Góp ý của Đặng Thị Thu Thảo – ĐH Cần Thơ

Thứ Sáu 13:22 26-05-2006
MỘT SỐ VẤN ĐỀ XUNG QUANH VIỆC XÁC ĐỊNH
PHẠM VI ĐIỀU CHỈNH CỦA
DỰ THẢO LUẬT GIAO DỊCH ĐIỆN TỬ

Đặng Thị Thu Thảo
Khoa Luật ĐH Cần Thơ


Sự xuất hiện của Internet đã làm đảo lộn các quan hệ xã hội, làm phát sinh các quan hệ pháp luật mới, thay đổi và tác động mạnh mẽ đến các quan hệ pháp luật "truyền thống", chính vì thế rất cần một hành lang pháp lý vững chắc để điều chỉnh nó.
Trước khi bàn về phạm vi áp dụng và đối tượng điều chỉnh của Luật giao dịch điện tử, cần nhớ lại rằng ngay từ 12/2001, Pháp lệnh Thương mại điện tử đã được đưa vào Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2002 của Quốc hội và cho đến 10/2003 Bộ Thương mại cho ra đời 6 dự thảo về Pháp lệnh này. Nội dung chủ yếu của dự thảo 6 xoay quanh các vấn đề về Giá trị pháp lý các thông điệp điện tử, việc truyền gửi các thông điệp dữ liệu, chữ ký điện tử, quản lý nhà nước về việc sử dụng thông điệp dữ liệu trong thương mại. Tháng 11/2003, Nghị quyết 21/2003/NQ-QH11 về Chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2004 được ban hành, theo đó sẽ xây dựng Luật giao dịch điện tử và sẽ thu hút nội dung của Pháp lệnh Thương mại điện tử vào Luật này. Do đó nếu hiểu theo logic thông thường thì phạm vi điều chỉnh của Luật Giao dịch điện tử này sẽ phải rộng hơn nhiều so với Pháp lệnh TMĐT, sẽ giải quyết tất cả (hay gần hết) các vấn đề liên quan đến các giao dịch điện tử nói chung không chỉ trong lĩnh vực thương mại mà còn trong các lĩnh vực dân sự, hành chính... Tuy nhiên, cần phải hiểu rằng Pháp lệnh hay Luật thì cũng chỉ điều chỉnh mặt ‘hình thức’ điện tử của giao dịch, còn toàn bộ các quy định về ‘nội dung’ sẽ vẫn do luật chuyên ngành điều chỉnh. Ví dụ Luật GDĐT chỉ thừa nhận các thông điệp dữ liệu mang giá trị như ‘văn bản’ khi thỏa mãn một số các điều kiện nhất định, còn các yêu cầu khác về chủ thể, nội dung... sẽ vẫn do luật chuyên ngành điều chỉnh. Tuy nhiên luật cũng sẽ phải điều chỉnh các vấn đề nào mà bản chất quan hệ pháp luật thay đổi do xuất hiện yếu tố ‘điện tử’, ví dụ việc xác định thời điểm chào hàng, chấp nhận chào hàng hay ký kết hợp đồng qua phương thức điện tử, địa điểm ký kết hợp đồng . Ví dụ, Điều 52, 53 Luật Thương mại 1997 chỉ dự liệu các trường hợp ‘vật lý’, nghĩa là thời diểm được xác định bằng ngày tháng ghi trên thư, hay ngày đóng dấu bưu điện (giải thích theo điều 397, 403 BLDS và Công ước Viên 1980), trong khi đối với thông điệp dữ liệu điện tử việc xác định thời diểm ‘được gửi đi’ hay ‘nhận được’ không đơn giản như vậy: từ cái clic chuột, hay từ khi nào (ví dụ sử dụng Outlook Express, gửi đi nhưng không kết nối Internet, mail vẫn nằm trong Outbox nhưng thời gian đã được ghi nhận tại thời diểm gửi đi đó, sau đó một thời gian mới là ‘gửi đi’ thực sự), hay việc xác định địa điểm, nơi hiện diện ‘cụ thể’ ‘con người’ hay nơi xác định theo hệ thống thông tin gắn với người đó... Do đó cần những quy định cụ thể để làm rõ các khái niệm này cũng như để có thể áp dụng trong thực tiễn.
