VCCI_Góp ý Dự thảo Thông tư quy định về lưu mẫu giống cây trồng, kiểm định ruộng giống, lấy mẫu vật liệu nhân giống cây trồng; kiểm tra nhà nước về chất lượng giống cây trồng nhập khẩu
Dự thảo Nghị định quy định về tổ chức, hoạt động dược lâm sàng của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 125/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2016/NĐ-CP về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn nghạch thuế quan
Kính gửi: Vụ chính sách thuế – Bộ Tài chính
Trả lời Công văn số 8745/BTC-CSTngày 31/07/2019của Bộ Tàichínhvề việc đề nghị góp ý đối với Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 125/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2016/NĐ-CP về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn nghạch thuế quan(sau đây gọi tắt là Dự thảo), trên cơ sở tham khảo ý kiến nhiều chuyên gia và doanh nghiệp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có một số ý kiến ban đầu như sau:
- Thuế xuất khẩu đối với photpho vàng
Theo UBND tỉnh Lào Cai và Bộ Tài chính, lý do chính để nâng thuế suất xuất khẩu phospho vàng từ 5% lên 20% là nhằm bảo vệ môi trường và bảo đảm nguồn cung nguyên liệu trong nước. Tuy nhiên, việc nâng thuế xuất khẩu đối với phospho vàng cần được cân nhắc kỹ hơn các tác động, cụ thể như sau:
- Mục tiêu chính của công cụ thuế xuất khẩu là đánh vào các mặt hàng nguyên liệu thô, nhằm bảo đảm nguồn cung nguyên liệu trong nước để phục vụ sản xuất trong nước. Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều doanh nghiệp thì khả năng tiêu thụ mặt hàng phospho vàng trong nước hiện nay không cao và trong tương lai cũng chưa có nhiều triển vọng phát triển. Do đó, mục tiêu bảo đảm nguồn cung nguyên liệu trong nước là chưa cần thiết.
- Đối với mục tiêu bảo vệ môi trường, việc nâng thuế xuất khẩu sẽ khiến sản xuất bị đình đốn nên có thể có tác dụng giảm ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, đây lại là cách tiếp cận trái ngược với quan điểm về phát triển bền vững, bởi nó đang đặt môi trường vào thế đối lập với phát triển kinh tế, hay bảo vệ môi trường bằng cách không phát triển.
- Thuế xuất khẩu đánh sản phẩm của tất cả các doanh nghiệp, kể cả những doanh nghiệp đầu tư các biện pháp bảo vệ môi trường tốt, không gây ô nhiễm. Như vậy, biện pháp thuế này sẽ không khuyến khích được các doanh nghiệp đầu tư thêm cho các biện pháp bảo vệ môi trường.
- Để đạt được mục tiêu bảo vệ môi trường, các biện pháp chính sách tốt nhất như nâng quy chuẩn chất thải, tăng cường quan trắc môi trường, phí bảo vệ môi trường (tính trên lưu lượng và thành phần nguồn thải), quản lý chất thải (gồm cả nước thải, khí thải, chất thải rắn), phòng ngừa sự cố môi trường…
Một tác động nữa cần tính đến là thuế xuất khẩu đối với quặng apatit hiện nay là 15%, 22% và 40% (tuỳ kích thước hạt). Nếu tăng thuế đối với phospho vàng lên 20% có thể sẽ dẫn đến nguy cơ doanh nghiệp khai thác apatit sẽ chỉ tiến hành nghiền quặng rồi xuất khẩu quặng thô ra nước ngoài, thay vì chế biến quặng apatit thành phospho vàng như hiện nay.
Do đó, chúng tôi đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc kỹ hơn việc nâng thuế xuất khẩu đối với phospho vàng từ 5% lên 20%.
- Thuế nhập khẩu thép cuộn cán nóng
Cơ quan soạn thảo đề xuất nâng thuế nhập khẩu thép cuộn cán nóng từ 0% lên 5% với lý do ngăn chặn thép cuộn từ Trung Quốc tràn vào Việt Nam do tác động của chiến tranh thương mại. Tuy nhiên, do giữa Việt Nam và Trung Quốc đã có ACFTA nên thép Trung Quốc sẽ vẫn được hưởng thuế suất 0%. Mức thuế 5% do vậy sẽ chỉ có hiệu lực đối với các nước không có cam kết với Việt Nam, tập trung chủ yếu vào Ấn Độ, Đài Loan, Brazil… Như vậy, biện pháp tăng thuế MFN này sẽ khiến thép từ Trung Quốc vào Việt Nam nhiều cạnh tranh hơn. Một số doanh nghiệp cũng phản ánh nguy cơ khi tăng thuế thì các doanh nghiệp sản xuất thép nội địa đang sử dụng nguyên liệu là thép cuộn cán nóng sẽ gặp khó khăn về thiếu hụt nguồn cung và giá thành nguyên liệu gia tăng, các sản phẩm không cạnh tranh được với các mặt hàng thép thành phẩm nhập khẩu.
Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc kỹ hơn về việc tăng thuế MFN đối với thép cuộc cán nóng.
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về với Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 125/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 122/2016/NĐ-CP về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn nghạch thuế quan. Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo này.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của Quý Cơ quan./.