Dự thảo luật Bồi thường nhà nước: chưa đáp ứng được mong đợi của người dân

Thứ Ba 14:29 16-10-2007


Dự thảo Luật Bồi thường nhà nước:
Chưa đáp ứng được mong đợi của người dân


Những hành vi gây thiệt hại cho công dân trong hoạt động của công chức thuộc cơ quan hành chính đều phải bồi thường thiệt hại.

Cần mở rộng phạm vi điều chỉnh của luật, xử sai án dân sự cũng phải bồi thường.
 
Án dân sự cũng có”oan sai”

Các quy định về bồi thường thiệt hại do công chức nhà nước gây ra đã được ban hành từ khi Bộ luật Dân sự 1995 ra đời. Tuy nhiên, các quy định này gần như không thể thực hiện được do thiếu các quy định cụ thể về một cơ chế xác định trách nhiệm bồi thường, cũng như các thủ tục để người dân khiếu nại, khởi kiện đòi bồi thường. Việc bồi thường thiệt hại do công chức nhà nước gây ra chỉ được hiện thực hóa một phần khi có Nghị quyết 388 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ban hành năm 2004. Tuy nhiên, Nghị quyết 388 chỉ giới hạn việc bồi thường trong lĩnh vực điều tra, truy tố, xét xử oan sai của các cơ quan tiến hành tố tụnh hình sự. Vì thế, đến nay vẫn chưa có một cơ chế để tất cả các công chức nhà nước phải chịu trách nhiệm trước công dân đối với thiệt hại họ đã gây ra trong quá trình thực thi công vụ.

Theo Dự thảo Luật Bồi thường nhà nước đang được xây dựng thì tới đây, tất cả các hoạt động của công chức trong lĩnh vực quản lý hành chính và tư pháp mà gây ra thiệt hại cho công dân đều phải bồi thường. Trong quá trình thực thi công vụ, công chức có vi phạm pháp luât hoặc thực hiện không đúng bổn phận, chức trách được giao mà gây thiệt hại đến quyền và tài sản của công dân sẽ phải bồi thường. Dự thảo luật cũng đã đưa vào các quy định về bồi thường thiệt hại trong hoạt động tố tụng hình sự đã được quy định trong Nghị định 47 năm 1997 và Nghị quyết 388 năm 2003. Tuy nhiên, Dự thảo luật đã bỏ qua vấn đề bồi thường thiệt hại đối với các trường hợp án xử sai trong lĩnh vực tố tụng hành chính và dân sự, kinh tế, thương mại. Theo ý kiến của một số thành viên Ban soạn thảo Dự thảo luật thì lĩnh vực dân sự đã có các cấp tòa án giải quyết theo trình tự phúc thẩm và giám đốc thẩm, không có oan sai nên việc đặt ra vấn đề bồi thường oan sai trong lĩnh vực tố tụng dân sự là không cần thiết. Vì thế nội dung này đã không được đưa vào trong Dự thảo luật.

Việc không đưa trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong hoạt động tố tụng dân sự vào điều chỉnh trong Dự thảo luật đã gây thất vọng cho nhiều người hoạt động trong lĩnh vực tư pháp, liên quan đến các vụ án dân sự, đặc biệt là giới luật sư. Theo luật sư Trần Hoàng Anh, rất nhiều người dân chờ đợi các quy định của pháp luật về bồi thường thiệt hại trong hoạt động tố tụng dân sự của các Tòa án để họ được thực hiện quyền đòi bồi thường của mình, bởi đang có rất nhiều vụ án kinh tế, dân sự bị xử sai, hoạt động tố tụng không đúng pháp luật, gây thiệt hại lớn cho công dân. Thế nhưng, Dự thảo luật lại không xây dựng cơ chế để người dân bảo vệ quyền lợi của mình. Đến nay, tình trạng tòa xử sai nhưng chưa ai “xử tòa” vẫn tồn tại trong tố tụng dân sự và cũng chưa có cơ chế nào để buộc tòa phải chịu trách nhiệm cho việc xử sai của thẩm phán. Theo luật sư Nguyễn Minh Anh, các công dân thường xuyên phải đối diện với những việc làm không tròn bổn phận của đội ngũ cán bộ Tòa án. Rất nhiều bản án dân sự đã được thi hành những phải hủy bỏ do xử sai, hậu quả là thiệt hại đối với người dân đang là thực tế. Không có căn cứ nào để khẳng định rằng Tòa án sẽ không sai trong việc giải quyết các tranh chấp kinh tế, dân sự và hành chính. Vì vậy, việc nêu ra quan điểm rằng không có “oan sai” trong tố tụng dân sự để không đặt ra cơ chế trách nhiệm của công chức, vô tình đã tạo ra một lỗ hổng pháp luật để tình trạng “án dân sự muốn xử kiểu gì cũng được” tồn tại.

