Dự thảo Luật về Hội: Cần chặt chẽ và rõ ràng

Thứ Ba 22:41 02-06-2009
Chiều 23/1/2006, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã tổ chức Hội thảo khoa học lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật về Hội của các tổ chức Hội (dự thảo lần 5 do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam biên soạn). Tới dự Hội thảo có Chủ tịch liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật GS. Viện sỹ Vũ Tuyên Hoàng, Phó Chủ tịch Liên Hội - Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam Phạm Quốc Anh và đại diện các cơ quan, ban ngành tại Hà Nội.

Dự thảo Luật về Hội đã được giao cho Bộ Nội vụ trực tiếp tiến hành soạn thảo với sự tham gia của một số cơ quan của Chính phủ trong đó có Ban Xây dựng pháp luật, Văn phòng Chính phủ…Với sự mong muốn xây dựng một văn bản quy phạm pháp luật hoàn chỉnh, tạo nên môi trường pháp lý thuận lợi cho việc thực thi quyền lập Hội của nhân dân được nhà nước Việt Nam ghi nhận và bảo đảm trong Hiến pháp, các ý kiến đóng góp vào dự thảo xoay quanh mối quan hệ giữa Nhà nước, các tổ chức nhân dân và việc quản lý Nhà nước đối với các Hội. Theo GS. Viện sỹ Vũ Tuyên Hoàng, Luật về Hội phải có đặc thù riêng nhưng lại phải giống những quy định về Hội của các nước trên thế giới, nhưng quan trọng là Luật phải đảm bảo 3 yếu tố “nhân dân làm chủ, Đảng lãnh đạo và Nhà nước quản lý”.

Phó chủ nhiệm kiêm Tổng thư ký Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam Hồ Uy Liêm cho rằng so với những bản dự thảo trước, dự thảo này đã bổ sung và sửa chữa khá nhiều nhưng vẫn còn nhiều bất cập về chủ thể, đối tượng áp dụng. Việc tách một số Hội như Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh..ra “chiếu trên” như quy định của dự thảo Luật có làm cho Hội này xa rời phong trào của nhân dân? Đại biểu này cho rằng Luật về Hội “phải xây dựng được một bức tranh về hệ thống tổ chức của nhân dân Việt Nam, có “phân vai” và có quy định về mối quan hệ giữa các Hội với nhau”. Những Hội không chính danh (như Hội nuôi ong…) chỉ có tính chất tương hổ, không có ảnh hưởng tới cộng đồng và không có tư cách pháp nhân thì không cần thiết phải bị điều chỉnh bởi Luật này. Về quy định người nước ngoài được gia nhập Hội, đại biểu trên cho rằng trong tương lai chúng ta “cần tiến tới để xây dựng khung pháp lý cho người nước ngoài sống và làm việc tại Việt Nam” nhưng vào thời điểm này thì “chưa nên quy định” mà chỉ nên “lo cho người Việt Nam”. Luật nên quy định rõ vấn đề quan hệ đối ngoại của các tổ chức Hội, cụ thể là với loại hoạt động quốc tế nào thì các Hội của Việt Nam được phép tham gia và tham gia ở mức độ nào?

Đại biểu phản đối gay gắt nhất quan điểm “cần phải có Bộ chủ quản” các Hội là GS. TS Tô Ngọc Thanh - Hội Văn nghệ dân gian. Thậm chí Ông Thanh Còn phát biểu nếu giao cho Bộ Văn hoá – Thông tin quản lý Hội thì Ban chấp hành của Hội Văn nghệ Dân gian sẽ xin từ chức ngay! Đồng ý với quan điểm này, TS. Phạm Tuấn Khải – Phó trưởng Ban Xây dựng pháp luật Văn phòng Chính phủ nhận xét tư tưởng có Bộ hoặc cơ quan ngang Bộ để quản lý Hội là “tư tưởng lạc hậu, bao cấp”! Ông Khải cho rằng nên bỏ quy định “Chính phủ ban hành quy định chi tiết thi hành luật” mà nên quy định cụ thể trong Luật. Việc quy định thủ tục giải thể Hội bằng quyết định của Toà án (chỉ áp dụng đối với những Hội có tư cách pháp nhân), ông Khải băn khoăn liệu quy định này có phát huy được hiệu quả trên thực tế hay không khi mà vai trò của Toà Hành chính chưa thể hiện được là bao?

Một đại biểu khác lưu ý Ban soạn thảo, Luật phải rõ ràng, mạch lạc, ngôn ngữ phải chuẩn xác nhưng phải bảo đảm là hành lang pháp lý cho các Hội hoạt động đồng thời phải có những nội dung pháp lý cho các Hội hoạt động đồng thời phải có những nội dung pháp lý của Nhà nước. Đại biểu này cho rằng những vấn đề về nội bộ của Hội thì phải dựa trên cơ sở của Điều lệ Hội (giảm bớt quản lý Nhà nước, nâng cao tính pháp lý của Điều lệ Hội) đúng với tính chất “tự chủ, tự quản và tự trang trải của Hội”. Hơn nữa, không nhất thiết phải quy định rõ rằng Hội nào cũng phải có Ban Kiểm tra như trong dự thảo Luật để bớt nặng nề.

Đại biểu Nguyễn Đình Lộc nhận xét dự thảo Luật chưa rõ rang về khái niệm những Hội hoạt động theo hướng tổ chức chính trị xã hội hay tổ chức xã hội nghề nghiệp…Dự thảo có sự phân biệt Hội nào thì phải đăng ký và Hội nào không phải đăng ký nhưng quy chế về đăng ký, theo ông Lộc, lại chưa rõ ràng. Với những Hội hoạt động dưới hình thức “Câu lạc bộ” thì Luật về Hội có điều chỉnh không và điều chỉnh như thế nào thì Luật phải quy định rõ để tránh những hình thức hoạt động trá hình.

Mặc dù đã có rất nhiều các hội thảo khoa học về dự thảo Luật về Hội nhưng cho đến nay vẫn còn rất nhiều ý kiến khác nhau về dự Luật này. Để có được một dự Luật hoàn chỉnh thì từ nay cho đến lúc được Quốc hội thông qua, Ban soạn thảo sẽ còn phải chỉnh lý và bổ sung rất nhiều.

Các văn bản liên quan