Cạnh tranh “thị phần” quản lý Nhà nước?

Thứ Tư 23:54 07-06-2006

Tại phiên họp mới đây do Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội tổ chức để nghe báo cáo về dự thảo Luật Dạy nghề, trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cuối tháng này, đại biểu Dương Trung Quốc đã rất có lý khi cảnh báo về sự “cạnh tranh không lành mạnh…” của hai cơ quan quản lý nhà nước về GD-ĐT.

Mọi rắc rối có lẽ xuất hiện từ khi tách việc quản lý nhà nước về đào tạo nghề từ Bộ GD-ĐT chuyển sang Bộ LĐ-TB&XH và dường như phức tạp thêm khi Luật Giáo dục sửa đổi được thông qua năm 2005 với việc ra đời của ba cấp trình độ dạy nghề: sơ cấp nghề, trung cấp nghề, và cao đẳng nghề mà “nội hàm” của những cấp trình độ này còn chưa được định nghĩa rõ ràng. (đang phải nhờ dự án của Đức định nghĩa “giúp” trong khi chính phía Đức cũng không có khái niệm “cao đẳng nghề” là gì)

Sự chồng chéo và rối loạn trong quản lý sẽ càng gia tăng một khi Luật Dạy nghề được thông qua với những nội dung trong dự thảo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Ví dụ, ngày 16-6-2005 (sau khi Luật Giáo dục được thông qua tại kỳ họp ngày 20-5-2005), Tổng Cục dạy nghề, Bộ LĐ-TB&XH có công văn số 320/TCDN-TCN gửi các bộ ngành và địa phương về đề xuất các trường trực thuộc vào danh sách trường dạy nghề trọng điểm đến năm 2010 tại Phụ lục I gửi kèm theo có ghi “Các trường trung học chuyên nghiệp hoặc cao đẳng nếu được chọn vào danh sách trường dạy nghề trọng điểm thì phải chuyển đổi về hệ thống trường dạy nghề (Trường trung cấp nghề hoặc Trường cao đẳng nghề)”. Nếu được “chọn” vào trường trọng điểm các trường sẽ được “cho” ít nhất 3 tỉ đồng để nâng cấp (?) từ trong nguồn tiền ngân sách - tiền thuế của dân.

Đối với cấp địa phương sự cạnh tranh diễn ra ở khía cạnh khác. Một lãnh đạo Sở GD-ĐT phàn nàn “Một số trường TCCN do sở LĐ-TB&XH quản lý có nguyện vọng muốn nâng cấp thành trường CĐ (không phải cao đẳng nghề) thường được yêu cầu phải “chờ” để lên cao đẳng nghề từ phía ngành lao động…”.

Xu hướng và chủ trương cải cách hành chính nhằm giảm đầu mối (tránh phình thêm biên chế), bớt phiền hà cho dân, sử dụng đồng tiền thuế của dân hiệu quả hơn, nâng cao sức mạnh của bộ máy công quyền... Song quản lý về giáo dục nghề nghiệp hiện nay thực chất là tăng thêm đầu mối quản lý trong cùng một lĩnh vực GD-ĐT.

Trong 64 tỉnh thành phố phải “mọc” thêm 64 phòng quản lý dạy nghề và bên cạnh đó là tăng thêm biên chế; một huyện có trung tâm dạy nghề, trung tâm hướng nghiệp kỹ thuật tổng hợp, trung tâm giáo dục thường xuyên, đều tham gia các hoạt động GD-ĐT nghề, ai sẽ kiểm soát, báo cáo giải trình với cơ quan nào (sở GD-ĐT hay sở LĐ-TB&XH).

Một cơ sở đào tạo tại địa phương nếu đào tạo đa cấp đa ngành cần phải qua rất nhiều “cửa” của cơ quan quản lý từ T.Ư đến địa phương để thực hiện các thủ tục và quy định hành chính, tạo ra sự cạnh tranh, tranh thủ nguồn lực và lãng phí vô cùng lớn do đều cùng làm lặp lại các công việc tương tự nhau giữa dạy nghề do Bộ LĐ-TB&XH và TCCN, CĐ do Bộ GD-ĐT quản lý nhà nước.

Sắp tới đây chúng ta sẽ gia nhập WTO, việc thành lập và quản lý nhà nước các cơ sở GD-ĐT của nước ngoài tại Việt Nam trước những rối rắm, chia cắt trong quản lý hành chính giáo dục nghề nghiệp chắc chắn càng làm cho các nhà đầu tư phải “học” nhiều mới hiểu được hành - chính trong giáo dục Việt Nam là thế nào. Vụ việc SITC mới đây và VATC Nha Trang cho thấy sự chồng chéo, không rõ trách nhiệm các cơ quan hành chính, hậu quả là người dân chịu thiệt thòi nhất. 

Điều đáng phải suy nghĩ là trong khi các doanh nghiệp xoay sở để phát triển sản xuất, tăng cường năng lực cạnh tranh để giành thị phần trên thương trường quốc tế, thì ngay trong bộ máy hành chính lại có những chuyện “giành sân” quản lý như đã nêu.

Để cải cách hành chính triệt để trong lĩnh vực giáo dục, tránh những cạnh tranh không lành mạnh mà ảnh hưởng đến lợi ích của người dân, thiết nghĩ Chính phủ cần sớm sáp nhập dạy nghề với giáo dục trung cấp chuyên nghiệp về một đầu mối quản lý, để cho các địa phương và người dân đỡ phải chịu những khổ ải do sự chồng chéo quản lý.

NGUYỆT LÂM

Các văn bản liên quan