VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 125/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2016/NĐ-CP về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn nghạch thuế quan
VCCI_Góp ý Dự thảo Thông tư quy định thi, kiểm tra, cấp, cấp lại, chuyển đổi giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn thuyền viên, người lái phương tiện thủy nội địa và Dự thảo Thông tư quy định trách nhiệm của chủ phương tiện, thuyền viên, người lái phương tiện, đảm nhiệm chức danh thuyền viên và định biên an toàn tối thiểu trên phương tiện thủy nội địa
Dự thảo Nghị định quy định về tổ chức, hoạt động dược lâm sàng của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
Kính gửi: Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế
Trả lời Công văn số 4059/BYT-QLD của Bộ Y tế về việc đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định quy định về tổ chức, hoạt động dược lâm sàng của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, có một số ý kiến như sau:
- Về vị trí, chức năng và cơ cấu tổ chức (Điều 4)
Điểm a khoản 2 Điều 4 Dự thảo quy định “Người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phê duyệt dân sự làm người phụ trách công tác dược lâm sàng và một số người làm công tác dược lâm sàng trên cơ sở đề xuất của Trưởng khoa Dược”. Đây là quy định không cần thiết, can thiệp vào việc tổ chức nội bộ của tổ chức, đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định này.
- Về điều kiện đối với người phụ trách công tác dược lâm sàng (Điều 5)
Điều 5 Dự thảo quy định người phụ trách công tác dược lâm sàng của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải được cấp Chứng chỉ hành nghề dược là chưa phù hợp với Điều 21 Luật Dược, đề nghị Ban soạn thảo bỏ yêu cầu này.
- Về điều kiện đối với người làm công tác dược lâm sàng (Điều 7)
Điều 7 Dự thảo quy định về một trong các điều kiện người làm công tác dược lâm sàng phải đáp ứng một trong các điều kiện: “được đào tạo liên tục và có Chứng chỉ đào tạo dược lâm sàng”.
Theo phản ánh của một số doanh nghiệp thì điều kiện này chưa phù hợp với thực tế. Bởi vì, hiện tại các trường đại học y, dược có tổ chức đào tạo liên tục về các chuyên đề cụ thể của dược lâm sàng và chứng chỉ được ghi tên về các chuyên đề đã đào tạo. Một số sở y tế ở địa phương cũng có chương trình đào tạo liên tục cho các dược sĩ đang làm việc cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh về dược lâm sàng. Tất cả các hoạt động đào tạo trên thì chứng chỉ được cấp đều không ghi là “Chứng chỉ đào tạo dược lâm sàng”. Vì vậy, để đảm bảo quy định có tính khả thi, đề nghị Ban soạn thảo điều chỉnh lại quy định này để phù hợp với thực tế.
- Về điều kiện cơ sở vật chất đảm bảo hoạt động dược lâm sàng (Điều 9)
Điều 9 Dự thảo quy định về điều kiện cơ sở vật chất đảm bảo hoạt động dược lâm sàng, theo đó:
- Khoa Dược của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đảm bảo điều kiện về trang thiết bị, cơ sở vật chất để thực hiện đầy đủ các nội dung hoạt động dược lâm sàng theo quy định tại khoản 1 Điều 10 Nghị định này
- Nhà thuốc trong khuôn viên cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đảm bảo điều kiện về trang thiết bị, cơ sở vật chất để thực hiện đầy đủ các nội dung dược lâm sàng theo quy định tại khoản 2 Điều 10 Nghị định này
Quy định trên cần được cân nhắc, xem xét ở một số điểm sau:
- Pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh đã quy định về điều kiện cơ sở vật chất của tổ chức khám bệnh, chữa bệnh. Khoa Dược là một bộ phận của tổ chức khám bệnh, chữa bệnh, vì vậy phải đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh.
- Theo quy định tại Luật Dược thì Nhà thuốc là một hình thức của cơ sở bán lẻ thuốc. Luật này cũng quy định về điều kiện hoạt động của cơ sở này.
Từ điểm trên cho thấy, việc Dự thảo quy định về điều kiện cơ sở vật chất của Khoa Dược, Nhà thuốc là không cần thiết và chưa đảm bảo tính thống nhất với các văn bản pháp luật có liên quan. Đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bỏ quy định tại Điều 9.
- Một số góp ý khác
- Về nội dung hoạt động tại khoa lâm sàng (Điều 11):
Một số doanh nghiệp cho rằng yêu cầu thực hiện tất cả các hoạt động liệt kê tại Điều 11 Dự thảo đối với từng người bệnh là khó khả thi, nhất là những bệnh viện lớn, nhiều bệnh nhân. Đề nghị Ban soạn thảo giữ nguyên như quy định tại Thông tư 31/2012/TT-BYT (“Dược sĩ lâm sàng tham gia đi buồng bệnh và phân tích về sử dụng thuốc của người bệnh. Tùy theo đặc thù của từng bệnh viện, mỗi bệnh viện sẽ lựa chọn khoa lâm sàng và đối tượng người bệnh cần ưu tiên để triển khai các hoạt động thực hành dược lâm sàng”).
- Về mẫu phân tích sử dụng thuốc (Điều 12)
Khoản 2 Điều 12 Dự thảo quy định người làm công tác dược lâm sàng khi cho ý kiến phải lưu vào bệnh án Mẫu phân tích sử dụng thuốc tại Phụ lục 1, 2 của Dự thảo. Việc yêu cầu lưu cả hai Phụ lục này dường như chưa thực sự hợp lý, bởi vì nội dung gần giống nhau, Phụ lục 2 có nội dung chi tiết hơn. Mặt khác, hiện nay nhiều bệnh viện hiện đã thực hiện lưu thông tin bằng phương tiện điện tử để thuận tiện cho công tác lưu trữ và tổng hợp. Do vậy, để đảm bảo đơn giản hóa thủ tục, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc cho phép các bệnh viên được lưu Phụ lục 2 dưới dạng điện tử.
- Về trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (Điều 13)
Khoản 5 Điều 13 Dự thảo quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chỉ đạo xây dựng các chính sách về lương, phụ cấp cho người công tác dược lâm sàng với những mức giới hạn tối thiểu so với dược sĩ có trình độ tương đương làm công tác khác tại khoa dược (phụ cấp trách nhiệm từ 0,5; lương tăng thêm tối thiểu 1,5 lần). Quy định này là can thiệp trực tiếp vào vấn đề quản trị nội bộ của doanh nghiệp và có thể cản trở quyền tự quyết của doanh nghiệp. Đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc bỏ quy định này.
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Nghị định quy định về tổ chức, hoạt động dược lâm sàng của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Rất mong quý Cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.