Đại biểu Đinh Thị Phương Khanh tỉnh Long An góp ý dự thảo Luật hôn nhân và gia đình (sửa đổi) tại ký họp thứ 7 của QH

Thứ Sáu 15:38 28-11-2014

Đinh Thị Phương Khanh - Long An

Kính thưa Chủ trì phiên họp,

Kính thưa Quốc hội,

Tham gia đóng góp ý kiến Luật hôn nhân và gia đình (sửa đổi), tôi có 4 ý kiến đóng góp như sau.

Thứ nhất, về tuổi kết hôn được quy định tại Điều 8, tôi tán thành với phương án là giữ quy định độ tuổi kết hôn theo Luật hôn nhân và gia đình năm 2000. Theo như Báo cáo giải trình, tiếp thu của Ủy ban thường vụ Quốc hội và theo phương án trên, tôi đề nghị nâng độ tuổi kết hôn của nữ lên bằng nam, đó là nam, nữ từ đủ 20 tuổi trở lên. Vì theo tôi sẽ tạo ra được một bước phát triển mới trong hôn nhân và gia đình, là một quy định có tiến bộ đảm bảo bình đẳng trong hôn  nhân, bảo vệ được người phụ nữ. Bởi kết hôn càng sớm thì phụ nữ càng không có lợi, nhất là về mặt sức khỏe sinh sản.

Mặt khác, theo kết quả nghiên cứu của Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn thành phố Hồ Chí Minh thì cứ 2,7 cặp kết hôn thì có 1 cặp ly hôn. Tỷ lệ ly hôn ngày càng tăng, đặc biệt là ở độ tuổi dưới 30. Do đó, nâng tỷ lệ tuổi kết hôn là một trong những giải pháp làm giảm tỷ lệ ly hôn trong thời gian tới và đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em.

Thứ hai, về quy định giải quyết hậu quả của việc nam, nữ sống chung như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn được quy định tại các điều 14, 15.  Theo tôi nên cân nhắc khi quy định nội dung này vào trong dự thảo luật, vì nếu quy định như thế có làm gia tăng việc nam, nữ sống chung như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn hay không? có làm vô hiệu hóa các quy định của pháp luật về đăng ký kết hôn.

Thứ ba, về nguyên tắc phân chia tài sản sau ly hôn được quy định tại Khoản 2, Điều 59, tôi đề nghị bổ sung thêm cụm từ "phải để lại một phần tài sản để cấp dưỡng nuôi con, phần còn lại mới được chia đôi", vì các lý do sau:

Thứ nhất, theo quy định của pháp luật, việc xác định mức cấp dưỡng nuôi con sau khi cha, mẹ ly hôn là căn cứ vào thu nhập của người có nghĩa vụ cấp dưỡng và nhu cầu lợi ích của người con, trong trường hợp sau khi cha, mẹ ly hôn người không trực tiếp nuôi con tái hôn, tài sản của họ tạo ra thuộc về hôn nhân thứ hai là tài sản chung của vợ, chồng. Trong khi đó nghĩa vụ cấp dưỡng cho con riêng thuộc về nghĩa vụ riêng. Do đó việc cấp dưỡng sẽ gặp nhiều khó khăn.

Thứ hai, việc thi hành án thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng sau ly hôn hiện nay gặp rất nhiều khó khăn cho người có nghĩa vụ cấp dưỡng thay đổi nơi ở là lao động tự do và chưa kể trường hợp là người có nghĩa vụ cấp dưỡng trốn tránh trách nhiệm nên không cấp dưỡng. Vì vậy trẻ em trong các gia đình sau ly hôn sẽ gặp rất nhiều khó khăn, bị sốc cả về mặt tinh thần lẫn kinh tế, đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng các em bỏ học lang thang, vi phạm pháp luật. Do đó để bảo đảm cho những đứa trẻ sau ly hôn phát triển cả về thể chất lẫn tinh thần cần quy định việc cấp dưỡng rõ ràng thực thi. Vì vậy việc để lại một phần tài sản của vợ, chồng trước khi chia tài sản chung khi ly hôn sẽ là một biện pháp tối ưu cho việc đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em.

Thứ tư, về việc chăm nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau ly hôn. Tại Khoản 2, Điều 81 có quy định: Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ quyền và mỗi bên sau ly hôn đối với con, nếu không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con, nếu con từ đủ 9 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con. Theo quy định này thì con từ đủ 9 tuổi trở lên có quyền bày tỏ ý kiến khi cha mẹ ly hôn, nhưng không mang tính quyết định trong việc giao con cho ai nuôi hay thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn mà việc xem xét quyền lợi về mọi mặt của con mới là yếu tố quyết định. Do đó, việc hạ thấp độ tuổi của trẻ em được bày tỏ ý kiến trong quan hệ hôn nhân và gia đình không làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ thể khác. Hơn nữa Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách ưu tiên cho sự phát triển toàn diện của trẻ em. Do đó sự phát triển về thể chất và trí tuệ của trẻ đã có sự phát triển rất rõ rệt, đến tuổi vào tiểu học trẻ đã bắt đầu nhận ra sự tồn tại các quan điểm, cách nhìn khác về mình, hiểu và biết được mình muốn gì. Do đó, tôi đề nghị hạ độ tuổi của trẻ trong việc bày tỏ ý kiến xuống còn 6 hoặc 7 tuổi. Tôi hết ý kiến, cảm ơn Quốc hội.  

Các văn bản liên quan