Điều kiện để Hội hoạt động đúng mục đích

Thứ Ba 22:38 02-06-2009
Dự án Luật về Hội dự kiến, tới ngày 31/3/2006 sẽ phải trình dự thảo cuối cùng cho UB Thường vụ Quốc hội và Chính phủ. DĐDN PV ông Hoàng Văn Dũng - Phó Chủ tịch Thường trực VCCI xung quanh nội dung xây dựng luật này.

- Hiện dự thảo Luật về Hội đang được xây dựng. Là Phó Chủ tịch VCCI, cơ quan đại diện cho cộng đồng DN VN trong đó có các hiệp hội, hội... Ông đánh giá thế nào về dự án luật này?

Dự thảo luật gồm 9 chương, 61 điều; quy định về hội, hội viên, hình thức liên hiệp hội; điều kiện, thủ tục thành lập hội; tổ chức, hoạt động của hội; khen thưởng và xử lý vi phạm... Luật về Hội được xây dựng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX của Đảng nhằm cụ thể hóa quyền lập hội của công dân; tạo cơ sở pháp lý và điều kiện hoạt động cho hội; phát huy tính sáng tạo của mọi thành phần xã hội. Do đó, dự luật đã có nhiều điểm mới như: đơn giản hóa thủ tục thành lập hội; mở rộng các đối tượng hội viên. Dự án Luật về Hội có phạm vi điều chỉnh áp dụng cho cả cá nhân, tổ chức nước ngoài hoạt động tại VN.

Tôi cho rằng Luật về Hội trước hết phải tạo điều kiện thuận lợi cho việc thành lập và hoạt động của các tổ chức nhân dân, đáp ứng nhu cầu của các tổ chức, các DN... Bên cạnh đó, việc ra đời dự án Luật về Hội sau hơn 10 năm thảo luận là rất cần thiết, tạo môi trường pháp lý cho sự ra đời và hoạt động của hội, tạo điều kiện để hội hoạt động đúng mục đích, có hiệu quả; đây cũng là điều kiện để tăng cường công tác quản lý của nhà nước đối với hội.

- Ông đánh giá thế nào về hoạt động của các hiệp hội ngành nghề hiện nay?

Tính đến tháng 6/2005 có 320 hội hoạt động trên phạm vi toàn quốc và hơn 2.150 hội hoạt động trong phạm vi tỉnh, TP trực thuộc Trung ương, trong đó phần lớn các hội hoạt động có hiệu quả, song còn một số hội hoạt động mang tính hình thức, chưa phản ánh được nguyện vọng và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của hội viên; các chính sách hỗ trợ, khuyến khích hội tham gia vào công việc xã hội chưa đồng bộ; phân cấp quản lý chưa xác định rõ... Việc xây dựng luật trong bối cảnh hiện nay là rất cần thiết, là văn bản pháp lý quan trọng giúp cho các hội, hiệp hội hoạt động tốt hơn.

- Ông đánh giá thế nào về việc xác định nội dung quản lý nhà nước về tổ chức đối với hội trong dự thảo luật?

Tôi cho rằng việc xác định nội dung quản lý nhà nước về tổ chức đối với hội là chưa rõ ràng và không phù hợp.Việc giao cho các bộ thực hiện quản lý nhà nước đối với các hội trong đó có xét duyệt nhân sự lãnh đạo... trên thực tế là thiết lập cơ quan chủ quản. Điều này không phù hợp với tính chất quan hệ giữa các hội với các cơ quan nhà nước. Bên cạnh đó, số lượng các hội sẽ tăng mạnh trong thời gian tới trong khi đó đầu mối quản lý nhà nước còn hạn chế về năng lực và cán bộ. Việc thực hiện quản lý nhà nước theo hình thức này sẽ không thực hiện được. Chẳng hạn, có nhiều hội hoạt động trên nhiều lĩnh vực liên quan đến nhiều bộ, chẳng hạn Liên minh hợp tác xã, hội DN trẻ, Hội liên hiệp Thanh niên VN... nên giao cho bộ nào? Việc phân công một Bộ nào đóthực hiện quản lý nhà nuớc đối với một hội như vậy là không phù hợp

- Trong dự thảo Luật có nói đến việc mở rộng đối tượng áp dụng cho người nước ngoài và tổ chức nước ngoài. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Tôi cho rằng việc cho phép thành lập các các Hiệp hội DN nước ngoài là cần thiết. Luật về hội cũng nên có quy định rõ ràng về thủ tục, tiêu chuẩn, điều kiện để người nước ngoài, tổ chức nước ngoài có thể tham gia hội, cũng như có thể tự thành lập các tổ chức như vậy trên lãnh thổ VN. Nguyên tắc đối xử bình đẳng, minh bạch nhất là trong bối cảnh chúng ta đang hội nhập quốc tế và chuẩn bị gia nhập WTO là một nguyên tắc cần có, nhất là những nguyên tắc này cũng rất phổ biến ở các nước hiện nay và được áp dụng với người nước ngoài trong xu thế toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, bản thân Luật về Hội áp dụng cho người VN còn có rất nhiều ý kiến khác nhau, quá trình thực hiện có thể điều chỉnh và thực hiện tiếp. Theo tôi, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế chúng ta nên đối xử với những hiệp hội của người nước ngoài tại VN giống như các hiệp hội trong nước.

