Đâu là giới hạn của Luật GDĐT?

Thứ Sáu 13:22 26-05-2006
[size=18]Đâu là giới hạn của Luật Giao dịch điện tử?
Nguyễn Thị Thu Trang
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (Bài viết đăng trên Tạp chí Bưu chính viễn thông Kỳ II 5/2004)
Luật Giao dịch điện tử đang được Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội soạn thảo. Dự kiến Luật này sẽ điều chỉnh hầu hết các vấn đề pháp lý trong lĩnh vực giao dịch điện tử. Phải chăng phạm vi điều chỉnh này là quá rộng?
Việc soạn thảo Luật Giao dịch điện tử (Luật GDĐT) đang thu hút sự quan tâm của nhiều ngành, nhiều giới. Bởi đã từ vài năm nay, người dân, các cơ quan nhà nước và các doanh nghiệp chờ đợi một văn bản pháp luật tạo ra khuôn khổ pháp lý đầy đủ và an toàn cho các giao dịch điện tử của họ.
Có lẽ cũng vì để đáp ứng mong mỏi này mà các nhà soạn thảo dự kiến một phạm vi điều chỉnh khá rộng cho Luật GDĐT. Cụ thể, Luật này dự kiến sẽ bao gồm chính sách đối với giao dịch điện tử, các qui định về chứng từ điện tử, dữ liệu điện tử, chữ ký điện tử, mật mã, công chứng điện tử, an ninh mạng (trong đó có tội phạm trên mạng), bảo đảm bí mật thông tin, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.
Từ góc độ người áp dụng, một luật qui định đầy đủ các vấn đề liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến giao dịch điện tử như vậy là rất lý tưởng. Doanh nghiệp muốn ký một hợp đồng qua thư điện tử, người tiêu dùng mua hàng trên Internet, cơ quan hải quan chứng nhận tờ khai qua mạng... nếu cần sẽ chỉ phải tra cứu một văn bản luật "gốc".
Tuy nhiên, từ góc độ pháp lý, một luật với phạm vi điều chỉnh như vậy có lẽ hơi nhiều "tham vọng". Một số vấn đề không nên hoặc không cần thiết qui định trong Luật này. Ngoài ra, không phải tất cả mọi giao dịch đều có thể thực hiện bằng phương tiện điện tử một cách an toàn.
1. Những vấn đề không nên hoặc không cần thiết qui định trong Luật GDĐT
Căn cứ vào các qui định pháp luật hiện hành và xu hướng xây dựng pháp luật trong thời gian tới, ít nhất những nội dung sau nên đưa ra khỏi phạm vi điều chỉnh của Luật GDĐT:
Thứ nhất, qui định về tội phạm trên mạng: Theo nguyên tắc của luật hình sự, chỉ những hành vi được qui định trong Bộ luật hình sự mới có thể bị xem là tội phạm. Vì thế, Luật GDĐT không thể qui định một hành vi nào đó là tội phạm, càng không thể xác định cấu thành hay chế tài của tội phạm đó. Nếu có, Luật chỉ nên qui định những hành vi nào bị cấm, việc xử lý như thế nào (hình sự hay hành chính) nên để cho các văn bản luật khác giải quyết.
Thứ hai, chế định về quyền sở hữu, bản quyền: Hiện nay phần sở hữu trí tuệ trong Bộ luật Dân sự đang được xem xét sửa đổi theo hướng hoặc qui định chi tiết hơn (với những nội dung mới trong đó có lĩnh vực điện tử) hoặc rút ra khỏi Bộ luật này để xây dựng một (hoặc một số) luật riêng về lĩnh vực này. Do vậy, không nhất thiết phải dành một chương trong Luật GDĐT để qui định về vấn đề này. Có chăng chỉ nên qui định những vấn đề cơ bản trong một hai điều khoản là đủ.
2. Những loại giao dịch cần đưa ra khỏi phạm vi điều chỉnh của Luật
Luật GDĐT dự kiến sẽ điều chỉnh tất cả các giao dịch theo hướng mọi giao dịch được tiến hành thông qua phương tiện hoặc hình thức điện tử nếu đáp ứng những điều kiện nhất định sẽ có giá trị pháp lý như giao dịch được thực hiện theo các hình thức truyền thống (ví dụ giao dịch qua văn bản).
