Độc quyền và xử lý độc quyền

Thứ Ba 15:28 30-05-2006
PGS, TS. Nguyễn Như Phát
Viện Nhà nước và pháp luật


Pháp luật cạnh tranh chỉ xuất hiện trong cơ chế thị trường, nơi có hiện diện của tự do kinh doanh, tự do khế ước và tự do lập hội, vào đúng thời điểm mà hành vi cạnh tranh đi vượt quá biên giới của quyền tự do kinh doanh. Xét về tính chất và mục tiêu, pháp luật cạnh tranh là loại pháp luật nhằm ngăn cản, chống đối và trừng trị những hành vi cạnh tranh trái pháp luật, đạo đức và văn hóa kinh doanh. Thông qua đó, pháp luật cạnh tranh góp phần (1) tạo lập và thúc đẩy các cơ hội bình đẳng và không phân biệt đối xử trong cạnh tranh của các tổ chức, cá nhân kinh doanh; (2) bảo vệ và khuyến khích cạnh tranh lành mạnh; (3) ngăn chặn các hành vi hạn chế cạnh tranh và cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường; (4) bảo vệ lợi ích công cộng hay cộng đồng mà Nhà nước là người đại diện, quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và của người tiêu dùng. Pháp luật cạnh tranh vì vậy không trực tiếp góp phần vào việc tăng cường năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Về phương diện cơ cấu, (bất luận là việc một Nhà nước ban hành một hay nhiều văn bản pháp luật) chế định pháp luật cạnh tranh bao gồm những nội dung chủ yếu sau:
- Quy định những hành vi cạnh tranh bị cấm, bị kiểm soát,
- Quy định về tổ chức và hoạt động của cơ quan quản lý cạnh tranh,
- Quy định về trình tự và thủ tục xem xét đánh giá các hành vi cạnh tranh và khả năng áp dụng những biện pháp can thiệp của Nhà nước,
- Quy định về các chế tài và con đường tố tụng tại các cơ quan tòa án khi xuất hiện hành vi vi phạm.

Tuy nhiên, nội dung quan trọng nhất của pháp luật cạnh tranh là những quy định về những hành vi cạnh tranh bị cấm, bị kiểm soát.

Khi quy định những hành vi cạnh tranh, căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hại của hành vi, và theo đó là phương thức tiếp cận và trừng trị, pháp luật cạnh tranh phân chia các hành vi bị cấm thành hai nhóm:

- Nhóm các hành vi cạnh tranh không lành mạnh
- Nhóm các hành vi hạn chế cạnh tranh, hay còn gọi là kiểm soát độc quyền.

So với các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, thì tính chất, mức độ nguy hại của các thoả thuận, dàn xếp, liên kết nhằm hạn chế cạnh tranh (độc quyền hóa) gây ra hậu quả cho thị trường và xã hội lớn hơn gấp nhiều lần. Điều này thể hiện ở việc, các hành vi vi phạm không những xâm hại trực tiếp đến lợi ích của các chủ thể kinh doanh, lợi ích của người tiêu dùng xã hội, lợi ích của nền kinh tế nói chung, mà có thể chúng còn phá vỡ hay làm thay đổi cơ cấu, trật tự của một khu vực thị trường, một lĩnh vực, ngành hàng nhất định. Cũng vì lý do đó mà pháp luật cạnh tranh sẽ “cảnh giác”, nghiêm khắc và chủ động hơn trong việc ngăn ngừa những mối nguy hại này.

Trên tinh thần đó, pháp luật kiểm soát độc quyền thường đề cập đến ba vấn đề:
- Cấm các thỏa thuận hay dàn xếp nhằm hạn chế, thủ tiêu cạnh tranh (Các Ten),
- Kiểm soát các vụ sáp nhập doanh nghiệp (tập trung quyền lực kinh tế độc quyền hóa),
- Giám sát sự lạm dụng của các doanh nghiệp có vị thế thống lĩnh thị trường (lạm dụng vị thế thống lĩnh thị trường - độc quyền).
Những vấn đề này đã được Dự thảo Luật cạnh tranh đề cập riêng rẽ trong các Chương II, III và IV.

Tuy nhiên, đối với hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam, vấn đề xử lý các hiện tượng độc quyền của các doanh nghiệp (chủ yếu là doanh nghiệp nhà nước) lại đang được thảo luận khá sôi nổi trên diễn đàn Quốc hội.

