Góp ý của PGS.TS.Nguyễn Như Phát

Thứ Ba 15:28 30-05-2006
THỊ TRƯỜNG VÀ LUẬT CẠNH TRANH

Triết học Mác Xít dạy rằng, đấu tranh là động lực thúc đẩy sự vận động và phát triển của mọi hiện tượng và sự vật. áp dụng nguyên lý này vào hiện tượng kinh tế, các nhà tư tưởng và quản lý kinh tế XHCN trước đây đã coi công cụ kế hoạch hoá và phong trào thi đua XHCN là những nhân tố động lực của nền kinh tế kế hoạch. Trong bối cảnh như vậy, bối cảnh của sự độc quyền đầu tư, sản xuất và thương mại, khái niệm cạnh tranh được coi là xa lạ, không thể trở thành động lực phát triển kinh tế - trong khi điều đó được coi là hiển nhiên trong cơ chế thị trường. Điều này cũng là tất yếu vì cạnh tranh chỉ xuất hiện khi, về mặt pháp lý, có sự thừa nhận và thi hành các nguyên tắc về tự do kinh doanh, tự do khế ước và tự do lập hội. Còn về phương diện kinh tế, cạnh tranh chỉ có thể xuất hiện trong điều kiện của cơ chế thị trường, nơi mà cung cầu là cốt vật chất, giá cả là diện mạo và cạnh tranh là linh hồn sống của thị trường.

Do được thừa hưởng thành quả của tự do và chính vì sự bảo trợ của các nguyên tắc tự do nêu trên và sự giục giã của lợi ích kinh tế, nên các thành viên của thương trường có xu hướng hành xử vượt quá khỏi gianh giới của tự do, không “nhận thức được quy luật”. Bằng cách đó, họ sẽ xâm hại lợi ích của đối thủ cạnh tranh, của cộng đồng và có thể dẫn đến phá hoại, triệt tiêu cạnh tranh - động lực phát triển kinh tế. Cũng chính vì lý do đó, với tính cách là người đại diện chân chính cho lợi ích của cộng đồng, một Nhà nước đứng đắn của cơ chế thị trường phải đứng ra bảo hộ và khuyến khích cạnh tranh và tự do hoá thương mại. Để thực hiện sứ mạng cao cả này, Nhà nước có thể sử dụng nhiều công cụ khác nhau song, pháp luật, với những thuộc tính của nó, là công cụ hữu hiệu hơn cả.

Tuy nhiên, cần lưu ý là, vì phải tiếp cận từ mặt trái của các hành vi cạnh tranh, pháp luật cạnh tranh đứng ra nhằm chống lại những hành vi “tiêu cực” của các thành viên thương trường và vì vậy, xét về tính chất và mục đích, pháp luật cạnh tranh được liệt vào loại pháp luật bảo vệ thương trường, chống đối và nhăn cản những hành vi không được chấp nhận. Nói khác đi, pháp luật cạnh tranh có mục tiêu là bảo vệ sự “trong lành” của môi trường kinh doanh và vì thế, pháp luật cạnh tranh không trực tiếp góp phần vào việc nâng cao năng lực cạnh tranh của từng doanh nghiệp hay của toàn bộ nền kinh tế. Việc nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế được quyết định bởi các yếu tố quản lý, công nghệ, vốn ….

Khi điều chỉnh các hành vi cạnh tranh, xuất phát từ tính chất nguy hại và phạm vi lợi ích bị xâm hại thông qua các hành vi cạnh tranh cần bị “trừng trị”, pháp luật cạnh tranh phân biệt về quy định và phương thức “can thiệp” đối với hai nhóm hành vi cạnh tranh. Đó là nhóm hành vi cạnh tranh không lành mạnh và nhóm hành vi cạnh tranh mang tính độc quyền hoá, hạn chế cạnh tranh, ngăn cản sự gia nhập thương trường của các đối thủ cạnh tranh tiềm năng.

Cạnh tranh không lành mạnh là hành vi của đối thủ cạnh tranh mang các dấu hiệu:
- Vì mục tiêu cạnh tranh,
- Nhằm vào đối thủ cạnh tranh hiện hữu,
- Hành vi được thực hiện do sự vi phạm pháp luật hay đi ngược lại với đạo đức, tập quán kinh doanh tốt đẹp.
- Gây tổn hại cho đối thủ cạnh tranh và qua đó tìm cách tạo cho mình những mối lợi hoặc thế mạnh bất chính.

