Ý kiến của Ông Phạm Duy Nghĩa, Trưởng Bộ môn Luật Kinh doanh, ĐH Quốc gia HN

Thứ Năm 15:32 06-07-2006

Ở nước nào cũng tồn tại mâu thuẫn giữa sự cần thiết phải kiểm soát của Nhà nước và sự tự do kinh doanh của công dân. Người kinh doanh muốn được tự do và ít bị ràng buộc quản lý, nhưng nhà nước lại có những lợi ích công cần bảo vệ (như an toàn thực phẩm, môi trường, an ninh…). Đứng về quan điểm nhà nghiên cứu thì tôi cho rằng GPKD và ĐKKD là hành vi hành chính cần thiết để bảo vệ lợi ích và trật tự công cộng.

Khuyết tật lớn nhất trong việc cấp phép ở Việt Nam là tồn tại tư duy coi cấp phép kinh doanh như là điều kiện để được gia nhập thị trường (ex ante), tức là Nhà nước kiểm soát và ngăn chặn từ đầu. Hệ luỵ của cách tư duy về việc cấp phép ở Việt Nam là hiệu quả của công việc cấp phép thấp, chi phí hành chính cao, gây trở ngại đối với sự tự do trong kinh doanh. Trong khi đó, ở các nước khác, đây là những ĐKKD mà doanh nghiệp phải duy trì thường xuyên trong suốt thời gian kinh doanh (ex post). Chẳng hạn, ở nhiều nước, một người có thể mở cửa hàng ăn mà không cần phải xin cấp phép. Nhưng họ sẽ bị kiểm soát thường xuyên bởi hiệp hội ngành (như phải tham gia các khoá đào tạo về an toàn thực phẩm) hay qua kiểm tra đột xuất về việc tuân thủ các quy định về an toàn vệ sinh của cơ quan có thẩm quyền.

Hơn nữa, ở Việt Nam hiệu có rất nhiều loại giấy phép, các giấy phép lại được ban hành từ nhiều loại văn bản khác nhau. Các văn bản này còn xung đột và mâu thuẫn lẫn nhau như mâu thuẫn giữa văn bản với luật gốc, giữa văn bản ban hành tại địa phương với văn bản ban hành bởi trung ương, giữa văn bản của các bộ với văn bản của Chính phủ. Trong khi đó, Việt Nam chưa có toà bảo hiến để xem xét tính hợp hiến của các văn bản kiểu này. Toà bảo hiến mới là nơi giải quyết mâu thuẫn giữa các thể chế quyền lực và xem các văn bản pháp lý có hợp lệ hay không, có vi phạm các quy định trong các văn bản cao hơn hay không.

Nghị định này sẽ tạo nên dư luận, sức ép công chúng buộc Chính phủ phải thực hiện cải cách quy chế hành chính và nâng cao tính trách nhiệm của mình để có sự can thiệp hay phản ứng khi có ý kiến từ phía người dân, Tuy nhiên, Ban soạn thảo nên xem xét một số vấn đề sau.
Thứ nhất, về cơ sở pháp lý, một nghị định không thể điều chỉnh hay bãi bỏ các giấy phép xuất phát từ luật, pháp lệnh hay từ các đề nghị khác. Trong khi đó rất nhiều giấy phép được quy định tại các luật chuyên ngành như giấy phép về hướng dẫn viên du lịch do Luật Du lịch quy định, giấy phép về môi giới bất động sản do Luật Kinh doanh bất động sản…

Thứ hai, việc thành lập một uỷ ban lâm thời hay hội đồng quốc gia về GPKD có thể coi là biện pháp kịp thời nếu Chính phủ muốn thực sự cải cách lĩnh vực này khi chưa có các thiết chế bảo hiến. Nếu chúng ta có thể học tập cách người Hàn Quốc là lập ra một thiết chế giám sát (reviewer) mà mọi kênh ban hành giấy phép phải thông qua nó. Nó có quyền định ra các tiêu chuẩn cho việc ban hành các giấy phép (ví dụ lợi ích của giấy phép đem lại là phải cao hơn các chi phí mất đi từ sự hạn chế các quyền tự do kinh doanh), quy trình ban hành thế nào cho dân chủ và lấy ý kiến được rộng rãi, xem xét các giấy phép đang có hiện nay hiệu lực như thế nào, giá trị thế nào, có cần cắt giảm hay không. Tuy nhiên, mọi thiết chế chỉ có thể thành công nếu có một Chính phủ mạnh mẽ. Ở Việt Nam chỉ việc cải cách thường là được thực hiện trên cơ sở sự đồng thuận và do các sức ép ở dưới lên. Việc cắt bỏ một giấy phép phải dựa trên sự đồng thuận giữa người muốn bãi bỏ và người bị bãi bỏ nhưng việc đạt được sự đồng thuận này là không dễ.

Thứ ba, quy trình “tham vấn” phải là quá trình để làm nổi lên mọi xung đột lợi ích của các nhóm khác nhau đằng sau một dư luận về một chính sách nhất định. Để có được một quy trình tham vấn hiệu quả thì phải có các hiệp hội đủ mạnh để đại diện cho các nhóm lợi ích khác nhau, phải có cơ chế phản biện hiệu quả từ các chuyên gia độc lập hay các cơ quan đánh giá giám định độc lập, phải có một Quốc hội biết lắng nghe các luồng ý kiến khác nhau.

Thứ tư, với quy mô và cách thức làm luật như hiện nay ở nước ta, một năm Quốc hội có thể cho ra đời 23-24 đạo luật, Chính phủ cho ra đời đến 200 nghị định, các Bộ và các Uỷ ban cho ra đời hàng nghìn thông tư (tổng số có thể tới 10-15 nghìn văn bản quy trong một năm), không một Hội đồng nào đủ năng lực rà soát từng văn bản xem có sự mâu thuẫn, xung đột gì với các văn bản khác hay không. Giám sát của chính người dân chịu ảnh hưởng của luật lệ mới là quan trọng nhất. Khi họ thấy có những ảnh hưởng tới lợi ích hay các quyền của họ thì họ cần có một thiết chế để kêu lên, yêu cầu, gây sức ép buộc Chính phủ phải phản ứng xem xét lại những quy định đó. Làm luật không có nghĩa là cho người dân quyền này, quyền kia, mà phải tạo ra sự khống chế cơ quan công quyền, trên cơ sở người dân giám sát và cơ quyền khiếu nại khi cơ quan công quyền xâm hại đến quyền của người dân.

Các văn bản liên quan