Đơn giản hoá hệ thống giấy phép kinh doanh là một bước quan trọng trong tiến trình cải cách quy chế hành chính ở Việt Nam

Thứ Năm 15:38 06-07-2006


Đơn giản hoá hệ thống giấy phép kinh doanh là một bước quan trọng trong tiến trình cải cách quy chế hành chính ở Việt Nam.

Cuối năm 1999, Thủ tướng ra quyết định thành lập Tổ Công tác thi hành Luật Doanh nghiệp để chịu trách nhiệm giám sát việc thi hành khi bộ luật này có hiệu lực từ năm 2000. Trong hai năm đầu hoạt động, Tổ công tác đã hỗ trợ Chính phủ bãi bỏ được 160 Giấy phép kinh doanh (GPKD) không còn cần thiết trong tổng số 353 giấy phép đang có hiệu lực vào thời điểm đó.

Tuy nhiên, từ năm 2003 trở lại đây, nỗ lực này có phần bị hạn chế đáng kể, bằng chứng là Chính phủ chỉ bãi bỏ được 3 giấy phép trong tổng số 80 giấy phép được Tổ công các đề nghị bãi bỏ. Trong khi đó, GPKD và các điều kiện kinh doanh (ĐKKD) khác không những không có xu hướng giảm mà ngày càng gia tăng và tái xuất hiện dưới các hình thức khác của những giấy phép từng bị bãi bỏ.

Cộng đồng doanh nghiệp đang rất bức xúc vì việc sử dụng tràn lan GPKD và ĐKKD là một rào cản lớn trong kinh doanh, làm tăng chi phí gia nhập thị trường và hoạt động doanh nghiệp, đồng thời hạn chế quyền tự do kinh doanh của họ. Họ luôn kêu gọi Chính phủ ưu tiên cải cách hệ thống giấy phép kinh doanh trong tiến trình cải thiện môi trường kinh doanh. Những quan tâm này của cộng đồng doanh nghiệp sẽ được đáp ứng trong Nghị định về quản lý nhà nước về GPKD, một trong những nghị định hướng dẫn thi hành Luật Doanh nghiệp 2005 sẽ có hiệu lực vào ngày 1 tháng 7 năm 2006.

Bản tin này sẽ bàn luận về những bất cập trong việc sử dụng công cụ GPKD cũng như những giải pháp để GPKD được sử dụng hữu hiệu hơn ở Việt Nam.

I. Tại sao cần công cụ giấy phép kinh doanh

Theo Tổ chức hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), giấy phép kinh doanh được hiểu là sự chấp thuận bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền dưới mọi hình thức mà một cá nhân, tổ chức phải có để tiến hành một hoặc một số hoạt động kinh doanh nhất định. GPKD, cũng như hầu hết các quy định hành chính khác, thường được sử dụng cho những mục đích bảo vệ lợi ích và trật tự công cộng như như đảm bảo an ninh, bảo vệ môi trường hay bảo vệ người tiêu dùng. GPKD chỉ là một công cụ quản lý hiệu quả nếu nó đem lại lợi ích chung cho toàn xã hội mà không tạo một gánh nặng quá lớn lên đối tượng bị kiểm soát cũng như cộng đồng. Trái lại, công cụ quản lý này nếu không được sử dụng một cách hợp lý sẽ có nguy cơ làm tăng chi phí gia nhập thị trường và hoạt động kinh doanh và nghiêm trọng hơn là hạn chế quyền tự do kinh doanh của công dân. Thách thức lớn nhất đối với chính phủ một nước là hài hoà giữa quyền tự do kinh doanh của công dân và bảo vệ các lợi ích công cộng.

II. Còn nhiều bất cập trong hệ thống giấy phép và điều kiện kinh doanh của Việt Nam

Trong những năm gần đây, cộng đồng doanh nghiệp thường phàn nàn về một số bất cập trong hệ thống GPKD hiện hành. Trước hết là vấn đề cơ sở pháp lý và giá trị hiệu lục của các quy định về GPKD. Nhiều GPKD do các Bộ và một số chính quyền địa phương ban hành trong khi theo quy định của Luật Doanh nghiệp 1999, chỉ có Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội và Chính phủ mới có thẩm quyền này. Hơn nữa rất nhiều GPKD và ĐKKD được sử dụng không có mục đích rõ ràng, không hiểu để bảo vệ và phục vụ những lợi ích gì.

Thứ hai, việc thực thi cấp phép còn thiếu minh bạch thể hiện ở nhiều khía cạnh:i) tiêu chí để cơ quan hành chính cấp phép hoặc từ chối cấp phép không rõ ràng; ii) quyết định cấp phép phụ thuộc quá nhiều vào ý chí chủ quan của cơ quan cấp phép; iii) doanh nghiệp bị từ chối cấp phép thường không được giải thích rõ nguyên nhân cũng không được chỉ dẫn cơ chế để khiếu nại những quyết định này. Trong một khảo sát gần đây, nhiều doanh nhân đã cho biết họ bị cơ quan có thẩm quyền từ chối cấp phép với lý do rất chung chung như không phù hợp với quy hoạch kinh tế - xã hội của địa phương, hay có dấu hiệu kinh doanh ngầm, khó kiểm soát hay có thầm ẩn nguy cơ xấu cho xã hội.