Các vấn đề như quyền sở hữu trí tuệ trong giao dịch điện tử có lẽ nên được quy định riêng (nhất là khi BLDS đang được sửa đổi và có xu hướng sẽ tách phần 6 quy định về SHTT và chuyển giao công nghệ thành một bộ luật riêng). Về vấn đề này nên chú ý phân biệt 2 trường hợp: môi trường điện tử làm xuất hiện các đối tượng mới cần được bảo hộ như tên miền, cơ sở dữ liệu, những hypertext... và môi trường điện tử dẫn đến việc đặt lại vấn đề về những quy định bảo hộ hiện hành cho một số các đối tượng truyền thống được lưu thông trong môi trường ‘mạng’, ví dụ quyền sao chép cá nhân đối với một ‘quyển sách’ được phát hành, ‘mua bán’ trên mạng...
Các quy định về bí mật riêng tư có lẽ cũng nên được điều chỉnh ở một luật khác, bởi lẽ xoay chung quanh vấn đề này có rất nhiều các vấn đề khác cần phải quy định, như vấn đề phải quy định những thông tin nào là bí mật riêng tư, quy định về nghĩa vụ của những chủ thể ‘thu thập’ các thông tin đó, quyền của những người có liên quan... thậm chí phải xây dựng một cơ quan quản lý việc thu thập các thông tin đó (tham khảo mô hình CNIL của Pháp).
Tuy nhiên một số vấn đề sau vẫn nên đưa vào dưới sự điều chỉnh của Luật GDĐT, đó là vấn đề bảo vệ người tiêu dùng và quyền và nghĩa vụ của người cung cấp dịch vụ mạng, dịch vụ chứng thực... Lý do là vì luật chuyên ngành chưa quy định gì, mà đây cũng là những vấn đề liên quan mật thiết đến việc đảm bảo tính an toàn cho các giao dịch điện tử để có thể đưa những quy định của luật đi ngay vào cuộc sống.
Ví dụ về vấn đề bảo vệ người tiêu dùng, do tính ‘không trực tiếp sờ, mó, thấy, nếm...’ các sản phẩm nên luật phải ghi nhận cho người mua non-professional (không chuyên nghiệp) quyền được đổi ý, được trả lại hàng hóa trong một khoảng thời gian nào đấy (luật của Pháp quy định là 7 ngày tại điều L 121-16, khoản 1 Bộ luật tiêu thụ). Hoặc như hành vi clic chuột là quá nhanh để thiết lập hợp đồng (không kịp cân nhắc, đắn đo, phân vân khi chọn mua một món hàng nào đó như bình thường), nên luật phải cho họ quyền được suy nghĩ lại, không chọn món đồ này nữa hoặc không mua sản phẩm kia (giống như mua đồ trong siêu thị, bỏ vào giỏ hay xe đẩy rồi vẫn được quyền đổi ý tại quầy tính tiền). Hay như yêu cầu sự hiển thị rõ ràng các điều khoản của hợp đồng, yêu cầu phải có sự thể hiện ý chí rõ ràng của người mua bằng hành vi clic vào ô Đồng ý....
Liên quan đến vấn đề dịch vụ chứng thực đối với chữ ký điện tử, xin nêu mô hình về cơ quan chứng thực của Pháp trong Nghị định về Chữ ký điện tử 2001 - 272 ngày 30/03/2001: muốn được công nhận giá trị pháp lý thì chữ ký điện tử đó phải đáp ứng các yêu cầu của luật và phải được cung cấp bởi các cơ quan, tổ chức được thừa nhận bởi Nhà nước. Mà muốn được thừa nhận thì các cơ quan này phải xây dựng được quy trình an toàn để tạo ra chữ ký điện tử đáp ứng các yêu cầu của luật và được đánh giá đủ tiêu chuẩn bởi một Ủy ban phụ trách việc xác thực (thuộc Chính phủ, tồn tại bên cạnh Thủ tướng CP), để trên cơ sở đó, một văn phòng khác của Thủ tướng CP phụ trách về An ninh Hệ thống thông tin sẽ cấp cho các cơ quan, tổ chức này Giấy xác nhận (chứng thực) được phổ biến công khai cho mọi người biết. VN chúng ta cũng có thể học tập mô hình này, và như vậy không cần phải hạn chế các cơ quan chứng thực phải là cơ quan nhà nước hay phải mang quốc tịch VN. Và chúng ta cũng nên dự liệu cả việc thừa nhận những tổ chức đã được sự thừa nhận của các quốc gia khác.