Chưa có cơ chế xác định thiệt hại

Một số vấn đề cũng được nhiều người quan tâm là trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho công dân thuộc về cơ quan nào? Cơ chế bồi thường thực hiện ra sao? Theo quy định của Dự thảo luật thì Bộ Tư pháp là cơ quan nhà nước ở Trung ương đứng ra thực hiện việc giải quyết bồi thường cho công dân đối với những việc bồi thường do cơ quan nhà nước ở Trung ương gây ra. Đối với các địa phương thì Sở Tư pháp sẽ là cơ quan đứng ra giải quyết bồi thường cho công dân. Cơ quan quản lý công chức và bản thân công chức đã có hành vi gây thiệt hại cho công dân có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan giải quyết bồi thường để giải quyết vụ việc. Vấn đề này hiện tại vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau, dù chưa lấy được ý kiến rộng rãi trong nhân dân. Theo PGS, TS, LS Phạm Hồng Hải, việc bồi thường thiệt hại nên để chính cơ quan nhà nước có công chức gây thiệt hại đứng ra bồi thường cho công dân. Việc làm này sẽ nhằm nâng cao trách nhiệm của các công chức, cũng như các cơ quan quản lý. Bởi, khi phải đứng ra trả tiền cho những sai phạm của mình, người ta mới ý thức được rõ ràng hơn trách nhiệm với công dân. Hơn nữa, bản thân công dân cũng muốn những người làm sai phải trực tiếp bồi thường, như thế mới công bằng.

Vấn đề khó khăn nhất trong việc bồi thường thiệt hại cho công dân, mà hiện nay các cơ quan có thẩm quyền đang giải quyết là việc xác định mức độ thiệt hại cũng như cơ chế giải quyết bồi thường cho công dân. Hầu hết các vụ yêu cầu bồi thường đã và đang giải quyết đều có mâu thuẫn giữa cơ quan phải bồi thường và người yêu cầu bồi thường trong việc xác định mức độ thiệt hại. Vì thế, gần như tất cả các vụ yêu cầu bồi thường thiệt hại đều phải đưa ra tòa để giải quyết. Không ít trường hợp, bản án dân sự về bồi thường thiệt hại cũng bị coi là xử sai, gây thiệt hại cho công dân. Hệ quả là, tình trạng đòi bồi thường trở thành cái vòng luẩn quẩn mà người bị thua thiệt sau cùng là công dân. Song, trong Dự thảo luật này chưa quy định cơ chế xác định thiệt hại và những thiệt hại nào mà cơ quan nhà nước có nghĩa vụ bồi thường. Vì thế, các ý kiến cho rằng Dự luật phải có quy định cụ thể về vấn đề này cần được cơ quan soạn thảo xem xét kỹ lưỡng.

Là những người có thể bị thiệt hại do công chức gây ra, các công dân và tổ chức quan tâm đến 3 vấn đề chính của Dự thảo này là: Những hành vi nào của công chức gây thiệt hại thì phải bồi thường; những thiệt hại nào được bồi thường và cơ quan đứng ra bồi thường. Tuy nhiên, đã qua bản Dự thảo lần 3, nhưng Dự thảo Luật Bồi thường nhà nước vẫn chưa làm các công dân - người được Dự luật này bảo vệ - thỏa mãn. Bởi, Dự thảo luật vẫn chưa xác định đầy đủ hành vi của công chức có thể gây thiệt hại cho công dân, dẫn đến việc còn nhiều lĩnh vực mà người dân không được bảo vệ trước việc làm không đúng pháp luật và bổn phận của đội ngũ công chức. Quy định về thiệt hại được bồi thường chưa rõ ràng sẽ dẫn đến tình trạng giữa người được bồi thường và người phải bồi thường lại phải kéo nhau ra tòa để giải quyết. Những vấn đề này cần được xem xét kỹ hơn để đạo luật đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn. 
 
PGS.TS.LS Phạm Hồng Hải -  Chủ nhiệm ĐLS Hà Nội

Việc cho rằng trong tố tụng dân sự không có án sai và đã có các cấp xét xử phúc thẩm, cũng như thủ tục giám đốc thẩm để không đưa các hành vi của công chức trong tố tụng dân sự vào điều chỉnh trong Luật này là không thuyết phục. Tố tụng dân sự và tố tụng hình sự nước ta giống nhau về cấp xét xử. Hiện nay, đang có rất nhiều vụ án dân sự xử sai mà người dân bị thiệt hại thực tế về tài sản nhưng họ lại không được bồi thường là bất hợp lý. Mọi hoạt động của công chức đều tiềm ẩn những nguy cơ sai phạm một cách cố ý hay vô ý, ngoài việc không tuân thủ pháp luật còn có việc lơ là thiếu trách nhiệm, kể cả trong tố tụng dân sự. Vì thế, quyền lợi và tài sản của công dân luôn bị đe dọa bị gây thiệt hại. Do đó, tôi cho rằng cần phải đưa các hoạt động trong tố tụng dân sự vào điều chỉnh trong Luật này. Đây là điều mà các chuyên gia nước ngoài và nhiều đại diện của công dân, doanh nghiệp rất đồng tình ủng hộ.

Xuân Bính - Theo Pháp luật VN ngày 26/9/2007

Các văn bản liên quan