Đại biểu Trần Hồng Thắm TP Cần Thơ góp ý dự thảo Luật hôn nhân và gia đình (sửa đổi) tại ký họp thứ 7 của QH

Thứ Sáu 15:39 28-11-2014

Trần Hồng Thắm - TP Cần Thơ

Kính thưa chủ tọa phiên họp,

Kính thưa Quốc hội.

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật hôn nhân và gia đình (sửa đổi) của Ủy  ban thường vụ Quốc hội đã thể hiện việc hoàn thiện dự luật từ ý kiến đóng góp thảo luận của các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia từ kỳ họp thứ 6 đến nay đã được thực hiện rất nghiêm túc. Qua đó những quy định chưa rõ, chưa phù hợp đã được lược bỏ hoặc bổ sung làm rõ hơn trong lần trình này. Chẳng hạn như dự luật đã bổ sung Khoản 2, Khoản 3, Điều 2 những nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình là xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc, các thành viên gia đình có nghĩa vụ tôn trọng quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau, không phân biệt đối xử giữa các con. Quy định  này đã đáp ứng kịp thời việc thể chế hóa mục tiêu về xây dựng gia đình ấm no, tiến bộ, hạnh phúc, thực sự là tế bào lành mạnh của xã hội, là môi trường quan trọng trực tiếp giáo dục nếp sống và hình thành nhân cách đã được đề ra trong nghị quyết Đại hội IX của Đảng. Tuy nhiên, còn một số quy định trong dự luật tôi vẫn còn băn khoăn, xin phát biểu như sau.

Thứ nhất, tại Khoản 12, Điều 3 giải thích từ ngữ quy định "yêu sách của cải trong kết hôn là việc đòi hỏi về vật chất một cách quá đáng", đề nghị ban soạn thảo làm rõ khái niệm "quá đáng" trong quy định này là như thế nào, mức độ ra sao thì mới có thể xác định được mức độ vi phạm được quy định tại Điểm d, Khoản 2, Điều 5 về bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình.

Thứ hai, về áp dụng tập quán về hôn nhân và gia đình tại Điều 7, Khoản 1 quy định trong trường hợp pháp luật không quy định và các bên không có thỏa thuận thì tập quán tốt đẹp thể hiện bản sắc của mỗi dân tộc không trái với nguyên tắc quy định tại Điều 2 và không vi phạm điều cấm của luật này được áp dụng. Theo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban thường vụ Quốc hội cũng cho rằng để đảm bảo tính khả thi và thống nhất trong thi hành, nên tại Khoản 2 điều này giao Chính phủ quy định chi tiết Khoản 1. Tôi vẫn băn khoăn với những quy định và lý giải này, bởi vì nước Việt Nam có 55 dân tộc, mỗi dân tộc lại có những phong tục, tập quán riêng, rất đa dạng, phong phú. Liệu việc áp dụng tập quán có làm ảnh hưởng đến vai trò của luật trong việc điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình, ảnh hưởng đến tính thống nhất của hệ thống pháp luật hay không? Với tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành luật hoặc có dự thảo nghị định kèm theo nhưng chưa đầy đủ nội dung như hiện nay thì nên cân nhắc nghiên cứu bổ sung thêm nội dung này. Nên chăng đưa vào dự luật những tiêu chí nhất định về hình thức, nội dung của tập quán tốt đẹp, thể hiện bản sắc dân tộc, trên cơ sở đó dự thảo nghị định của Chính phủ cần kèm theo danh mục các tập quán đáp ứng các tiêu chí trên theo hồ sơ trình của dự luật, để đảm bảo tính khả thi khi luật được xem xét thông qua.

Thứ ba, về quy định mang thai hộ vì mục đích nhân đạo được quy định từ Điều 94 đến Điều 100, theo Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội việc bổ sung quy định mang thai hộ vì mục đích nhân đạo có ý nghĩa nhân văn, phúc đáp nhu cầu thực tiễn của một số cặp vợ chồng không có khả năng sinh con mong muốn được thực hiện quyền làm cha, mẹ. Đồng thời từ việc tiếp thu ý kiến thảo luận tại kỳ họp thứ 6 dự thảo luật trình kỳ này đã bổ sung những quy định nhằm đảm bảo quyền lợi của các bên, quyền lợi trẻ em, quyền lợi của người mang thai hộ và điều chỉnh các vấn đề có thể xảy ra như đa thai, con khuyết tật v.v... Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều cử tri đóng góp cho dự luật vẫn còn băn khoăn và chưa đồng tình với quy định này, vì những lý do đã được rất nhiều đại biểu Quốc hội phát biểu tại lần thảo luận trước như là không đem đứa trẻ làm điều kiện trong hợp đồng thỏa thuận giữa hai bên. Việc người mang thai hộ phát sinh tình cảm với đứa trẻ trong quá trình mang thai, nhưng vẫn phải giao con cho bên nhờ mang thai ngay sau khi sinh thì có nhân đạo hay không v.v...

Ngoài ra, tôi tán thành với phân tích của đại biểu Ngọc Hạnh ở Đăk Nông và đại biểu Đỗ Ngọc Niễn của Bình Thuận, tôi cho rằng vẫn có nhiều vấn đề cần được nghiên cứu thêm, như cần có số liệu khảo sát xem tỷ lệ các cặp vợ chồng không có khả năng sinh con muốn nhờ mang thai hộ và đủ điều kiện nhờ mang thai hộ có cao không. Nếu tỷ lệ này là số ít trong tổng số các cặp vợ chồng không có khả năng sinh con thì quy định này có thể tạo lên sự phân biệt trong xã hội. Cần nghiên cứu việc đứa trẻ sau này có quyền biết thông tin về người mang thai hộ không. Người mang thai hộ có thể tiếp tục liên hệ và tìm hiểu về đứa trẻ do mình sinh ra hay không. Tôi thiết nghĩ chúng ta cần cân nhắc thấu đáo tất cả các vấn đề như trên trước khi xem xét thông qua dự luật, bởi vì đây là vấn đề ảnh hưởng đến thế hệ tương lai của không chỉ một vài gia đình, mà còn có tác động không nhỏ đến xã hội.

Thứ tư, về quy định việc kết hôn, nuôi con nuôi, quan hệ giữa công dân Việt Nam cư trú ở khu vực biên giới với công dân nước láng giềng cư trú ở khu vực biên giới với Việt Nam cũng nên được quy định rõ trong dự luật, để có căn cứ pháp lý giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn cuộc sống tại những vùng này. Tôi xin hết ý kiến phát biểu. Xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan