Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) góp ý Dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 20 tại Hội thảo VCCI TP.HCM ngày 17/3/2015

Thứ Ba 11:47 07-04-2015

Ý KIẾN ĐÓNG GÓP VÀ ĐỀ XUẤT ĐỐI VỚI DỰ THẢO THÔNG TƯ QUY ĐỊNH VIỆC NHẬP KHẨU MÁY MÓC, THIẾT BỊ, DÂY CHUYỀN CÔNG NGHỆ ĐÃ QUA SỬ DỤNG

 (gọi tắt là “Dự thảo Thông tư về Nhập khẩu thiết bị đã qua sử dụng”)

Chuẩn bị bởi

VILAF

Thành viên Nhóm Công tác Đầu tư và Thương mại

Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam

1.      Định nghĩa Doanh Nghiệp Nhà Nước (“DNNN”)

Từ ngày 01 tháng 07 năm 2015, Luật Doanh nghiệp mới sẽ có hiệu lực và theo đó, DNNN được định nghĩa là doanh nghiệp sở hữu hoàn toàn bởi Nhà nước.

Tuy nhiên, tại chú thích số 2 của Dự thảo, chúng tôi hiểu rằng BKHCN đang tham khảo một định nghĩa khác của DNNN, được qui định tại Nghị định số 99/2012/ND-CP ngày 15 tháng 11 năm 2012 của Chính phủ về phân công, phân cấp thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với DNNN và vốn Nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp (“Nghị định 99”). Theo Nghị định 99, DNNN được định nghĩa là doanh nghiệp mà Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ, bao gồm:

-     doanh nghiệp mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ và là công ty TNHH có một thành viên; 

-     DNNN sở hữu trên 50% vốn điều lệ và là công ty cổ phần hoặc công ty TNHH có hai thành viên trở lên;

Ý kiến đóng góp: Để tránh nhầm lẫn, BKHCN nên định nghĩa trực tiếp và rõ ràng phạm vi DNNN tại Điều 2.1 của Dự thảo, mà không nên tham chiếu đến quy chế khác bằng một chú thích. BKHCN có thể đưa định nghĩa DNNN tại Nghị định 99 vào nội dung chính của Dự thảo.

2.      Cách tính thời hạn sử dụng

Theo qui định của Dự thảo thông tư, thời hạn sử dụng là một trong những điều kiện luật định để nhập khẩu máy móc, thiết bị và dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng. Thời hạn sử dụng sẽ được tính bằng năm và được tính từ năm sản xuất đến năm mở tờ khai hải quan căn cứ theo Điều 3.4 Dự thảo.

Ý kiến đóng góp:

Theo quan điểm của chúng tôi, để hợp lý hơn cho nhà nhập khẩu, thời hạn sử dụng máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ chỉ nên là khoảng thời gian mà chúng thực sự được sử dụng. Bất kỳ khoảng thời gian không được sử dụng hoặc tạm ngừng sử dụng nên được trừ ra khỏi thời hạn sử dụng. 

Ngoài ra, thời hạn sử dụng mà có tháng lẻ thì có thể được làm tròn như sau:

-     Từ đủ 1 tháng đến dưới 6 tháng, có thể làm tròn xuống thành không;

-     Từ đủ 6 tháng đến dưới 12 tháng, có thể làm tròn thành 1 năm.

3.      Xác định chất lượng còn lại

Tương tự như thời hạn sử dụng, chất lượng còn lại so với chất lượng ban đầu là một trong những điều kiện luật định khi nhập khẩu máy móc, thiết bị và dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng. Theo Điều 3.5 của Dự thảo, nó được định nghĩa là mức độ đạt được của các thông số kỹ thuật của máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng so với các thông số kỹ thuật của máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ khi chưa được sử dụng (mới 100%).

Tuy nhiên, vì thiếu giải thích về chất lượng ban đầu, sẽ có nhiều sự diễn dịch khác nhau về nguồn gốc hoặc cở sở để xác định chất lượng ban đầu. Mỗi quốc gia cũng như mỗi nhà sản xuất sẽ áp dụng những tiêu chuẩn khác nhau đối với cùng một máy móc, thiết bị và dây chuyền công nghệ. Vì thế, sẽ có trường hợp chất lượng của những máy móc, thiết bị và dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng sẽ được xác định là cao hơn chất lượng của máy mới.

