Dự thảo Luật Bảo vệ người tiêu dùng: Người tiêu dùng sẽ không phải chứng minh lỗi

Thứ Năm 08:05 03-09-2009

Đề xuất thành lập trung tâm hoà giải chuyên nghiệp, lập Quỹ bảo vệ người tiêu dùng (NTD), đặc biệt là quy định nhiệm vụ chứng minh về lỗi không thuộc trách nhiệm của NTD mà thuộc về thương nhân là những điểm mới trong dự thảo Luật Bảo vệ người tiêu dùng vừa được đưa ra lấy ý kiến của các nhà quản lý, nghiên cứu.

Nhiều điểm mới

Dự thảo 4 Luật Bảo vệ người tiêu dùng (DT4) gồm 9 chương, 71 điều đã đề cập đến nhiều vấn đề nhằm bảo vệ đến mức cao nhất cho người tiêu dùng.

Trong đó, có thể thấy Chương 5 - Giải quyết tranh chấp giữa NTD và thương nhân là một trong những đột phá của dự thảo lần này. Đáng chú ý, theo ông Đặng Hoàng Hải - Phó cục trưởng Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương), so với pháp lệnh hiện tại thì dự thảo này đưa thêm phần giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hành chính. Tại Điều 36 quy định, cơ quan bảo vệ NTD tại địa phương có thẩm quyền giải quyết khiếu nại của NTD trong trường hợp đủ các yếu tố sau: Một là, một trong các bên từ chối thương lượng, hoà giải hoặc giải quyết không thành; hai là, giao dịch có giá trị nhỏ đến 100 triệu đồng; ba là, tranh chấp phát sinh từ một trong những hành vi của thương nhân (như không cung cấp hàng hoá, dịch vụ sau khi đã giao kết, hoặc cung cấp không đúng, không thực hiện bảo hành như đã cam kết...). “Đặc biệt, cũng tại Chương 5, Ban soạn thảo cũng đề xuất mô hình Trung tâm hoà giải chuyên nghiệp, là tổ chức phi lợi nhuận, có tư cách pháp nhân, tự chủ về tài chính, có ít nhất 5 sáng lập viên đủ tiêu chuẩn. Ngoài ra, từ thực tế cho thấy, trong rất nhiều vụ tranh chấp, việc người tiêu dùng phải chứng minh lỗi do bên bị đơn (thương nhân) gây ra là rất khó khi họ không có khả năng giám định cũng như hiểu biết khác về quy trình, thủ tục... Do vậy, chúng tôi cũng đưa vào dự thảo này quy định về nhiệm vụ chứng minh lỗi. Theo đó, trách nhiệm chứng minh lỗi sẽ thuộc về thương nhân. Điều này hy vọng sẽ đảm bảo lợi ích của NTD”, ông Hải nói.

Cần sửa đổi nhiều

Tuy có nhiều điểm mới song theo ThS. Trần Thị Quang Hồng (Viện Khoa học Pháp lý), dự thảo Luật Bảo vệ NTD cần phải được xem xét toàn diện, tránh viện dẫn. Hiện dự thảo vẫn còn những quy định mang tính viện dẫn khi quy định về cơ chế bảo vệ NTD, chẳng hạn tại Điều 15 về Trách nhiệm đảm bảo an toàn cho NTD, khoản 1 quy định thương nhân có trách nhiệm: “Chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật về đảm bảo an toàn sản phẩm”. Rõ ràng, không thể phủ nhận được vai trò quan trọng của các đạo luật chuyên ngành trong việc đảm bảo tính an toàn của các sản phẩm được cung cấp cho NTD, tuy nhiên, với tư cách là một đạo luật mang tính nền tảng, Luật Bảo vệ NTD cần khẳng định: thương nhân, trong phạm vi hiểu biết và khả năng của mình, có trách nhiệm đảm bảo các sản phẩm cung cấp cho NTD là an toàn. Điều này cần phải được cụ thể hoá chứ không thể mang tính chung chung.

Về vấn đề khôi phục quyền lợi NTD, theo bà Hồng, dự thảo cần xác định các cách thức xác định thiệt hại khi thiệt hại không cụ thể. Chẳng hạn, NTD dùng nước mắm có 3-MCPD, mặc dù khoa học đã chứng minh, chất 3-MCPD gây hại nhưng mức độ thiệt hại cụ thể như thế nào rất khó nhận biết. Vì vậy, trong những trường hợp nhất định có thể xác định thiệt hại không phải đối với từng NTD mà với cộng đồng NTD nói chung.

TS. Nguyễn Vân Anh (Trung tâm Pháp luật cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng - Trường Đại học Luật Hà Nội) cho rằng: Khoản 1, Điều 17 quy định thương nhân sản xuất sản phẩm có trách nhiệm bồi thường thiệt hại gây cho người tiêu dùng trong cả trường hợp thương nhân đó không có lỗi là chưa hợp lý, bởi lẽ trách nhiệm bồi thường thiệt hại chỉ đặt ra khi bên vi phạm có lỗi. Mặt khác, nếu khi mua hàng, NTD đã được cảnh báo về khuyết tật của sản phẩm nhưng vẫn cố tình mua thì sau đó không thể bắt thương nhân phải bồi thường.

Ngoài ra, theo bà Vân Anh, dự thảo quy định rất nhiều về trách nhiệm của thương nhân nhưng lại không nêu rõ, cụ thể nếu thương nhân vi phạm, không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm của mình thì sẽ phải chịu chế tài gì, mức độ xử phạt ra sao?

Các văn bản liên quan