Thực tế, yếu tố "điện tử" của giao dịch khiến chúng chứa đựng nhiều nguy cơ rủi ro pháp lý hơn những giao dịch truyền thống bởi khó có thể có sự chắc chắn tuyệt đối trong lĩnh vực "điện tử". Một hợp đồng viết tay hoặc đánh máy thường đáng tin cậy hơn một hợp đồng ký qua thư điện tử. Do đó, không phải ai cũng sẵn sàng ký hợp đồng điện tử để mua một ngôi nhà, chưa nói đến việc mua máy bay hay tàu thuỷ. Một giấy phép do cơ quan nhà nước cấp bằng văn bản rõ ràng là chắc chắn hơn một thông báo qua mạng. Bởi thế, chắc không ai muốn đăng ký kết hôn hay li dị qua mạng ...
Vì vậy nhiều nước đã đi theo hướng chỉ thừa nhận giá trị pháp lý (như văn bản) của những giao dịch điện tử có tính an toàn cao. Những giao dịch điện tử mà tính pháp lý và độ an toàn khó đảm bảo thì giá trị pháp lý của chúng chưa được thừa nhận một cách đương nhiên và do đó, bị loại khỏi phạm vi điều chỉnh của văn bản luật về giao dịch điện tử.
Ví dụ, Luật mẫu về giao dịch điện tử của Hoa Kỳ không áp dụng cho các giao dịch thuộc phạm vi Điều 3, 4 và 4A UCC (chủ yếu là giao dịch trong lĩnh vực thanh toán thương mại) với lý do hệ thống thu, chuyển tiền điện tử liên quan đến một loạt các quan hệ, với nhiều bên thứ ba khác và do đó khó đảm bảo lợi ích cho những chủ thể này. Vấn đề lập hoặc rút lại di chúc, các giao dịch có liên quan đến bất động sản... cũng là ngoại lệ không thuộc phạm vi áp dụng của Luật mẫu này.
Trong hoàn cảnh việc sử dụng phương tiện điện tử trong các giao dịch ở Việt Nam chưa phổ biến, trình độ dân trí nhiều nơi còn rất thấp... chúng ta càng cần thiết phải tính đến mức độ rủi ro pháp lý này. Do đó, nên chăng Luật GDĐT cần qui định các ngoại lệ phù hợp theo hướng:
Thứ nhất, liệt kê những giao dịch không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật (sau khi đã nghiên cứu kỹ hoàn cảnh cụ thể của Việt Nam để xác định những giao dịch điện tử mà độ an toàn pháp lý cho các chủ thể tham gia không cao hoặc có ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của các chủ thể khác).
Thứ hai, qui định "những ngoại lệ khác theo qui định của pháp luật" (để tạo ra tính "mở" cho qui định, tránh trường hợp sau này nếu có thêm những giao dịch cần xem là ngoại lệ lại phải sửa đổi Luật).
3. Vậy Luật GDĐT cần qui định những gì?
Cần xác định rõ ràng mục tiêu của Luật GDĐT là thừa nhận giá trị pháp lý của các giao dịch điện tử ngang bằng với giá trị pháp lý của các giao dịch truyền thống (về hiệu lực, về giá trị làm chứng cứ...).
Từ đó Luật GDĐT sẽ chỉ tập trung vào những qui định mang tính thủ tục liên quan đến giao dịch điện tử là chủ yếu (Ví dụ: Một chữ ký điện tử có giá trị như chữ ký tay khi nào? Khi nào một chứng thực điện tử có hiệu lực như một chứng thực thông thường? Khi nào một thông điệp dữ liệu được xem là bản gốc? Thời điểm nhận hoặc gửi một thông điệp dữ liệu?...). Những quyền và lợi ích phát sinh từ giao dịch điện tử đã được thừa nhận giá trị pháp lý sẽ xác định theo các luật nội dung hiện tại (ví dụ Bộ Luật Dân sự, Luật Thương mại,...). Luật GDĐT không và không thể thay thế các luật thông thường trong việc điều chỉnh mọi vấn đề liên quan đến giao dịch điện tử.
Hy vọng rằng Luật GD ĐT sẽ xác định được một phạm vi điều chỉnh hợp lý, trở thành khung pháp lý cho các giao dịch điện tử, đảm bảo sự an toàn pháp lý, quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể có liên quan, thúc đẩy sự phát triển của các giao dịch điện tử và đóng góp một phần vào quá trình cải cách hành chính ở nước ta hiện nay.

Các văn bản liên quan