Nhân đây, xin bàn thêm về vấn đề này như sau:
*Mục đích quan trọng nhất của mảng pháp luật về kiểm soát độc quyền là chống độc quyền hóa, hạn chế hay thủ tiêu cạnh tranh – động lực phát triển kinh tế. Một trong những biểu hiện của những hành vi này là ngăn cản không cho phép các đối thủ tiềm năng xâm nhập thị trường.
Trong khi đó, gần đây, trong các văn kiện chính trị, người ta thường bắt gặp khẩu hiệu thể hiện sự tán đồng với sự độc quyền Nhà nước và chống độc quyền doanh nghiệp trong một số ngành nghề nhất định. Mặc dù đây là một bước đi tiến bộ đáng kể trong tư duy về tự do hóa thương mại mà theo đó, buộc các doanh nghiệp nhà nước riêng rẽ phải cạnh tranh với nhau trong thị trường liên quan (relevate Market). Tuy nhiên, vấn đề ở đây còn phải suy nghĩ tiếp là, khi độc quyền Nhà nước còn được bảo lưu thì điều đó có nghĩa là nhà đầu tư nhà nước vẫn một mình bỏ vốn vào thương trường. Như vậy, các nhà đầu tư dân doanh và nước ngoài vẫn mãi mãi là các đối thủ tiềm năng của các doanh nghiệp hiện có trên thương trường. Nếu ở một phạm vi và mức độ đáng kể thì điều này sẽ đi ngược xu hướng tự do hóa thương mại hay nguyên tắc đối xử quốc gia mà ít nhất là ta đã cam kết với Hoa Kỳ trong hiệp định về quan hệ thương mại.

* Pháp luật chống độc quyền không có ý định và khả năng thủ tiêu triệt để mọi hiện tượng độc quyền trong cơ cấu thị trường. Vẫn biết rằng, độc quyền sẽ tạo sự sơ cứng cho phát triển kinh tế và vì thế, pháp luật cạnh tranh luôn tỉnh táo đề ngăn cản và dẹp bỏ mọi toan tính độc quyền hóa. Tuy nhiên, trong một số trường hợp cụ thể, vì lý do phải đảm bảo lợi ích công cộng, vì tính chất và điều kiện đặc thù nhất thời của một ngành hay lĩnh vực kinh tế (thí dụ sản xuất vũ khí hay các phương tiện bí mật nhà nước) cần thiết và có thể cho phép duy trì độc quyền trong một lĩnh vực với mức độ và điều kiện nhất định.

Bên cạnh trường hợp kể trên, thương trường còn biết đến những doanh nghiệp do sự lựa chọn độc đáo về ngành nghề kinh doanh, do thành công trong kinh doanh cũng như do nhiều lý do khác…mà bằng một cách hợp pháp và trung thực, vào một thời điểm nào đó, doanh nghiệp không có đối thủ cạnh tranh thực sự và nó trở thành một nhà độc quyền (độc quyền tự nhiên). Không có một Nhà nước hay pháp luật văn minh nào lại trừng trị những "gương sáng" trong kinh doanh này.

Ngoài ra, trong sự đặc thù Việt Nam, chúng ta còn biết đến một loạt các doanh nghiệp độc quyền sẵn có. Đó là một số các doanh nghiệp Nhà nước và một vài doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang chiếm vị thế độc quyền do "ngẫu nhiên" mà có.

Bản thân các nhà độc quyền như trên đều không “có tội” chỉ vì họ chiếm vị thế độc quyền. Bởi lẽ, một mặt, họ trở thành độc quyền không bằng con đường bị pháp luật cấm (thậm chí còn theo nhiều văn bản pháp luật) và mặt khác, pháp luật cạnh tranh đã đến muộn khi họ đã trở thành nhà độc quyền. Trong trường hợp này, và cả những hiện tượng độc quyền "được phép" trong tương lai, pháp luật không vì thế mà chịu "bó tay". Tuy nhiên cách can thiệp của pháp luật trong trường hợp này sẽ khác biệt mà cụ thể là chỉ giám sát sự lạm dụng vị thế độc quyền này gây thiệt hại cho các doanh nghiệp khác, cho khách hành hay đối thủ tiềm năng. Về mặt triết lý, cần hiểu rằng, khi đối xử với các nhà độc quyền, pháp luật cần nhìn nhận nó như một sự "thống nhất" tạm thời của của các mặt đối lập, như một sự "đứng yên" tương đối của sự vật và hiện tượng. Trong trường hợp này, Nhà nước và pháp luật cần xuất hiện dường như một "bàn tay hữu hình" để tạo đối trọng với nhà độc quyền. Cụ thể là Nhà nước tự mình hay khuyến khích các nhà đầu tư mới tham gia thương trường để phá vỡ thế độc quyền. Trước hơn hết, pháp luật cần cảnh giác để ngăn cản mọi hành vi lạm dụng sức mạnh kinh tế để hạn chế cạnh tranh như: phân biệt đối xử, bán phá giá, ấn định mức sản xuất, tẩy chay, giao dịch độc quyền…

