Điều chỉnh lần 9, luật ta vẫn cứ như tây?
Dự Luật Sở hữu trí tuệ: Điều chỉnh 9 lần, luật ta vẫn cứ như tây?
Sáng 27-10, Quốc hội thảo luận dự Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT). Dù bản dự thảo trình Quốc hội lần này là phiên bản lần thứ 9 nhưng có ít nhất 6 đại biểu lên tiếng: Luật ta mà đọc cứ như tây, khó hiểu quá!
ĐB Vũ Tuyên Hoàng (Quảng Nam) cho rằng không nên lấy nguyên cách của nước ngoài để đưa vào luật của ta. Đại biểu Phạm Quang Nghị (Hà Nam) đề nghị: Nên rà soát lại toàn bộ dự thảo này!
Ngay những ý kiến đầu tiên, các đại biểu (ĐB ) đã phản ứng việc ban soạn thảo đã “bê nguyên xi” luật của nước ngoài về việc bảo vệ giống cây trồng vào luật ta.
Không đưa giống cây trồng vào luật
Ngay người phát biểu đầu tiên là ĐB Nguyễn Ngọc Trân (An Giang) đã bức xúc “tha thiết đề nghị Quốc hội (QH) suy nghĩ trách nhiệm của mình đối với nông dân VN” bằng cách chưa nên đưa phần quyền đối với giống cây trồng vào Luật SHTT. Theo ĐB Trân, nếu chúng ta “bê nguyên con” công ước UPOV (Công ước Geneve về bảo vệ giống cây trồng mới) là “cầm đèn chạy trước ô tô” trong lĩnh vực này và như vậy thì rất bất lợi cho nông dân VN. Cho dù, giống đó là giống trong nước, hay giống nước ngoài nhập vào, một nền nông nghiệp lạc hậu như chúng ta mà cấm nông dân không được trao đổi giống với nhau thì cái gì sẽ xảy ra? Bài học của Mexico là tan tành về nông nghiệp cũng vì UPOV. ĐB Trân cũng khẳng định rằng không đưa phần giống cây trồng vào Luật SHTT vẫn không vi phạm luật pháp quốc tế.
ĐB Vũ Tuyên Hoàng (Quảng Nam) chia sẻ với nhận định của Ủy ban Thường vụ QH rằng đây là một vấn đề mới, nước ta chưa có nhiều kinh nghiệm, “nhưng cũng không nên lấy nguyên cách của nước ngoài để đưa vào luật của ta. Tôi cũng là người làm về giống cây trồng nhưng các điều khoản về bảo hộ giống cây trồng sao quá lủng củng, khó hiểu như... tây”.
Quyền tác giả, hai điều chưa hợp lý
Những ĐB quan tâm đến bảo hộ quyền tác giả đều không đồng ý với quy định sử dụng tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình đã công bố không phải xin phép nhưng phải trả tiền. ĐB Phạm Quang Nghị (Hà Nam) cho rằng nếu chúng ta quy định cứ trả thù lao cho người đi tập, đi diễn, thì phải trả nhuận bút cho tác giả sẽ có hai điều không hợp lý. Thứ nhất, tính không khả thi, không có phương án nào có thể đi thu tiền bồi dưỡng cho tác giả từ xã, phường, quận, huyện cho tới trung ương về các hoạt động văn hóa, tuyên truyền cổ động nơi công cộng.
Thứ hai, chúng ta không nên so sánh những người biểu diễn này với tác giả bởi người sáng tác đã được nhận thù lao qua nhuận bút, qua các hình thức sử dụng tác phẩm của mình ở những dạng sản phẩm văn hóa khác. “Nếu giữ lại điều này đề nghị cho phương án thu tiền ra làm sao trong những trường hợp này”. Cuối cùng ĐB Phạm Quang Nghị đề nghị nên rà soát lại hết các điều khoản trong luật vì nếu cứng nhắc áp dụng như nước ngoài thì chỉ bất lợi cho chính ta mà thôi.
Trả cho cố nhạc sĩ Văn Cao bao nhiêu cho đủ?
