Dạy nghề: vẫn còn thời kỳ “quá độ”?

Thứ Tư 23:55 07-06-2006

Để lắng nghe ý kiến của các chuyên gia góp ý dự thảo Luật dạy nghề, Ủy ban Văn hóa - giáo dục thanh niên - thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội đã tổ chức một hội thảo từ 16 đến 18-3 tại TP.HCM.

Đã lâu lắm, thực trạng yếu kém và bất cập của hệ thống giáo dục nghề nghiệp mới được mổ xẻ, phân tích thẳng thắn...

Hệ thống đào tạo “sáu không”!

Trong bài phát biểu của mình, GS-TSKH Nguyễn Minh Đường, thành viên Hội đồng quốc gia giáo dục, cho rằng hiện chúng ta chưa xây dựng được chuẩn các trình độ đào tạo, do vậy hệ thống đào tạo đang lâm vào tình thế “sáu không”.

Thứ nhất: không có cơ sở để xác định mục tiêu đào tạo và thiết kế nội dung các chương trình đào tạo hợp lý dẫn đến việc thiết kế mục tiêu và chương trình đào tạo tùy tiện.

Thứ hai: không có cơ sở khoa học để xây dựng chương trình liên thông giữa các cấp đào tạo.

Ba: không có cơ sở đánh giá chất lượng đào tạo dẫn đến tình trạng chất lượng bị thả nổi như hiện nay.

Bốn: không có cơ sở pháp lý và khoa học để kiểm định chất lượng đào tạo.

Năm: đào tạo không gắn được với nhu cầu của thị trường lao động và cuối cùng không thể so sánh được trình độ đào tạo và trình độ nhân lực của ta với các nước.

Đến từ một trung tâm đào tạo GV kỹ thuật lớn cả nước, PGS-TS Thái Bá Cần, hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM, bức xúc: “ Các trường CĐ, ĐH sư phạm kỹ thuật không thể bao hết tất cả các ngành có đào tạo ở các trường nghề.

Đội ngũ giáo viên dạy nghề (GVDN) đúng là vừa thiếu vừa yếu nhưng thiếu sự quan tâm bằng những hành động cụ thể. Chúng ta nói quá nhiều về việc đào tạo GVDN nhưng thực tế việc đầu tư đào tạo bồi dưỡng GV chưa rõ ràng. Chúng ta thiếu những trung tâm bồi dưỡng GVDN cho các ngành nghề chưa được đào tạo ở các trường sư phạm kỹ thuật. Điều này trên thực tế không bộ ngành nào lo cả!”.

Báo cáo của PGS-TS Đỗ Minh Cương, nguyên tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, cũng dẫn ra một bất hợp lý về chi phí đào tạo nghề: “ Nguồn ngân sách cho dạy nghề dù có tăng nhưng còn thấp, chưa tương xứng với tốc độ tăng chỉ tiêu đào tạo. Định mức chi phí đào tạo nghề là 4,3 triệu đồng/HS/năm nhưng trên thực tế chỉ được cấp khoảng 2,5 triệu”. Và giải pháp từ phía Tổng cục Dạy nghề là: ngân sách chi cho đào tạo nghề nên tính theo chi phí thực tế của từng ngành, không nên tính đổ đồng một mức cho tất cả các nghề.

Bao giờ qua “thời kỳ quá độ”?

Dù Luật GD 2005 đã chính thức đi vào cuộc sống nhưng tại hội nghị này một lần nữa những điểm lấn cấn của nó liên quan đến lĩnh vực GD nghề nghiệp vẫn được các chuyên gia mang ra phân tích.

Bà Vũ Thị Ngọc Xuyến, hiệu trưởng Trường TH Dạy nghề nông nghiệp và phát triển nông thôn Nam bộ, đặt vấn đề: “Tôi không rõ cơ sở nào ta xây dựng hệ thống các cơ sở dạy nghề gồm các lớp dạy nghề, trung tâm dạy nghề, trường trung cấp, CĐ nghề mà lại không có trường nghề? Tại sao chỉ có các trường CĐ, ĐH và trường trung cấp nghề được đào tạo hệ TCN, còn các trường TCCN chúng tôi (vốn trước đây vẫn dạy hệ CNKT) lại không được tham gia đào tạo?”.

Trong khi đó, góp ý về dự thảo Luật dạy nghề, GS Đường đặt vấn đề: một ngày gần đây, các trường cả nước sẽ thay tên đổi họ, trong đó một số trường sẽ thành trường CĐ nghề. Tuy nhiên, thế nào là một trường CĐ nghề? Cần có chuẩn của trường CĐ nghề như thế nào để sự ra đời của loại hình trường này sẽ công khai, dân chủ và đúng thực chất, nếu không sẽ rơi vào tình trạnh “xin - cho” tùy tiện và không đảm bảo chất lượng.

Đề cập những thay đổi về hệ thống GDNN trong Luật GD 2005 và dự thảo Luật dạy nghề sắp tới, bà Trần Thị Tâm Đan, chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - giáo dục thanh niên - thiếu niên và nhi đồng của QH, cho rằng: “Giữa TC nghề và TCCN; CĐ nghề và CĐ hiện nay không anh nào cao hơn anh nào; một bên thiên về thực hành, một bên kiến thức chung nhiều hơn nhưng giá trị là như nhau. TCCN thật ra cũng là dạy nghề nhưng đây là vấn đề lấn cấn mà Chính phủ cũng chưa giải mã được. Chúng ta đang ở thời kỳ quá độ, quá độ trong cả công tác quản lý và phải chờ có thời gian…”.

Nghĩa là, sẽ phải tiếp tục chờ… Và trong khi chờ đợi, hệ thống các trường dạy nghề, TCCN vẫn hoạt động dưới sự quản lý chồng chéo từ nhiều cấp. Một đại biểu hoang mang thật sự: TCCN và dạy nghề không tách rời nhau, nay có Luật dạy nghề rồi, liệu sắp tới có cần có thêm luật riêng cho hệ thống trường TCCN?!

Trong khi những người soạn thảo Luật dạy nghề đang chờ ngày luật được thông qua trong kỳ họp QH sắp tới, những người quan tâm đến GDNN vẫn chưa thể yên tâm trước một thực trạng ngổn ngang, rối bời của hệ thống GDNN.

Các văn bản liên quan