Đại biểu Lê Thành Nhơn tỉnh Bình Dương góp ý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) tại kì họp thứ 7 của QH

Thứ Tư 15:41 26-11-2014

Lê Thành Nhơn - Bình Dương

Kính thưa Quốc hội.

Tôi hoan nghênh và đồng tình rất cao về sự cần thiết phải ban hành Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi) lần này. Tôi cũng nhất trí với nhiều nội dung của dự thảo luật đã trình, tuy nhiên tôi xin phép trao đổi với ban soạn thảo một số nội dung sau đây:

Trước hết dự thảo luật lần này đã đưa đối tượng hợp đồng lao động dưới 3 tháng vào diện bắt buộc đóng bảo hiểm xã hội. Tôi cho rằng đây là một điều mới và rất nhân đạo. Tuy nhiên trong thực tế tôi thấy rằng việc này rất khó thực hiện, do đó tôi đề nghị Ban soạn thảo cần có giải trình và có phương thức để triển khai phương án này cho có hiệu quả. Vấn đề quan trọng là hiện nay còn trên 5 triệu lao động thuộc diện bảo hiểm xã hội bắt buộc nhưng chúng ta chưa thu được, do đó tôi đề nghị ban soạn thảo lưu ý.

Đồng thời tôi cũng đề nghị với Ban soạn thảo đưa đối tượng chuyên trách, không chuyên trách ở các xã, phường, thị trấn vào diện bắt buộc đóng bảo hiểm xã hội.

Tôi đồng tình bổ sung quyền được thanh tra chuyên ngành của bảo hiểm xã hội. Tôi cho rằng bảo hiểm xã hội là một tổ chức tài chính, làm nhiệm vụ thu, chi và tăng trưởng quỹ cho hàng mấy chục triệu người lao động. Đây là cơ quan thuộc Chính phủ, không đơn thuần là một tổ chức sự nghiệp. Do đó, tôi đề nghị và đồng tình cơ quan bảo hiểm xã hội được quyền thanh tra.

Về tuổi nghỉ hưu đã được pháp luật lao động quy định và có hiệu lực từ năm 2013 nhưng không hiểu vì sao trong Luật bảo hiểm xã hội lần này, Ban soạn thảo lại tiếp tục đưa tuổi nghỉ hưu vào Luật bảo hiểm xã hội. Tôi nhận thức rằng tuổi nghỉ hưu và tuổi lao động là một. Ở đây Luật bảo hiểm xã hội chỉ bàn những điều kiện để được nghỉ hưu chứ không bàn đến tuổi nghỉ hưu, tức là bàn những điều kiện để được nghỉ hưu. Do đó, tôi thấy rằng lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu trong tờ trình của Ban soạn thảo chưa thuyết phục. Mặt khác, việc lớn nhất là ban soạn thảo cần phải tập trung thu để tăng chi là cái gì thì không nói rõ.

Hiện nay còn trên 5 triệu người bằng 1/3 số lao động phải đóng bảo hiểm xã hội trong diện bắt buộc nhưng chưa đóng được. Tôi đề nghị Ban soạn thảo lưu ý và có biện pháp để thu cho đầy đủ. Mặt khác, Ban soạn thảo cũng chưa có khảo sát nào đối với đối tượng lao động chân tay ở các khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước. Hiện nay hàng triệu người lao động ở các ngành dệt may, giầy da, thủy sản, cao su, công nhân vệ sinh thì trong 5 năm, 10 năm nữa chưa thể đáp ứng được yêu cầu tăng tuổi làm việc như đề nghị của Ban soạn thảo. Tôi đề nghị Ban soạn thảo nên xem xét và tạm dừng phương án tăng tuổi đối với người lao động ở trong khu vực này.

Thứ tư, về tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội, trong điều kiện cạnh tranh khá gay gắt hiện nay, tôi thấy nếu đóng ngay đủ Điều 90 của Luật lao động thì rất khó cho doanh nghiệp. Nhưng nếu chưa là đến năm 2018 thì lấy cơ sở nào, căn cứ vào đâu để bảo đảm người sử dụng lao động có căn cứ để đóng đủ tiền bảo hiểm xã hội cho người lao động. Nếu không thì người lao động sẽ tiếp tục chịu thiệt thòi những quyền lợi chính đáng hợp pháp của mình sau 20 - 30 năm lao động vất vả mà khi về hưu mức lương khoảng 1, 2 triệu - 1,5 triệu . Đây là con số chúng tôi tính toán sơ bộ đối với công nhân lao động ở Bình Dương trong 20 năm vừa qua. Nếu như về hưu thì số công nhân này cũng đạt được khoảng chừng 1,2 triệu đến 1,5 triệu 1 người; chưa nói đóng bảo hiểm như thế này thì bất bình đẳng giữa khối doanh nghiệp nhà nước và khối doanh nghiệp ngoài nhà nước.

Thứ năm, về giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội một lần, dự thảo quy định còn 2 điều kiện được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần. Tôi thấy nên duy trì tiếp tục trong vài ba năm nữa chế độ bảo hiểm xã hội một lần đối với những đối tượng có đóng bảo hiểm xã hội đủ 20 năm nhưng có mất sức lao động từ 61% trở lên. Tôi thấy đây là một việc cần phải thực hiện tiếp tục trong vài ba năm nữa, sau đó thì hãy cắt khoản này.

Vấn đề thứ sáu, tôi đồng tình với Tờ trình của Ủy ban Về các vấn đề xã hội về quỹ bảo hiểm xã hội ngắn hạn là không chuyển qua quỹ bảo hiểm hưu trí và tự túc. Vì bản chất các loại quỹ này khác nhau, mục đích, ý nghĩa khác nhau. Do đó, tôi không đồng tình chuyển qua quỹ hưu trí và tự túc.

Về chi phí quản lý, tôi thống nhất với nhiều ý kiến, tôi thấy chi phí quản lý từ 3% trở xuống và theo định mức của các chế độ quy định chung. Tôi xin hết ý kiến, cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan