Đại biểu Nguyễn Thị Thanh tỉnh Ninh Bình góp ý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) tại kì họp thứ 7 của QH

Thứ Tư 15:42 26-11-2014

Nguyễn Thị Thanh - Ninh Bình

Kính thưa Quốc hội,

Trong điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, song với quyết tâm cao thực hiện mục tiêu chăm lo tốt hơn đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, của Đảng và Nhà nước ta, tại kỳ họp này Quốc hội đã cho ý kiến vào hai dự án Luật bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế (sửa đổi). Đây là hai dự án luật có tác động đến tất cả các tầng lớp nhân dân. Tôi đồng tình cao với dự án Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi), nhất là những quan điểm, nguyên tắc mang tính ưu việt, tiến bộ, hướng mọi quy định có lợi cho người tham gia bảo hiểm xã hội tại sửa đổi lần này.

Tuy nhiên, để các quy định thể hiện đầy đủ, khoa học, sâu sắc, tính khả thi các quan điểm nguyên tắc đã nêu, Cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu kỹ lưỡng hơn những ý kiến tại thảo luận tại mà tổ các đại biểu đã nêu theo gợi ý của Đoàn thư ký. Tôi xin được tham gia vào một số nội dung cụ thể như sau:

Một, về việc mở rộng đối tượng áp dụng bảo hiểm xã hội bắt buộc, nhằm nâng cao diện bao phủ của bảo hiểm xã hội. Theo đó mà sàn an sinh xã hội được bảo đảm cho mọi người dân đều được nhà nước, xã hội quan tâm. Một giải pháp bắt buộc là rất cần thiết, nhất là trong điều kiện của nước ta hiện nay khi diện bao phủ mới đạt 20% lực lượng lao động, 70% lao động ở khu vực phi trí thức với số tham gia bảo hiểm tự nguyện còn rất thấp.

Mặt khác số doanh nghiệp vừa và nhỏ trong đó có doanh nghiệp hoạt động mang tính chất gia đình với quy mô từ 20-50 lao động ít được thực hiện về ký kết hợp đồng lao động, cũng như thực hiện bảo hiểm xã hội và các chính sách xã hội khác chiếm một tỷ lệ lớn. Do vậy, để tạo hành lang pháp lý cho người sử dụng lao động và người lao động rất cần phải bổ sung quy định người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn dưới 3 tháng được giao kết bằng văn bản tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Tuy nhiên, để đảm bảo tính khả thi cho việc quy định này Cơ quan soạn thảo cần phải nghiên cứu quy định đa dạng các gói bảo hiểm xã hội, để người sử dụng lao động và người lao động có nhiều sự lựa chọn phù hợp với kết quả tổ chức kinh doanh và sự đóng góp của người lao động.

Tôi đồng tình rất cao việc áp dụng chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí và bổ sung người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Hiện nay chúng ta đang có một lực lượng khá đông đảo đội ngũ cán bộ không chuyên trách cấp xã đang được hưởng phụ cấp khác với 10 năm về trước phần lớn cán bộ không chuyên trách cấp xã là do nhiều cán bộ về hưu đảm nhiệm thì hiện nay phần lớn là do bộ đội xuất ngũ, sinh viên, cán bộ trưởng thành từ cơ sở đảm nhiệm, nên chưa có chính sách bảo hiểm xã hội. Để khuyến khích và tạo điều kiện cho cán bộ chuyên trách cấp xã gắn bó tâm huyết với công việc đang đảm nhiệm thì việc quy định bảo hiểm bắt buộc là rất cần thiết.

Hai, về điều kiện hưởng lương hưu, tôi đồng tình với cách lý giải của Ủy ban Về các vấn đề xã hội trên cơ sở nghiên cứu đầy đủ và khoa học những thông số về tuổi thọ, tuổi sống khỏe mạnh diễn biến dân số, số lao động trẻ cần bố trí hàng năm điều kiện lao động, năng suất lao động, cách đóng, cách hưởng bảo hiểm xã hội, hiện nay để tính toán một cách thuyết phục, không nên chỉ lấy thông số về việc bảo toàn quỹ để lý giải cho việc tăng tuổi hưu, tăng thời gian đóng bảo hiểm xã hội. Tôi đề nghị Chính phủ cần sớm quy định cụ thể Điều 187 Bộ luật Lao động đó là nâng tuổi nghỉ hưu đối với người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, người lao động làm công tác quản lý và một số trường hợp đặc biệt khác.

Ba, về bổ sung thẩm quyền cho tổ chức bảo hiểm xã hội thực hiện thanh tra chuyên ngành về bảo hiểm xã hội, căn cứ vào tình hình thực tế hiện nay về tình trạng trốn đóng, nợ bảo hiểm xã hội, khả năng thực thi của thanh tra ngành lao động, thương binh và xã hội, ngành y tế về lĩnh vực  này, mặt khác nhằm tăng cường mối quan hệ quyền lợi và trách nhiệm của cơ quan bảo hiểm xã hội, tôi đồng tình cao việc bổ sung thẩm quyền cho tổ chức bảo hiểm xã hội thực hiện thanh tra chuyên ngành về bảo hiểm xã hội theo cơ chế ủy quyền của Chính phủ. Theo đó cần quy định rõ các chế tài về xử lý hành chính, xử lý hình sự, khởi kiện doanh nghiệp ra tòa về hành vi vi phạm pháp luật về bảo hiểm xã hội.

Bốn, về chi phí quản lý bảo hiểm xã hội, hiện nay việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đối tượng, thanh quyết toán chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế ở nước ta còn rất hạn chế. Các nước có điều kiện như chúng ta đã mã hóa các tiêu chí, đối tượng thông qua thẻ điện tử, đặc biệt để đón bắt việc cấp mã định danh cho công dân theo chủ trương của ngành công an sắp tới cần tích hợp các tiêu chí của người tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm tự nguyện, bảo hiểm y tế với các dữ liệu quản lý nhà nước như hộ tịch, hộ khẩu, tài khoản ngân hàng, cấp quản lý hộ chiếu v.v.... Do vậy, để giải quyết những vấn đề trước mắt và lâu dài về cải cách hành chính trong lĩnh vực này, cơ chế tài chính về chi phí quản lý bảo hiểm xã hội cũng cần phải tính đến. Mặt khác, Quỹ bảo hiểm xã hội do người lao động và người sử dụng lao động đóng góp nên chi phí phải lấy từ khoản sinh lời của hoạt động đầu tư Quỹ bảo hiểm xã hội. Vì vậy, tôi đề nghị nên giao Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định cụ thể trong từng thời kỳ cho phù hợp, khả thi, tiết kiệm, nhưng vẫn đảm bảo cho ngành bảo hiểm xã hội hoàn thành nhiệm vụ, không quy định như dự thảo là mức chi phí quản lý bảo hiểm xã hội dựa trên tổng số thu, tối đa không quá 3%. Xin hết ý kiến. Xin cám ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan