Bóp chết tham nhũng ngay từ khi làm luật

Thứ Sáu 14:09 26-05-2006
''Bóp chết tham nhũng ngay từ khi làm luật''

Văn Tiến - VietNamNet

Tổng thư ký Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam Nguyễn Hoàng Hải đã nói như vậy tại Toạ đàm về Luật doanh nghiệp và Luật đầu tư (chung) do Hiệp hội doanh nghiệp trẻ Hà Nội tổ chức.

Lý giải vì sao dự thảo Luật đầu tư ''đẻ'' ra nhiều giấy phép con, ông cho rằng, ''vì người soạn thảo đang làm xét duyệt dự án cục bộ lợi ích quá''.

Thời hạn 4 năm DNNN phải chuyển đổi xong

''Ban soạn thảo khẳng định dứt khoát và thống nhất cao, doanh nghiệp nhà nước chuyển đổi thành công ty TNHH và công ty cổ phần là đối tượng điều chỉnh của Luật doanh nghiệp. Thời hạn chuyển đổi ấn định là 4 năm. Nếu dự luật này được Quốc hội thông qua vào cuối năm và có hiệu lực từ 1/7/2006 thì đến 1/7/2010 kết thúc chuyển đổi'', thành viên Ban soạn thảo Luật, ông Nguyễn Đình Cung hồ hởi thông báo điểm mới tiếp thu.

Theo ông Cung, trong thời hạn này, cơ chế hành chính chủ quản công ty nhà nước sẽ bị bãi bỏ. Chủ sở hữu sẽ đóng vai trò nhà đầu tư, tách quyền chủ sở hữu vốn với quản lý hành chính nhà nước, không phân tán, cưa khúc, chia cách như hiện nay...

''Với thời hạn 4 năm, công việc chuyển đổi rất nặng nề. Chính phủ cần nghiên cứu xây dựng đề án chuyển đổi công ty nhà nước, xây dựng chế độ chủ sở hữu vốn (cơ quan nào quản lý vốn nhà nước), chậm nhất là khi Luật doanh nghiệp có hiệu lực'', ông khẩn trương.

Ông Nguyễn Đình Cung đề xuất, hàng năm Chính phủ cần báo cáo Quốc hội kết quả kinh doanh vốn nhà nước.

Luật sư Trần Vũ Hải, Giám đốc Công ty Luật Hà Nội chỉ ra bất hợp lý: ''Dự thảo Luật doanh nghiệp chưa đề cập đến cơ quan đăng ký kinh doanh (ĐKKD). Tôi đề xuất nhập thủ tục cấp dấu, mã số thuế vào thủ tục cấp giấy chứng nhận ĐKKD. Cụ thể, phòng đăng ký kinh doanh cấp một lần, mã số ĐKKD đồng thời là mã số thuế, mã số hải quan. Con dấu là của doanh nghiệp, chỉ cần đăng ký mẫu dấu. Ước tính doanh nghiệp rút ngắn được 20 ngày, đỡ tốn kém tiền triệu''.

Qua theo dõi thực thi Luật doanh nghiệp, ông Nguyễn Đình Cung thừa nhận hệ thống cơ quan đăng ký kinh doanh còn yếu kém và không hiệu quả. ''4 năm liền, tôi có ý kiến về việc này nhưng chưa được chấp nhận!?'', ông tỏ ra bất lực.

''Người soạn thảo đang làm xét duyệt dự án cục bộ lợi ích quá!''

Chủ đề ''nóng'' của Toạ đàm vẫn xoay quanh việc dự thảo Luật đầu tư ''đẻ'' thêm nhiều giấy phép con. ''Tư duy quản lý xin-cho trong dự thảo Luật đầu tư chưa được cắt bỏ'', Luật sư Hải thẳng thắn nhận xét. Theo ông, quy định dự án 5-300 tỷ đồng chỉ cần đăng ký xin Giấy chấp nhận đầu tư thực ra cũng là một giấy phép cần bãi bỏ.

Luật sư Hải phát hiện dự thảo Luật doanh nghiệp và Luật đầu tư vênh nhau. Theo dự thảo Luật doanh nghiệp, nhà đầu tư có quyền lập doanh nghiệp không kèm theo dự án nhưng theo Luật đầu tư, phải được chấp thuận đầu tư mới được thành lập doanh nghiệp.

''Hai dự luật này như hai vợ chồng sống chung trong ''ngôi nhà'' Bộ Kế hoạch và Đầu tư, có vẻ đang cãi nhau và sắp ly dị'', ông ví von.

Ông Nguyễn Hoàng Hải, Tổng thư ký Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính VN tỷ mỷ liệt kê 10 tồn tại, như là những bước lùi của Luật đầu tư chung so với Luật khuyến khích đầu tư trong nước. Chẳng hạn, dự án trên 300 tỷ đồng buộc thẩm định tính khả thi, có thể chịu thêm nhiều cơ quan nhà nước xét duyệt. Dự án trên 1.500 tỷ đồng, như xây khu đô thị mới, ngoài xin phép UBND tỉnh, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng công ty nhà nước, có thể xin phép thêm Bộ kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ...

''Phải chăng đây (dự thảo Luật đầu tư) là văn bản của cơ quan đang cấp giấy phép, của một số cán bộ xét duyệt dự án. Tại sao phức tạp như vậy? Vì người soạn thảo đang làm xét duyệt dự án cục bộ lợi ích quá!'', ông Nguyễn Hoàng Hải thẳng thắn.

Ông cho biết đã tham gia 7 lần hội thảo về dự luật này, mất nhiều thời gian nhưng chỉ 15% ý kiến được tiếp thu còn 85% thì chưa. ''Không phải chỉ tranh luận đúng sai, biết hay không biết. Ai cũng biết cả! Mà đấu tranh để cải cách hành chính, phòng ngừa tham nhũng. Phải loại bỏ để chống tham nhũng trong xây dựng luật! Bóp chết tham nhũng ngay từ khi làm luật!'', ông lớn tiếng.

''Có ý kiến không nên thông qua luật này vào cuối năm. Nhưng Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính có thể giúp Quốc hội làm ngay, rút gọn còn 40 điều. Không có gì phức tạp mà phức tạp chính ở con người làm luật'', ông Nguyễn Hoàng Hải chưa nguôi bức xúc.

Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Kế hoạch và Đầu tư Phạm Mạnh Dũng thanh minh: ''Trong quá trình làm luật không chỉ có các vụ của Bộ tham gia. Không phải Bộ ôm vào tạo cơ sở cho tham nhũng! Nói tạo cơ sở cho tham nhũng là hơi oan!''.

Các văn bản liên quan