Một vấn đề khác nữa, như đã đề cập ở trên, phạm vi áp dụng của luật nên bao trùm tất cả các quan hệ dân sự, thương mại, hành chính, không nên chỉ giới hạn trong quan hệ thương mại. Khi hướng tới một chính phủ điện tử thì cũng nên dự kiến thừa nhận giá trị pháp lý của các thông điệp điện tử được truyền giữa cơ quan nhà nước và doanh nghiệp, người dân, thậm chí giữa các cơ quan nhà nước với nhau. Do luật này sẽ chỉ đặt ra những yêu cầu pháp lý, điều kiện tối thiểu đối với thông điệp dữ liệu điện tử, như vậy đối với những lĩnh vực nhạy cảm như ngân hàng, chứng khoán... cần phải có những yêu cầu nghiêm ngặt hơn thì họ sẽ ban hành các văn bản pháp lý riêng cho mình, căn cứ trên nền tảng của luật này (hiện tại chúng ta đã có một số các Quyết định của NHNN trong Thanh toán điện tử như QĐ 212/2002/QĐ-NHNN ngày 20/03/2002 ban hành quy trình kỹ thuật nghiệp vụ thanh toán bù trừ điện tử liên ngân hàng, QĐ 44/2002/QĐ-NHNN ngày 21/03/2002 về sử dụng chứng từ điện tử làm chứng từ kế toán để hạch toán và thanh toán vốn của các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, QĐ 543/2002/QĐ-NHNN ngày 29/05/2002 ban hành Quy định về xây dựng, cấp phát, quản lý và sử dụng Chữ ký điện tử trên chứng từ điện tử trong thanh toán điện tử liên ngân hàng).
Về vấn đề có nên quy định những giao dịch ngoại lệ nằm ngoài phạm vi điều chỉnh của luật này do tính chất quan trọng, phức tạp của nó, như giao dịch liên quan đến bất động sản, giao dịch liên quan đến di chúc, thừa kế, đến quyền nhân thân...thì theo ý kiến tôi là không cần. Nếu các thông điệp điện tử đã đảm bảo các yêu cầu của luật (văn bản, bản gốc, lưu trữ, có chữ ký...) thì hoàn toàn có thể được sử dụng trong các giao dịch này, không cần phải quy định ngoại lệ không áp dụng... So về mức độ rủi ro thì nó cũng chẳng cao hơn việc sử dụng ‘giấy tờ, văn bản’ trong các giao dịch truyền thống là mấy, bởi việc giả mạo giấy tờ, tống phát không đến nơi, đương sự cố tình trốn khỏi nơi cư trú... trong giao dịch bình thường vẫn luôn tồn tại. Thậm chí có thể nói, với các yêu cầu về chữ ký số, về cơ quan chứng thực, được đặt ra đối với thông điệp điện tử thì nó còn an toàn hơn phương thức truyền thống (công chứng viên...). Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận là những thiệt hại sẽ xảy ra rất lớn một khi kỹ thuật bảo đảm an ninh mạng, an toàn thông tin bị tấn công hay bị phá hủy, do đó cần phải có một cơ sở hạ tầng tốt, hệ thống mạng được bảo vệ an ninh tốt...
Vấn đề cuối cùng là sử dụng câu chữ trong luật. Nếu như dự thảo quy định rằng : “Luật này điều chỉnh mọi giao dịch có sử dụng thông điệp điện tử được thực hiện trên lãnh thổ của nước CHXHCN VN bởi các cá nhân và tổ chức” thì e rằng không ổn. Như đã đề cập ở trên, luật này sẽ chỉ điều chỉnh về mặt hình thức ‘điện tử’ của các giao dịch mà thôi, còn ‘nội dung’ sẽ do luật chuyên ngành quy định. Do đó luật này sẽ không thể điều chỉnh mọi giao dịch có sử dụng thông điệp dữ liệu điện tử, mà chỉ điều chỉnh việc sử dụng thông điệp dữ liệu điện tử (từ dùng trong Dự thảo 6 PLTMĐT). Mặt khác, do tính chất ‘mạng’, ‘ảo’ của các giao dịch này, chúng ta sẽ phải dựa vào yếu tố ‘trụ sở thương mại’ hay ‘quốc tịch’, ‘nơi cư trú’ để xác định chủ thể hay địa điểm diễn ra giao dịch để có thể xác định phạm vi áp dụng của luật này, cũng như xác định luật áp dụng đối với các giao dịch có yếu tố nước ngoài, bởi vì không thể dựa vào tiêu chí địa chỉ IP của máy tính hay server đặt ở đâu để xác định do tính chất ‘không cố định’ và ‘khó kiểm soát’ của nó. Do đó, việc xác định giao dịch có trên lãnh thổ VN hay không, có yếu tố nước ngoài hay không cũng sẽ tương tự như trong các hoạt động ‘truyền thống’ khác và sẽ do luật chuyên ngành điều chỉnh.

Các văn bản liên quan