Chỉ riêng điều 25 là “các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép nhưng phải trả tiền nhuận bút thù lao”, đã gặp một làn sóng phản ứng mạnh mẽ của nhiều ĐB hoạt động trong lĩnh vực phát thanh, truyền hình, kể cả những tác giả. Theo ĐB Vũ Văn Hiền (Yên Bái) đưa ra 2 ví dụ: Cứ mỗi lần đài phát sóng, một ngày hàng bao nhiêu lần quốc ca mà phải trả tiền thì không biết tính kiểu nào để trả cho nhạc sĩ Văn Cao! Một cái máy đã trả tiền bản quyền rồi, mua đứt rồi mà mỗi lần dùng lại phải trả tiền bản quyền, thế thì các máy hơi nước và các đầu máy cả thế giới phải trả bản quyền cho ông Diezel sao? ĐB Vũ Văn Hiến (Hậu Giang) cho rằng theo Điều 32 rất tối vì nếu như một tổ chức phát sóng hoặc người sử dụng một cuốn băng ghi âm, ghi hình vì mục đích thương mại thì phải trả tiền cho tất cả những thành phần biểu diễn trong chương trình ấy. Ông Hiến dẫn chứng: “Đài truyền hình chúng tôi trả cho hãng Bến Thành Audio 50 triệu đồng để phát một chương trình ca nhạc, chúng tôi lại đi trả cho tất cả thành phần tham gia làm chương trình đó thì rất khó khăn, không thật khả thi, không hợp lý. Bến Thành Audio phải trả tiền cho tất cả vì họ đã giúp anh hình thành một băng ghi âm đó để trở thành một sản phẩm anh bán”.
Cái cần thì luật không có
Một số ĐB lại cho rằng có những lĩnh vực cần bảo hộ với các điều khoản rõ ràng hơn thì lại thiếu vắng trong Luật SHTT, đặc biệt là bảo hộ phần mềm máy tính. ĐB Mạc Kim Tôn (Thái Bình) đề nghị nên đưa vấn đề phần mềm máy tính vào luật nhiều hơn nữa vì sự phát triển của nó rất dễ dẫn đến khả năng tranh chấp. ĐB Mai Anh (Khánh Hòa) cho rằng không phải dễ xảy ra tranh chấp mà đã xảy ra rồi, vì vậy nếu luật không dự báo ngay từ bây giờ sẽ rất bị động sau này. ĐB Mai Anh đề nghị dành hẳn một chương cho bảo hộ phần mềm máy tính, chứ không chỉ dành 1 điều khoản chung chung như dự thảo luật đã nêu.
Trước nhiều ý kiến bức xúc của các ĐB, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Hoàng Văn Phong phải có ý kiến giải trình lại và thay mặt Ban Soạn thảo tiếp thu những ý kiến rất sâu sắc của ĐB QH để có thể chỉnh sửa cho phù hợp.
Thảo luận Luật Giao dịch điện tử
Nhiều ĐBQH chưa hiểu giao dịch điện tử là gì
Trái với không khí tranh luận sôi nổi về Luật SHTT, phiên thảo luận buổi chiều về Luật Giao dịch điện tử (GDĐT) đã kết thúc trước giờ giải lao vì chờ mãi chỉ có hai đại biểu có ý kiến. Đại biểu Ngô Anh Dũng (Quảng Ninh) đứng lên nói rất thật: “Tôi đề nghị ban soạn thảo luật và Văn phòng QH nên trình diễn chi tiết, dễ hiểu một phiên GDĐT ở ngay hành lang QH ngoài giờ họp cho các đại biểu xem để hiểu một phiên GDĐT hay chữ ký điện tử nó như thế nào. Như thế mới nhấn nút thông qua luật đàng hoàng và có chất lượng. Thông qua mà không biết GDĐT là cái gì thì khó quá”. Phó Chủ tịch QH Nguyễn Văn Yểu tiếp thu ngay: “Ủy ban Thường vụ QH sẽ bàn để có hình thức nào đó trình bày GDĐT với các đại biểu. Khi họp đại biểu chuyên trách về luật này, một thành viên ban soạn thảo luật đã phải dành 30 phút để trình bày GDĐT với thường vụ”.
