Đại biểu Lương Thanh Quyết tỉnh Quảng Ninh góp ý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) tại kì họp thứ 7 của QH

Thứ Tư 15:45 26-11-2014

Thích Thanh Quyết (Lương Công Quyết) - Quảng Ninh

Kính thưa Quốc hội,

Tôi xin tham gia đóng góp một số ý kiến đối với Luật bảo hiểm xã hội (sửa đổi) như sau:

Một, về đối tượng áp dụng ở Điều 2, tôi tán thành việc  mở rộng đối tượng người lao động làm việc theo hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định, có thời hạn từ 1 tháng đến dưới 3 tháng được giao kết bằng một văn bản, như Điểm b, Khoản 1, Điều 2 của dự thảo luật và tôi đề nghị gộp hai Điểm a và b của Khoản 1, Điều 2 vì có sự trùng lặp đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội. Theo đó quy định cụ thể là "người lao động làm việc theo hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ 1 tháng trở lên đến dưới 12 tháng được giao kết bằng một văn bản". Ở đây sử dụng khái niệm "người lao động" và bỏ khái niệm "người làm việc" cho thống nhất với Luật lao động năm 2012. Tuy nhiên, tôi đề nghị cần xem xét kỹ thêm và bổ sung về cơ cấu đóng, hưởng và chế độ bảo hiểm xã hội tự nguyện .

Hai, tại Khoản 2, Điều 53 của dự thảo luật quy định về độ tuổi hưởng lương hưu, nếu cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng tuổi thì đến khi đạt được 60 tuổi đối với nữ và 62 tuổi đối với nam, theo tôi đề nghị nên giữ đúng tại Khoản 1, Điều 187 của Bộ luật lao động đã quy định. Người lao động được hưởng lương hưu khi nam đủ 60 tuổi, nữ đủ 55 tuổi,  vì không nên vì không quản lý được quỹ bảo hiểm mà phải bắt thay đổi Luật lao động. Các lý do như các đại biểu đã trình bày trước tôi.

Ba, về điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động Điều 54 và tăng tỷ lệ trừ phần trăm lương hưu đối với người lao động, nghỉ hưu trước tuổi từ 1% lên 2% Khoản 3, Điều 55. Tôi cho rằng khi người lao động đã bị suy giảm khả năng lao động từ 60% trở lên thì khó đảm bảo được chất lượng công việc, do đó khuyến khích họ nên nghỉ hưu để đảm bảo sức khỏe cho người lao động cũng như hiệu quả sử dụng lao động của người sử dụng lao động. Không nên tạo gánh nặng cho người sử dụng lao động khi chất lượng lao động không còn được đảm bảo.

Bốn, về chức năng của tổ chức bảo hiểm xã hội Điều 93, Bảo hiểm xã hội Việt Nam là cơ quan trực thuộc Chính phủ, là tổ chức đan xen cả sự nghiệp và quản lý nhà nước. Không phải đơn vị sự nghiệp đơn thuần mà thực hiện cả các dịch vụ công đặc biệt, thực hiện chức năng quản lý nhà nước, quản lý tài chính, đầu tư tăng trưởng quỹ. Do đó, tôi đề nghị sửa Khoản 1, Điều 93 của dự thảo Luật bảo hiểm xã hội thành Tổ chức bảo hiểm xã hội là cơ quan chuyên ngành có chức năng quản lý và tổ chức thực hiện chế độ chính sách bảo hiểm xã hội, quản lý quỹ bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật.

Năm, về bổ sung thẩm quyền cho tổ chức bảo hiểm xã hội, thực hiện thanh tra chuyên ngành về bảo hiểm xã hội Khoản 3, Điều 21. Quá trình thực hiện Luật bảo hiểm xã hội cho thấy tình trạng nợ đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội còn diễn ra khá phổ biến, có xu hướng gia tăng với số tiền nợ rất lớn. Đặc biệt nhiều doanh nghiệp cố tình nợ đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội và chiếm dụng tiền đóng bảo hiểm xã hội của người lao động, gây ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động, ảnh hưởng đến nguồn thu quỹ của quỹ bảo hiểm xã hội.

Vì vậy, tôi thấy cần thiết bổ sung chức năng thanh tra chuyên ngành về bảo hiểm xã hội cho tổ chức bảo hiểm xã hội là một trong các giải pháp khắc phục những tồn tại hiện nay đối với việc chấp hành pháp luật bảo hiểm xã hội và đảm bảo quyền lợi của người lao động. Tôi đề nghị sửa Khoản 3, Điều 21 dự thảo Luật bảo hiểm xã hội "Cơ quan bảo hiểm xã hội có quyền thanh tra và xử  phạt các trường hợp vi phạm pháp luật về đóng, hưởng bảo hiểm xã hội". Điều này không mâu thuẫn với Luật thanh tra.

Sáu, về chi phí quản lý bảo hiểm xã hội là cần thiết và được trích từ tiền sinh lời của hoạt động đầu tư từ quỹ bảo hiểm xã hội. Mức chi cụ thể nên do Chính phủ quy định.

Bảy, tại Điểm b, Khoản 2, Điều 13, về quyền và trách nhiệm của tổ chức công đoàn. Đề nghị bổ sung cụm từ "thanh tra" và viết lại là "tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thi hành pháp luật về bảo hiểm xã hội" cho phù hợp với Khoản 1, Điều 14. Luật công đoàn năm 2012 được quy định về quyền, trách nhiệm của công đoàn là tham gia phối hợp với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thanh tra, kiểm tra, giám sát, việc thực hiện chế độ chính sách pháp luật về lao động. Công đoàn, cán bộ, công chức, viên chức bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và chế độ chính sách pháp luật khác có liên quan đến quyền nghĩa vụ của người lao động, điều tra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Xin trân trọng cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan