nghị quyết hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về lãi suất, phạt vi phạm. Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo này.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.