T.Hà - P. Ngọc 27-10-2005 - Người Lao động
Sáng 27-10, Quốc hội thảo luận dự Luật Sở hữu trí tuệ (SHTT). Dù bản dự thảo trình Quốc hội lần này là phiên bản lần thứ 9 nhưng có ít nhất 6 đại biểu lên tiếng: Luật ta mà đọc cứ như tây, khó hiểu quá!
ĐB Vũ Tuyên Hoàng (Quảng Nam) cho rằng không nên lấy nguyên cách của nước ngoài để đưa vào luật của ta. Đại biểu Phạm Quang Nghị (Hà Nam) đề nghị: Nên rà soát lại toàn bộ dự thảo này!
Ngay những ý kiến đầu tiên, các đại biểu (ĐB ) đã phản ứng việc ban soạn thảo đã “bê nguyên xi” luật của nước ngoài về việc bảo vệ giống cây trồng vào luật ta.
Không đưa giống cây trồng vào luật
Ngay người phát biểu đầu tiên là ĐB Nguyễn Ngọc Trân (An Giang) đã bức xúc “tha thiết đề nghị Quốc hội (QH) suy nghĩ trách nhiệm của mình đối với nông dân VN” bằng cách chưa nên đưa phần quyền đối với giống cây trồng vào Luật SHTT. Theo ĐB Trân, nếu chúng ta “bê nguyên con” công ước UPOV (Công ước Geneve về bảo vệ giống cây trồng mới) là “cầm đèn chạy trước ô tô” trong lĩnh vực này và như vậy thì rất bất lợi cho nông dân VN. Cho dù, giống đó là giống trong nước, hay giống nước ngoài nhập vào, một nền nông nghiệp lạc hậu như chúng ta mà cấm nông dân không được trao đổi giống với nhau thì cái gì sẽ xảy ra? Bài học của Mexico là tan tành về nông nghiệp cũng vì UPOV. ĐB Trân cũng khẳng định rằng không đưa phần giống cây trồng vào Luật SHTT vẫn không vi phạm luật pháp quốc tế.
ĐB Vũ Tuyên Hoàng (Quảng Nam) chia sẻ với nhận định của Ủy ban Thường vụ QH rằng đây là một vấn đề mới, nước ta chưa có nhiều kinh nghiệm, “nhưng cũng không nên lấy nguyên cách của nước ngoài để đưa vào luật của ta. Tôi cũng là người làm về giống cây trồng nhưng các điều khoản về bảo hộ giống cây trồng sao quá lủng củng, khó hiểu như... tây”.
Quyền tác giả, hai điều chưa hợp lý
Những ĐB quan tâm đến bảo hộ quyền tác giả đều không đồng ý với quy định sử dụng tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình đã công bố không phải xin phép nhưng phải trả tiền. ĐB Phạm Quang Nghị (Hà Nam) cho rằng nếu chúng ta quy định cứ trả thù lao cho người đi tập, đi diễn, thì phải trả nhuận bút cho tác giả sẽ có hai điều không hợp lý. Thứ nhất, tính không khả thi, không có phương án nào có thể đi thu tiền bồi dưỡng cho tác giả từ xã, phường, quận, huyện cho tới trung ương về các hoạt động văn hóa, tuyên truyền cổ động nơi công cộng.
Thứ hai, chúng ta không nên so sánh những người biểu diễn này với tác giả bởi người sáng tác đã được nhận thù lao qua nhuận bút, qua các hình thức sử dụng tác phẩm của mình ở những dạng sản phẩm văn hóa khác. “Nếu giữ lại điều này đề nghị cho phương án thu tiền ra làm sao trong những trường hợp này”. Cuối cùng ĐB Phạm Quang Nghị đề nghị nên rà soát lại hết các điều khoản trong luật vì nếu cứng nhắc áp dụng như nước ngoài thì chỉ bất lợi cho chính ta mà thôi.
Trả cho cố nhạc sĩ Văn Cao bao nhiêu cho đủ?
