Bản góp ý của VCCI

Thứ Hai 15:15 22-10-2007


PHÒNG THƯƠNG MẠI
VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM
................................................
Số:                           /PTM-PC


CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
...................................................
Hà Nội,  ngày 16 tháng10 năm 2007


 
Kính gửi:     CỤC TRỒNG TRỌT
          BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

V/v: Góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 113/2003/NĐ-CP ngày 07/10/2003 của Chính phủ

  Phúc đáp Công văn số 933/TT-PCTTr ngày 11 tháng 09 năm 2007 của Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 113/2003/NĐ-CP ngày 07/10/2003 của Chính phủvề quản lý sản xuất, kinh doanh phân bón, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam có một số ý kiến như sau:

1. Nhận xét chung

Để đảm bảo tính khả thi và hiệu quả, về nguyên tắc Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 113/2003/NĐ-CP cần đáp ứng các yêu cầu sau:

-  Các nội dung quy định trong Dự thảo phải thống nhất với các quy định của pháp luật có liên quan về quản lý sản xuất, kinh doanh phân bón và bảo vệ sức khoẻ cho người, động vật, bảo vệ môi trường; tránh chồng chéo và mâu thuẫn giữa các quy định này.

-  Các nội dung quy định trong Dự thảo cần đảm bảo tính cụ thể, rõ ràng, dễ hiểu và dễ áp dụng.

2. Các nội dung góp ý cụ thể

2.1. Điều 1 sửa đổi, bổ sung về “Phạm vi điều chỉnh”

Theo chúng tôi, ngoài những mục đích như đã nêu trong Điều này, việc đăng ký khảo nghiệm, công nhận phân bón, đặt tên phân bón mới, đổi tên phân bón… còn góp phần bảo vệ sức khoẻ cho người, động vật nữa. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo bổ sung: “…góp phần nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng, đồng thời bảo vệ sức khoẻ cho người, động vật, bảo vệ độ phì nhiêu của đất và môi trường sinh thái”.

2.2. Điều 2 sửa đổi, bổ sung về các loại phân bón

Ban soạn thảo cần bổ sung một loại phân bón nữa là “Phân bón rễ”, bởi trên thực tế, các loại phân bón rễ chiếm một tỷ trọng lớn trong các loại phân bón nói chung.

2.3. Điều 4 sửa đổi, bổ sung về “Giải thích từ ngữ”

-  Quy định tại khoản 17: Ban soạn thảo nên viết rõ là “…có nguồn gốc từ chất thải của người, động vật…”.

-  Trong phần “Phạm vi điều chỉnh” ở Điều 1 của Dự thảo có nhắc đến cụm từ “việc đăng ký khảo nghiệm” và Điều 17 có cụm từ “Khảo nghiệm phân bón”. Đây là những cụm từ chuyên môn mà không phải ai cũng có thể hiểu được, vì vậy, Ban soạn thảo nên giải thích nghĩa của những cụm từ này trong Điều 4 “Giải thích từ ngữ”.

Tương tự, Ban soạn thảo cũng nên giải thích khái niệm “Chất điều hoà sinh trưởng đơn thuần”“Chất bám dính” để tránh sự hiểu không thống nhất và áp dụng sai trên thực tế.

Một số từ ngữ trong Dự thảo Nghị định chưa rõ nghĩa, có thể gây khó khăn cho người đọc, chẳng hạn như cụm từ “các phế phụ phẩm” tại khoản 17 của Điều 4 (Giải thích từ ngữ), đề nghị Ban soạn thảo làm rõ hơn.

2.4. Điều 5 sửa đổi, bổ sung

Nội dung của khoản 2 Điều 5 còn chung chung. Để đảm bảo tính thực thi, đề nghị Ban soạn thảo không đưa vào trong Dự thảo, trừ khi đã có các quy định pháp luật quy định thế nào là máy móc, thiết bị phù hợp.

2.5. Điều 10 sửa đổi, bổ sung

Cấm nhập khẩu các loại phân bón không được phép sử dụng là điều cần thiết. Tuy nhiên, do các quốc gia có những tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật khác nhau nên phân bón không được phép sử dụng ở một nước lại có thể được phép sử dụng ở nước khác. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ các trường hợp cấm nhập khẩu cụ thể để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động nhập khẩu của doanh nghiệp.

2.6. Điều 19 sửa đổi, bổ sung

-  Điểm c khoản 3 Điều 19 sửa đổi, bổ sung quy định: “…phải thực hiện theo quy định tại điểm a, b, c khoản 2 Điều này”, nhưng Điều này lại không có khoản 2, đề nghị Ban soạn thảo rà soát và kiểm tra lại.

-  Để tránh sự hiểu nhầm về Chủ thể được quyền đổi tên phân bón, mục a khoản 4 Điều 19 nên viết đảo lại là: “Tổ chức, cá nhân trong quá trình sản xuất được quyền đổi tên phân bón”.

2.7. Điều 21 sửa đổi, bổ sung

Tại khoản 6, khoản 8 và khoản 9 Điều 21 cần thêm cụm từ “trừ phân bón vô cơ” vào cuối cho phù hợp với các quy định khác của Điều này.

2.8. Điều 22 sửa đổi, bổ sung

Điều 21 quy định trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong quá trình sử dụng, sản xuất và kinh doanh phân bón (trừ phân bón vô cơ), vậy tại sao Điều 22 khi quy định trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ Công thương đối với phân bón vô cơ lại chỉ quy định về quá trình sản xuất? Đề nghị Ban soạn thảo xem xét, viết lại nội dung của Điều 22 cho thống nhất với nội dung của Điều 21.

Trên đây là một số ý kiến góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 113/2003/NĐ-CP về Quản lý sản xuất, kinh doanh phân bón. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam trân trọng gửi tới Quý cơ quan nghiên cứu, hoàn thiện Dự thảo.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của Quý cơ quan.
 


 
Nơi nhận:
-         Như trên
-         Lưu VT, PC


KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC
 
 
 
 
HOÀNG VĂN DŨNG


 
 
 

Các văn bản liên quan