* Xử lý và cảnh giới đối với các hiện tượng độc quyền nói riêng và các vi phạm pháp luật cạnh tranh nói chung, theo thông lệ thế giới, đều cần đến một nhà chuyên nghiệp. Đó là cơ quan quản lý nhà nước về cạnh tranh.
Theo kinh nghiệm xây dựng pháp luật về cạnh tranh của nhiều quốc gia trên thế giới, cơ quan quản lý cạnh tranh cần được xây dựng như một thực thể độc lập và có tính độc lập tương đối với các cơ quan khác của bộ máy Nhà nước. Công việc của cơ quan này một mặt, có thể ảnh hưởng sâu sắc tới lợi ích kinh doanh của những chủ thể kinh tế Nhà nước mà lợi ích của họ không phải lúc nào cũng trùng với lợi ích của người tiêu dùng xã hội.
Sự độc lập của cơ quan này không giống như sự độc lập xét xử của tòa án (mà khi thảo luận, đã có đại biểu Quốc hội lo ngại). Trước sau, nó vẫn là một cơ quan nằm ngoài hệ thống tư pháp song, khác với một cơ quan hành chính thông thường, cơ quan này và nhân viên của họ sẽ hoạt động không chịu sự chi phối từ cấp trên hay bên ngoài để độc lập xác định về tính chất và mức độ (biên giới) của các hành vi cạnh tranh bị cấm (những hành vi mà pháp luật không đo chính xác được). Đây là tiền đề rất quan trọng để áp dụng pháp luật cạnh tranh trên thực tế cũng như để tạo cơ sở cho tòa án phán xử. Điều này lại trở nên rất phù hợp trong thể chế hiến định của Việt Nam khi mà các cơ tòa án không có chức năng giải thích pháp luật còn ủy ban thường vụ Quốc hội dường như đã quên mất chức năng này.

Về chức năng và nhiệm vụ, cơ quan quản lý cạnh tranh có những chức năng, nhiệm vụ cơ bản như sau:

- Ban hành, phổ biến, tổ chức, hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật về cạnh tranh.
- Tổ chức thực hiện pháp luật về cạnh tranh, kiểm tra, kiểm soát việc thực thi áp dụng pháp luật, xử lý các vi phạm pháp luật về cạnh tranh theo thẩm quyền.
- Trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật về cạnh tranh, cơ quan quản lý cạnh tranh còn có nhiệm vụ tiếp thu sự phản hồi từ phía thị trường, phối hợp với các cơ quan chức năng có thẩm quyền liên quan nghiên cứu xây dựng chính sách cạnh tranh quốc gia cho từng thời kỳ, dự kiến nội dung, đề xuất bổ sung hoàn thiện các quy định pháp luật về cạnh tranh nhằm thoả mãn yêu cầu khách quan của nền kinh tế.
- Đề xuất, phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan xây dựng các giải pháp kiểm soát một cách có hiệu quả và hợp lý đối với những trường hợp độc quyền tự nhiên hay cần thiết phải duy trì tình trạng độc quyền.
Tại các diễn đàn, người ta thường lo ngại về khả năng độc lập của cơ quan này và tìm cách giải quyết vấn đề bằng vị trí của nó trong hệ thống tổ chức bộ máy. Hiển nhiên là những suy tính đó là hợp lý và chính đáng.

Tuy nhiên cũng cần thấy rằng, không phải việc cơ quan nào nằm trong cơ cấu của một hệ thống nào đó là đồng nghĩa với sự lệ thuộc của nó vào hệ thống. Trong một trật tự nhà nước pháp quyền, sự độc lập của một cơ quan, tổ chức lại được thiết lập bởi quy chế độc lập và việc thực hiện nó trên thực tế. Ngược lại, cũng trên thực tế, đã không thiếu các cơ quan tổ chức, khi sắp đặt đặt với mong muốn là chúng sẽ độc lập nhưng trên thực tế, khi hoạt động chúng bị chi phối bởi nhiều phía và kết cục là “đứng một mình” nhưng vẫn không độc lập.

Hy vọng rằng, điều suy tư này sẽ được lưu ý để thiết lập một cơ quan quản lý nhà nước về cạnh tranh hoạt động độc lập./.

Các văn bản liên quan