Chỉ riêng điều 25 là “các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép nhưng phải trả tiền nhuận bút thù lao”, đã gặp một làn sóng phản ứng mạnh mẽ của nhiều ĐB hoạt động trong lĩnh vực phát thanh, truyền hình, kể cả những tác giả. Theo ĐB Vũ Văn Hiền (Yên Bái) đưa ra 2 ví dụ: Cứ mỗi lần đài phát sóng, một ngày hàng bao nhiêu lần quốc ca mà phải trả tiền thì không biết tính kiểu nào để trả cho nhạc sĩ Văn Cao! Một cái máy đã trả tiền bản quyền rồi, mua đứt rồi mà mỗi lần dùng lại phải trả tiền bản quyền, thế thì các máy hơi nước và các đầu máy cả thế giới phải trả bản quyền cho ông Diezel sao? ĐB Vũ Văn Hiến (Hậu Giang) cho rằng theo Điều 32 rất tối vì nếu như một tổ chức phát sóng hoặc người sử dụng một cuốn băng ghi âm, ghi hình vì mục đích thương mại thì phải trả tiền cho tất cả những thành phần biểu diễn trong chương trình ấy. Ông Hiến dẫn chứng: “Đài truyền hình chúng tôi trả cho hãng Bến Thành Audio 50 triệu đồng để phát một chương trình ca nhạc, chúng tôi lại đi trả cho tất cả thành phần tham gia làm chương trình đó thì rất khó khăn, không thật khả thi, không hợp lý. Bến Thành Audio phải trả tiền cho tất cả vì họ đã giúp anh hình thành một băng ghi âm đó để trở thành một sản phẩm anh bán”.
Cái cần thì luật không có
Một số ĐB lại cho rằng có những lĩnh vực cần bảo hộ với các điều khoản rõ ràng hơn thì lại thiếu vắng trong Luật SHTT, đặc biệt là bảo hộ phần mềm máy tính. ĐB Mạc Kim Tôn (Thái Bình) đề nghị nên đưa vấn đề phần mềm máy tính vào luật nhiều hơn nữa vì sự phát triển của nó rất dễ dẫn đến khả năng tranh chấp. ĐB Mai Anh (Khánh Hòa) cho rằng không phải dễ xảy ra tranh chấp mà đã xảy ra rồi, vì vậy nếu luật không dự báo ngay từ bây giờ sẽ rất bị động sau này. ĐB Mai Anh đề nghị dành hẳn một chương cho bảo hộ phần mềm máy tính, chứ không chỉ dành 1 điều khoản chung chung như dự thảo luật đã nêu.
Trước nhiều ý kiến bức xúc của các ĐB, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Hoàng Văn Phong phải có ý kiến giải trình lại và thay mặt Ban Soạn thảo tiếp thu những ý kiến rất sâu sắc của ĐB QH để có thể chỉnh sửa cho phù hợp.
Thảo luận Luật Giao dịch điện tử
Nhiều ĐBQH chưa hiểu giao dịch điện tử là gì
Trái với không khí tranh luận sôi nổi về Luật SHTT, phiên thảo luận buổi chiều về Luật Giao dịch điện tử (GDĐT) đã kết thúc trước giờ giải lao vì chờ mãi chỉ có hai đại biểu có ý kiến. Đại biểu Ngô Anh Dũng (Quảng Ninh) đứng lên nói rất thật: “Tôi đề nghị ban soạn thảo luật và Văn phòng QH nên trình diễn chi tiết, dễ hiểu một phiên GDĐT ở ngay hành lang QH ngoài giờ họp cho các đại biểu xem để hiểu một phiên GDĐT hay chữ ký điện tử nó như thế nào. Như thế mới nhấn nút thông qua luật đàng hoàng và có chất lượng. Thông qua mà không biết GDĐT là cái gì thì khó quá”. Phó Chủ tịch QH Nguyễn Văn Yểu tiếp thu ngay: “Ủy ban Thường vụ QH sẽ bàn để có hình thức nào đó trình bày GDĐT với các đại biểu. Khi họp đại biểu chuyên trách về luật này, một thành viên ban soạn thảo luật đã phải dành 30 phút để trình bày GDĐT với thường vụ”.
T.Hà - P. Ngọc 27-10-2005 - Người Lao động