Bất cập thứ ba liên quan đến những hạn chế của cơ quan ban hành các quy định về GPKD và ĐKKD. Theo Tổ công tác thi hành Luật Doanh nghiệp, thách thức lớn nhất trong quá trình rà soát và loại bỏ những GPKD không cần thiết là việc thương lượng với các cơ quan chủ quản ban hành các loại giấy phép này. Một thực tiễn trong cải cách cần lưu ý là việc bãi bỏ một số GPKD mà không thay đổi triệt để cách làm luật của các cơ quan hành chính thường không làm thay đổi được “bản chất sự việc” – các cơ quan này thường tìm cách mở rộng quyền lực của mình thông qua việc tái ban hành các luật lệ cũ dưới hình thức mới. Bất chấp những thành công ban đầu của Tổ Công tác, trong những năm gần đây tiếp tục xuất nhiện nhiều GPKD đã bị bãi bỏ lại “tái xuất”; hiện nay tổng số có hơn 300 GPKD và ĐKKD dưới dạng văn bản của các bộ ngành và một lượng lớn những GPKD bất thành văn (chưa thể thống kê được con số cụ thể) của các cấp địa phương khác nhau. Ngoài ra việc giám sát tuân thủ các GPKD và ĐKKD được thực hiện kém hiệu quả do năng lực của cơ quan cấp phép còn quá hạn chế.
III. Một khung pháp lý chặt chẽ về quản lý và gián sát của Nhà nước đối với việc soạn thảo, ban hành và thực thi các quy định liên quan đến GPKD là một yêu cầu cần thiết ở Việt Nam.
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, rà soát và bãi bỏ những GPKD không còn thích hợp là việc làm cần thiết nhưng chưa giải quyết được tận gốc vấn đề. Để cải cách triệt để hệ thống GPKD và hướng tới những mục tiêu dài hạn (đảm bảo quyền tự do kinh doanh, giảm chi phí tuân thủ các quy chế hành chính và cải thiện môi trường kinh doanh), cần thực hiện một số thay đổi trong ba lĩnh vực cơ bản: i) giám sát quá trình ban hành văn bản pháp luật liên quan đến GPKD và ĐKKD, ii) giám sát quy tình cấp phép kinh doanh; và iii) tạo dựng thiết chế cho người dân thực hiện tố quyền, yêu cầu các cơ quan hành pháp, tư pháp huỷ các văn bản hạn chế quyền tự do kinh doanh một cách bất hợp lý.

Là một trong bốn nghị định hướng dẫn thi hành Luật Doanh nghiệp 2005, Nghị định về quản lý Nhà nước đối với GPKD là một bước đi quan trọng trong việc tạo lập một thế chế giám sát việc ban hành và thực thi GPKD ở Việt Nam. Nghị định đưa ra những nguyên tắc cơ quản để xác định những hoạt động kinh doanh được quản lý bằng giấy phép cũng như những nguyên tắc cơ quản của GPKD. Nghị định cũng áp dụng một số kinh nghiệm quốc tế về quy trình làm luật trong cải cách quy chế hành chính được OECD khuyến nghị như: i) nội dung cần có của một GPKD, trong đó đặc biệt nhấn mạnh nội dung về cơ chế khiếu nại và khởi kiện hành chính trong trường hợp người xin cấp phép bị từ chối hoặc kéo dài thời hạn cấp phép, ii)thủ tục bắt buộc trong ban hành GPKD như dự báo đánh giá tác động của GPKD, tham vấn các bên có liên quan, điều trần của cơ quan soạn thảo trong trường hợp GPKD có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều bên; và iii) thủ tục và thời hạn xử lý hồ sơ cấp phép dựa trên nguyên tắc công bằng, khách quan và minh bạch.

Để có khả năng thực thi triệt để trong thực tiễn, Nghị định kiến nghị thành lập hai cơ quan. Hội đồng quốc gia và Văn phòng Chính phủ đăng ký GPKD. Hội đồng quốc gia do Thủ tướng Chính phủ thành lập với sự tham gia của nhiều thành phần liên quan, trong đó có sự tham gia của khối doanh nghiệp tư nhân, nhằm giám sát quy trình soạn thảo và trực tiếp tham gia phản biện để đảm bảo tính cần thiết, hợp lý, hiệu quả và đầy đủ các quy định về GPKD.

Văn phòng đăng ký GPKD được thành lập sẽ cung cấp đầy đủ thông tin cho các doanh nghiệp về nhà quản lý, đảm bảo tính công khai và minh bạch của các quy định về GPKD. Hai cơ quan này sẽ góp phần tạo một nỗ lực thường xuyên rà soát hệ thống GPKD hiện có cũng như kiểm soát những GPKD mới ban hành.

Bản tin môi trường pháp luật kinh doanh
 

Các văn bản liên quan