Sử dụng tác phẩm đã công bố phải trả tiền?

Thứ Hai 11:18 22-05-2006
Sử dụng tác phẩm ghi âm, ghi hình đã công bố phải trả tiền cho tác giả?

MINH GIANG - Theo SGGP ngày 5/10/ 2005

Hôm qua, 4-10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã thảo luận, cho ý kiến vào 3 dự án luật: Sở hữu trí tuệ, Bảo vệ môi trường, Giao dịch điện tử và dự thảo Pháp lệnh Ngoại hối.

•Thu tiền sử dụng tác phẩm đã công bố: có khả thi?

Theo dự thảo Luật Sở hữu trí tuệ được trình ra UBTVQH, chủ phương tiện giao thông, nhà hàng, khách sạn, điểm dịch vụ karaoke... sử dụng tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình đã công bố nhằm mục đích thương mại, phải thanh toán tiền nhuận bút, thù lao cho tác giả, chủ sở hữu bản quyền tác giả, người biểu diễn, nhà sản xuất theo thỏa thuận.
Một số ĐBQH cho rằng, quy định như vậy là không hợp lý, vì các tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình đó đã được bán trên thị trường, người mua có toàn quyền sử dụng phục vụ cho lợi ích của mình.

Theo giải trình của Ủy ban Khoa học-Công nghệ và Môi trường của QH, hiện nay ở các nước thành viên Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), toàn bộ các khách sạn, nhà hàng, các hãng giao thông, du lịch, dịch vụ cung cấp thông tin trên Internet... đã thực hiện nghĩa vụ thanh toán phí bản quyền khi sử dụng tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình trong hoạt động thương mại của mình.

Ở Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam và đài truyền hình 15 tỉnh, thành phố đã thanh toán tiền nhuận bút, thù lao cho các tác giả có tác phẩm được phát sóng. Hãng Hàng không quốc gia Việt Nam cũng đã mua bản quyền các bản ghi âm, ghi hình với giá 10 triệu đồng/đĩa để phát trên các chuyến bay; các website nhạc trực tuyến cũng thu tiền từ người sử dụng... “Vì thế, dự luật đưa ra quy định trên là nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả theo chuẩn mực luật pháp quốc tế” - ông Hồ Đức Việt, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học-Công nghệ và Môi trường của QH nói.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến trong UBTVQH băn khoăn, việc trả thù lao trên sẽ được thực hiện như thế nào, cơ chế quản lý ra sao để bảo đảm khả thi? Trên thực tế, vừa qua việc Trung tâm Bảo vệ bản quyền tác giả âm nhạc tổ chức thu tiền bản quyền của dịch vụ kinh doanh karaoke đã gặp nhiều khó khăn.

•Tỷ giá giao dịch ngoại tệ phải có lợi cho dân

Thảo luận về dự thảo Pháp lệnh Ngoại hối, các thành viên UBTVQH nêu lên thực tế: hiện nay người dân có ngoại tệ, vàng hiện vẫn ưa chuộng việc trao đổi tại “chợ đen” hơn là qua kênh chính thức với ngân hàng. Đáng chú ý là tỷ giá giao dịch trên thị trường ngân hàng luôn thấp hơn tỷ giá tự do. Chính vì thế, theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn Yểu, cần xây dựng cơ chế tỷ giá mua bán ngoại tệ “làm sao phải có lợi cho người dân” thì mới thu hút được giao dịch qua kênh chính thức.

Thừa nhận tình trạng này, Thống đốc NHNN Lê Đức Thúy còn cho biết, hiện nay bên cạnh bản tệ, ngoại tệ vẫn được lưu hành rộng rãi, gây nên hiện tượng đôla hóa tại Việt Nam. Trong chủ trương của mình, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ tiếp tục có những bước đi hạn chế tối đa việc sử dụng đồng ngoại tệ tràn lan trên lãnh thổ Việt Nam, tiến tới xóa bỏ hoàn toàn hiện tượng đôla hóa.

Cụ thể như nghiêm cấm triệt để các giao dịch, niêm yết, định giá, thông báo giá, quảng cáo bằng ngoại tệ giữa các tổ chức, cá nhân trên lãnh thổ Việt Nam; hạn chế việc các tổ chức được bán hàng, cung cấp dịch vụ thu ngoại tệ tại Việt Nam, quy định về quyền và phạm vi sử dụng ngoại tệ tiền mặt của cá nhân...

Bên cạnh đó, cơ chế tỷ giá đồng Việt Nam sẽ được xác định trên cơ sở cung - cầu ngoại tệ trên thị trường có sự điều tiết của nhà nước. “Đó sẽ là một cơ chế tỷ giá linh hoạt, gắn với thị trường, nhưng vẫn đảm bảo khả năng điều tiết của nhà nước trên cơ sở chính sách tỷ giá, chính sách tiền tệ từng thời kỳ thông qua cơ chế can thiệp trực hay gián tiếp” - Thống đốc Lê Đức Thúy nói.

Các văn bản liên quan