- Xin cảm ơn ông!

Ông Phạm Xuân Mai - Phó Chủ tịch Hội da giày TP HCM: Cần phải hợp lực của nhiều DN

Tại Việt Nam có rất nhiều hiệp hội hoạt động có hiệu quả mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng doanh nghiệp và các cấp chính quyền. Hiệp hội đóng vai trò là cầu nối tăng cường quan hệ kinh doanh, trung tâm cung cấp thông tin, trọng tài thương mại (nội địa), cung cấp thông tin pháp luật, tư vấn cơ hội kinh doanh, tư vấn công nghệ kỹ thuật, tổ chức các khóa huấn luyện và đóng góp vào các chính sách liên quan đến doanh nghiệp cho các cơ quan nhà nước...
 Thời gian qua, Hiệp hội Da giày TP HCM cũng đã làm được nhiều việc để hỗ trợ doanh nghiệp trong việc xúc tiến thương mại ở thị trường trong nước cũng như nước ngoài. Đặc biệt, hiệp hội đã tổ chức nhiều đoàn DN tham dự các hội chợ lớn của Hiệp hội Da giày thế giới tổ chức tại Mỹ, Châu Âu.... Đây cũng là đầu mối thương mại giới thiệu cơ hội đầu tư cho các DN thành viên, giới thiệu tiềm năng của DN thành viên đến với cộng đồng DN nước ngoài...
Vừa qua, Hội Da giày TP HCM cũng đã thành lập Công ty phát triển ngành da giày để hỗ trợ kỹ thuật, phát triển vùng nguyên liệu, xúc tiến thương mại cho các DN. Trong vụ kiện bán phá giá giày mũ da của EC, hội cũng đóng một vai trò quan trọng. Đây là một vụ kiện gây khó khăn rất lớn cho các DN ngành da giày trong nước nói chung và của TP HCM nói riêng. Đến nay chưa có phán quyết chính thức của EC nhưng những kết luận sơ bộ của họ không công nhận DN VN hoạt động theo tiêu chuẩn thị trường tự do gây khó khăn rất lớn cho DN. Khó khăn rõ ràng nhất là khả năng cạnh tranh về giá (vốn dĩ chưa mạnh lắm) của DN VN gặp nhiều hạn chế. Thị trường EU là thị trường số 1 của ngành da giày VN, chiếm đến 80% tổng lượng xuất khẩu nên "bước cản" này ảnh hưởng rất lớn đến sự tăng trưởng nói chung của ngành da giày. Thời gian tới Hiệp hội Da giày TP HCM sẽ tiếp tục thực hiện những công tác như trên nhưng ở một phạm vi và mức độ lớn hơn, mạnh hơn. Tuy nhiên, để thành công hơn nữa, nhất là trong những vụ kiện chống bán phá giá (như vụ kiện của EC đang diễn ra) các DN cần đồng lòng cùng với hiệp hội tổ chức vận động hành lang, tranh thủ các mối quan hệ với tổ chức, cơ quan công quyền.... Có như vậy mới có thể thành công!

Bà Phạm Chi Lan, Ban Nghiên cứu của Thủ tướng: Hãy để hội hoạt động theo nguyên tắc tự quản

Nên thay việc các bộ quản lý hội bằng việc thực hiện quyền thanh, kiểm tra theo luật. Dự luật nên quy định việc nhà nước công nhận năm quyền của hội như quyền tổ chức hoạt động theo điều lệ; quyền đại diện cho hội viên; quyền đại diện hội viên tham gia góp ý vào văn bản pháp quy, chiến lược, quy hoạch; quyền nhận uỷ thác của nhà nước thực hiện một số việc nhà nước giao cho (như thực hiện dịch vụ công; cấp chứng chỉ hành nghề...); quyền nhận hỗ trợ của nhà nước và tổ chức khác. Mặt khác, không nên quy định quá nặng nề, chi tiết nghĩa vụ của hội mà chỉ cần khẳng định hội phải hoạt động theo điều lệ và pháp luật; báo cáo, chấp hành việc thanh, kiểm tra... Hãy để các hội hoạt động theo nguyên tắc tự quản.