Như vậy, cạnh tranh không lành mạnh chỉ bị pháp luật “trừng trị” khi đối thủ cạnh tranh nhận thức được nguy cơ hay thực tế của sự tổn thất và từ đó họ tự quyết định nhờ đến sự can thiệp của pháp luật. Theo cách thức đó, về cơ bản, hành vi cạnh tranh không lành mạnh bị xử lý bằng phương pháp dân sự và chế tài dân sự. Vì vậy, ở đây dễ dàng áp dụng nguyên tắc “không có đơn kiện thì không có toà án”.

Trong khi đó, việc ký kết các thoả thuận nhằm hạn chế thủ tiêu hoặc hạn chế cạnh tranh vì mục tiêu độc quyền hoá; việc sáp nhập doanh nghiệp để hình thành những đối thủ khổng lồ, có khả năng uy hiếp những doanh nghiệp vừa và nhỏ; việc lạm dụng thế mạnh của những doanh nghiệp thống lĩnh thị trường để gây tổn hại cho các doanh nghiệp nhỏ...đôi khi sẽ làm sơ cứng thị trường, thủ tiêu cạnh tranh, ngăn cản việc gia nhập thị trường, chống lại tự do kinh doanh. Như vậy sự nguy hại của nhóm hành vi này là vô cùng lớn và trong trường hợp này lợi ích chung của toàn bộ thị trường sẽ bị đe doạ và đôi khi, không có lợi ích của một đối thủ cạnh tranh nào bị xâm hại (thí dụ trường hợp Các- ten).

Vì lý do đó, đối với nhóm hành vi này, công quyền phải “vào cuộc” với những phương pháp và chế tài pháp luật khác với loại hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Tại đây, phương pháp của luật công sẽ được áp dụng.
Như trên đã trình bầy, hành vi cạnh tranh bị coi là lành mạnh hay không lành mạnh còn bị chi phối bởi thực trạng và trình độ của văn hoá và tập quán kinh doanh. Các nước có nền kinh tế thị trường phát triển đã phải trải qua một bề dày lịch sử phát triển của văn hoá và tập quán kinh doanh để có được những “thước đo” về cạnh tranh lành mạnh như hiện nay. Điều này rút ra một kết luận là, không thể học ngay hết được kinh nghiệm của các nước có nền kinh tế và hệ thống pháp luật phát triển. Trong trường hợp này, việc “đi tắt đón đầu” cần phải được lựa chọn.

Vì bị pháp luật “canh gác” nên thủ thuật cạnh tranh không lành mạnh và độc quyền hoá luôn thay đổi và thuộc về sự “sáng tạo” vô tận của con người. Như vậy, pháp luật (vì phải đảm bảo tính ổn định nên) không thể liệt kê và lường trước được sự sáng tạo tiêu cực này. Vấn đề này đối với Việt Nam lại càng trở nên khó xử khi, theo thể chế Hiến pháp nước ta, toà án không có chức năng giải thích luật. Vì lẽ đó, để pháp luật cạnh tranh tới đây đi vào cuốc sống, cần phải tạo một cơ chế pháp lý và tổ chức linh hoạt có thể dễ dàng phản ứng kịp thời trước những biến đổi và biến tướng của các thủ thuật cạnh tranh.

Trước hết, vấn đề là cần thiết lập một cơ quan quản lý nhà nước về cạnh tranh đủ mạnh và hoạt động độc lập. Sự độc lập của cơ quan này không giống như sự độc lập xét xử của tòa án (mà khi thảo luận, đã có đại biểu Quốc hội lo ngại). Trước sau, nó vẫn là một cơ quan nằm ngoài hệ thống tư pháp song, khác với một cơ quan hành chính thông thường, cơ quan này và nhân viên của họ sẽ hoạt động không chịu sự chi phối từ cấp trên hay bên ngoài để độc lập xác định về tính chất và mức độ (biên giới) của các hành vi cạnh tranh bị cấm (những hành vi mà pháp luật không đo chính xác được). Đây là tiền đề rất quan trọng để áp dụng pháp luật cạnh tranh trên thực tế cũng như để tạo cơ sở cho tòa án phán xử.

Cuối cùng, như mọi người đều biết, mọi pháp luật mà không có khả năng để trở thành tố tụng thì nó vẫn chỉ tồn tại trên công báo. Qua kinh nghiệm của một số đạo luật mới ban hành gần đây, để pháp luật cạnh tranh thực sự đi vào cuộc sống, nhà làm luật cạnh tranh cần quán triệt hơn nữa nguyên lý về tính thống nhất nội tại của cả hệ thống pháp luật, của mối liên hệ giữa pháp luật nội dung và pháp luật hình thức để từ đó ban hành và sửa đổi những văn bản pháp luật có liên quan như tổ chức bộ máy hành chính, thẩm quyền của toà án.../.


PGS.TS. Nguyễn Như Phát
Viện Nhà nước và pháp luật

Các văn bản liên quan