Ý kiến đóng góp: Theo quan điểm của chúng tôi, để giúp xác định được một cách chính xác và khoa học chất lượng, BKHCN có thể xem xét chuẩn bị một hệ thống các tiêu chuẩn áp dụng cho từng máy móc, thiết bị và dây chuyền công nghệ.

4.      Chứng thư Giám định Chất định

Trong một số trường hợp cụ thể theo Dự thảo, doanh nghiệp phải nộp một chứng thư giám định chất lượng cho cơ quan hải quan như là một trong những giấy tờ cần thiết cho thủ tục nhập khẩu máy móc, thiết bị và dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng (“Chứng thư giám định chất lượng”). Chứng thư giám định chất lượng phải bảo gồm các nội dung bắt buộc như sau:

-          Thông tin của nhà nhập khẩu (tên, địa chỉ, điện thoại, email, fax, tên của người đại diện);

-          Thông tin của tổ chức/cá nhân được ủy quyền nhập khẩu (nếu có);

-          Thông tin về hàng hóa nhập khẩu (tên, xuất xứ, năm sản xuất);

-          Thông tin của nhà xuất khẩu (tên, địa chỉ, điện thoại, email, fax, tên của của người đại diện);

-          Mục đích nhập khẩu (để sản xuất kinh doanh trực tiếp/thương mại / thực hiện dự án đầu tư);

-          Địa điểm giám định, thời gian giám định, điều kiện giám định;

-          Phương pháp giám định, tiêu chuẩn giám định;

-          Kết quả giám định (mức chất lượng còn lại so với chất lượng ban đầu, năm sản xuất của máy móc, thiết bị (nếu cần));

-          Cam kết của tổ chức giám định về tính khách quan, công bằng và chính xác của kết quả giám định;

-          Ngày cấp chứng thư giám định chất lượng và hiệu lực của chứng thư giám định chất lượng;

-          Họ tên, chữ ký của giám định viên và đại diện tổ chức giám định (cùng với con dấu của tổ chức đó).

Ý kiến đóng góp: Vì Chứng thư giám định chất lượng cấp bởi tổ chức giám định nước ngoài là được chấp nhận và khuyến khích, Bộ Khoa học và Công nghệ nên làm rõ liệu những nội dung bắt buộc nêu trên cũng bị áp dụng đối với chứng thư loại này. Như một vấn đề thực tiễn, chúng tôi hiểu rằng các tổ chức giám định nước ngoài luôn sử dụng mẫu chứng thư giám định chất lượng theo mẫu riêng của chính tổ chức đó hoặc tuân theo mẫu do pháp luật của nước sở tại quy định. Vì vậy, có rủi ro là hình thức mẫu chứng thư giám định chất lượng của tổ chức giám định nước ngoài là không phù hợp với các yêu cầu của Dự thảo.

5.      Chỉ định Tổ chức Giám định Chất lượng

Theo Điều 15 của Dự thảo, các bộ và cơ quan nhà nước có trách nhiệm ban hành hướng dẫn của họ về thủ tục chỉ định những tổ chức giám định chất lượng liên quan đến những máy móc, thiết bị và dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng thuộc phạm vi thẩm quyền quản lý của các bộ và cơ quan nhà nước đó. Tuy nhiên, chúng tôi hiểu rằng việc ban hành những hướng dẫn này sẽ tốn rất nhiều thời gian trong khi các bộ và cơ quan nhà nước chỉ có 1 năm (2016) để chuẩn bị.

Trong thời gian đó, một qui trình đăng ký kiểm tra chất lượng “tạm thời” sẽ được áp dụng. Theo đó, những tổ chức giám định chất lượng phải nộp đơn (đính kèm mẫu Chứng thư giám định chất lượng của chính tổ chức giám định chất lượng đó)cho BKHCN và sau đó BKHCN sẽ thông báo danh sách những tổ chức giám định chất lượng thích hợp.

Ý kiến đóng góp: Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy rằng việc trì hoãn trong việc ban hành hướng dẫn không phải là hiếm trong thực tế và các bộ, cơ quan nhà nước có thể không hoàn thành kịp theo lịch trình đề ra. Trong những trường hợp như vậy, thủ tục giám định chất lượng “tạm thời” với BKHCN nên được gia hạn cho đến khi các bộ và cơ quan nhà nước ban hành hướng dẫn của riêng họ.

Các văn bản liên quan