Dự thảo Luật về Hội : Hai góc nhìn khác nhau

Thứ Ba 22:39 02-06-2009

Dự án Luật về Hội do Bộ Nội vụ là cơ quan chủ trì soạn thảo đã thực hiện trong một thời gian dài. Trước đây, khi các Dự thảo của Luật này được đưa ra lấy ý kiến của các đối tượng có liên quan, đã có nhiều ý kiến phản đối mạnh mẽ một số nội dung trong dự thảo. Những ý kiến phản đối chủ yếu xoay quanh các quy định về quản lý nhà nước đối với hội, thủ tục thành lập hội. Những ý kiến này cho rằng, với những quy định của dự thảo mà Bộ Nội vụ đã ban hành thì hoạt động của hội sẽ bị bó buộc, triệt tiêu tính linh hoạt, đa dạng, không phát huy được chức năng tư vấn, phản biện độc lập. Thủ tục thành lập hội còn phiền hà, việc quy định số hội viên, nội dung của Điều lệ…là thiếu tính khả thi. Các quy định như vậy sẽ ngày càng làm “hành chính hoá” các tổ chức phi chính phủ, việc các hội lại có bộ chủ quản là tư tưởng lạc hậu…Nhiều đại diện đến từ các hội khác nhau đều có mong muốn là hội phải được “cởi trói”.

Theo dự thảo 7 Luật về Hội của Liên hiệp các Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, thì Luật này bao gồm các quy định đảm bảo quyền tự do lập hội của nhân dân được quy định tại Điều 69 Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam. Nhân dân có quyền tự do lập hội dưới những hình thức tổ chức và tên gọi khác nhau có đăng ký hoặc không đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Nhân dân thực hiện quyền tự do lập hội trên cơ sở: tự nguyện; bình đẳng; minh bạch; dân chủ; tự quản, tự chủ về tài chính; hoạt động không vì mục đích lợi nhuận; phù hợp với lợi ích nhóm cộng đồng xã hội và Nhà nước.

Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đưa ra định nghĩa cũng như cách phân loại khá “đơn giản” về hội. Theo Dự thảo này thì Hội là một tổ chức liên kết tự nguyện của nhân dân với sự tham gia của ít nhất là 3 cá nhân hoặc tổ chức, hoạt động thường xuyên, không vì mục đích lợi nhuận, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Hội và hội viên; có đăng ký thành lập theo Luật này. Hội không có đăng ký thành lập theo Luật này thì không có tư cách pháp nhân, không có con dấu riêng.

Thủ tục đăng ký thành lập hội cũng rất đơn giản, Hồ sơ đăng ký thành lập hội chỉ bao gồm 4 văn bản: Đơn đề nghị đăng ký thành lập hội; Biên bản họp Ban vận động thành lập hội; Dự thảo Điều lệ Hội; Lý lịch tư pháp của người đứng đầu ban vận động thành lập Hội.

Khi nhận đủ hồ sơ đăng ký thành lập hội, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy biên nhận hồ sơ. Trong thời hạn không quá 45 ngày kể từ ngày cấp giấy biên nhận, cơ quan có thẩm quyền được phân cấp theo quy định của Luật này cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập hội. Sau 45 ngày kể từ khi nhận giấy biên nhận hồ sơ, nếu không nhận được phúc đáp đề nghị đăng ký thành lập hội, Ban vận động thành lập hội được quyền tiến hành Đại hội thành lập hội. Sau khi nộp báo cáo về kết quả thành lập hội, cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập hội và đưa hội vào Danh bạ đăng ký các hội. Khi từ chối không cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập hội cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do từ chối. Người đứng đầu Ban vận động thành lập hội có quyền khởi kiện cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc từ chối không cho đăng ký thành lập hội trước Toà Hành chính…

Theo Dự thảo Luật về Hội của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam thì quản ký nhà nước đối với hội được đưa vào phần gần cuối của Dự thảo với những nội dung khá “mở” đối với hội: Nhà nước quản lý hoạt động của hội trên cơ sở bảo đảm quyền lập hội của nhân dân đã được Hiến pháp công nhận và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho hội tham gia vào các hoạt động xã hội, các chương trình, đề án, dự án phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội. Nội dung cụ thể của quản lý nhà nước đối với hội là Bộ Nội vụ xây dựng, ban hành và dướng dẫn thực hiện các văn bản thi hành luật về hội theo nguyên tắc tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện quyền lập hội được quy định tại Luật này.

Những ý tưởng đưa ra tại Dự thảo Luật về Hội của Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã thể hiện nhiều quan điểm của các hội - Chủ thể chịu tác động của Luật này. Đây là một trong những hình thức “phản biện” của hội, đồng thời đó cũng là cách thức góp ý kiến thiết thực cho cơ quan hành chính khi xây dựng Dự án Luật.

Nguồn: www.lerap.org

Các văn bản liên quan