Bà Trần Thị Thuý Hoà - Tổng Thư ký Hiệp hội Cao su VN: Không thể thiếu Hiệp hội
Vai trò Hịệp hội Cao su Việt Nam hiện nay là rất quan trọng. Điều đó được thể hiện sau gần 2 năm thành lập. Ngoài việc lắng nghe ý kiến của các hội viên, Hiệp hội còn có vai trò làm cầu nối tiếp nhận thông tin thị trường, giá cả đối tác chuyên nghành cao su. Ngoài ra, Hiệp hội còn hướng cho các DN mở rộng sản xuất ngay tại VN cũng như liên doanh liên kết với Lào mở rộng diện tích trồng làm tăng sản lượng mủ với chất lượng cao. Chúng tôi cũng khuyến khích các hội viên mở rộng đầu tư dây chuyền công nghệ tiên tiến nhất vào sơ chế cũng như tinh chế nhằm XK đạt giá tốt nhất. Các DN cũng rất kỳ vọng vào hiệp hội. Hiện nay, chúng tôi đang vạch chiến lược phối hợp với các tổ chức quốc tế nhằm ổn định thị trường cao sutheo hướng có lợi cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng. Hiệp hội đang lên kế hoạch sắp tới sẽ ra mắt website giao dịch, thông tin thị trường, kỹ thuật trồng phục vụ các doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng cao su, đẩy mạnh xúc tiến thương mại. Đặc biệt, vừa qua hiệp hội chính thức được kết nạp là thành viên chính thức của Hiệp hội cao su quốc tế (IRA).

Ông Trương Thanh Phong - Chủ tịch Hiệp hội Lương thực VN: Góp phần cùng DN phát triển

Vai trò hiệp hội là rất quan trọng; điều đó được chứng minh bằng những bước lớn mạnh của hội viên, đặc biệt là thành tích xuất sắc trong việc xuất khẩu. Với tình hình thiên tai bảo lũ cuối năm, Bộ Thương mại đã đề xuất, kiểm tra lượng gạo tồn kho của cả nước rồi ngưng việc ký kết xuất khẩu gạo vào những tháng cuối năm. Để DN không bị hoang mang, ảnh hưởng tới những hợp đồng đã được ký kết từ trước, hiệp hội đã cùng doanh nghiệp bàn bạc thúc đẩy việc thu mua tiếp tục xuất khẩu trên 300.000 tấn trong lúc thời điểm gạo tiếp tục tăng cao nhằm giải quyết dứt điểm những bản hợp đồng đã được ký. Đồng thời để doanh nghiệp chủ động trong thị trường, hiệp hội làm cầu nối giữa doanh nghiệp với Nhà nước cũng như những đối tác bên ngoài. định hướng cho các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu.

Ngoài thị trường truyền thống như Nam Phi, hiệp hội còn mở rộng thị trường mới như Nhật Bản. Hiệp hội vừa là cầu nối chuyển tiếp văn bản của Chính phủ đến các doanh nghiệp. Định hướng cho các doanh nghiệp tham gia xuất khẩu gạo cho năm 2006. Một tín hiệu đáng mừng cho các nhà xuất khẩu gạo ViệtNam là các loại gạo nước ta đã đạt tiêu chuẩn chất lượng của nhiều nước trên thế giới. Đây là điều kiện hết sức quan trọng để gạo nước ta vươn ra thị trường thế giới.

Ông Lê Thanh Quang - Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp trẻ TP HCM: DN đang cần sự trợ giúp của hiệp hội

Nước ta đang tiến hành hội nhập chiều rộng lẫn chiều sâu với quốc tế. Các doanh nghiệp vẫn thường than với tôi rằng thiếu thông tin, chưa mở rộng được nhiều thị trường mới. Vì vậy, vai trò của hiệp hội là rất quan trọng. Hiện nay, Chỉnh phủ cũng như TP HCM đang thực hiện nhiều chương trình nhằm giúp các doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh trên bước đường hội nhập với thế giới. Vai trò hiệp hội đã có một số chương trình hỗ trợ doanh nghiệp tìm hiểu thị trường. Hiểu về hội nhập kinh tế như AFTA, WTO thì phải cho doanh nghiệp thấy một cách cụ thể như doanh nghiệp được lợi gì từ việc tham gia hội nhập. Hiệp hội cũng có những phân tích sát sườn để từng doanh nghiệp nhận diện những cơ hội và thách thức. Riêng Hiệp hội doanh nghiệp trẻ thành phố cũng đã tổ chức nhiều cuộc gặp gỡ, giao lưu với các doanh nghiệp nước ngoàiđể thông qua đó mời các chuyên gia nói về cơ hội để các doanh nghiệp tiếp cận thị trường. Nhưng những chợ giúp như thế theo tôi vẫn chưa đủ sâu. Theo tôi phải có những phân tích rõ ràng theo những lĩnh vực cụ thể. Nếu so sánh với các đối thủ có cùng mặt hàng như ta thì phân tích lợi thế doang nghiệp nước ta đang đứng ở đâu. Đây chính là những điều doang nghiệp đang cần. Với hiệp hội phải có cái nhìn chiến lượcđể định hướng cho doanh nghiệp doanh nhân có những bước đi vững chắc trên con đường hội nhập. Đồng thời doanh nghiệp cũng phải có nghĩa vụ đóng góptrí tuệ, sức lực cho đất nước. Đối với doanh nghiệp doanh nhân kinh doanh phải hiểu một điều rằng họ không chỉ làm giàu cho mình mà còn phải gánh trách nhiệm làm giàu cho đất nước

Các văn bản liên quan