Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà thành phố Hà Nội góp ý dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) tại kì họp thứ 7 của QH

Thứ Tư 16:36 26-11-2014

Nguyễn Thị Hồng Hà - TP Hà Nội

Kính thưa Quốc hội, nghiên cứu dự thảo Luật Đầu tư công và báo cáo giải trình tiếp thu của Ủy ban Thường vụ, tôi thấy dự thảo đã tiếp thu khá đầy đủ những góp ý của đại biểu Quốc hội tại kỳ 6 và nhiều ý kiến của Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội. Dự thảo đã được chỉnh sửa hoàn thiện rõ ràng, rành mạch, đạt yêu cầu của một văn bản luật để Quốc hội thông qua. Theo gợi ý của đoàn thư ký, tôi xin góp thêm mấy ý nhỏ.

Thứ nhất, các khái niệm đầu tư công và dự án đầu tư công trong Khoản 1 và Khoản 8 của Điều 4 còn chưa chặt chẽ, rõ ràng trong tiêu chí nhận diện đầu tư công và dự án đầu tư công, nhất là cụm từ "phục vụ" trong Khoản 1 và cụm từ "một phần" trong Khoản 8 vì nghĩa thì rộng, thiếu cụ thể và dễ bị diễn đạt, giải thích và hiểu không giống nhau, dễ bị lạm dụng, khó xác định trong thực tế. Điều này càng phải hết sức tránh trong bối cảnh thời gian tới Việt Nam tăng cường đầu tư theo hình thức công tư kết hợp. Khái niệm đầu tư công ở Khoản 2 dường như bỏ qua hoàn toàn yêu cầu đảm bảo chất lượng hiệu quả đầu tư công và thực hiện dự án đầu tư công mà hiện nay đang là vấn đề, là mối quan tâm của xã hội. Khái niệm này mới chỉ chú trọng đến vấn đề kế hoạch, quy trình, tiến độ. Vì vậy tôi đề nghị diễn đạt lại Khoản 1 và Khoản 8 cho cụ thể và chặt chẽ hơn, theo đó có thể bỏ cụm từ "phục vụ" trong Khoản 1, thay cụm từ "một phần" ở Khoản 8 bằng một mức cụ thể. Ví dụ có thể từ 51% trở lên về tỷ lệ vốn nhà nước trong dự án được xếp vào đầu tư công, cần bổ sung cụm từ "bảo đảm chất lượng hiệu quả đầu tư" vào cuối Khoản 2 của Điều 4 để nhấn mạnh mục tiêu, yêu cầu đảm bảo chất lượng, hiệu quả trong hoạt động đầu tư công.

Thứ hai, các tiêu chí phân loại dự án đầu tư công và điều chỉnh phân loại dự án đầu công thể hiện ở Điều 7, 8, 10, 11 về cơ bản là phù hợp. Song cần lưu ý 2 điểm.

Một là trị giá dự án được tính bằng tiền cần được điều chỉnh theo thời gian để phù hợp với diễn biến thực tế cả về lạm phát cũng như độ chuyển dịch giá, chi phí v.v...

Hai là cần xác định và bổ sung một số điều kiện để phòng ngừa hiện tượng xé nhỏ dự án lớn thành các dự án nhỏ để lách qua những thủ tục kiểm soát theo quy trình và phân cấp đầu tư thể hiện ở Điều 17 và Điều 38 và những yêu cầu này cần được cụ thể hóa trong quyết định điều chỉnh tiêu chí phân loại dự án đầu tư theo quy định ở Điều 11.

Ba là về công khai, minh bạch và giám sát đầu tư của cộng đồng trong đầu tư công thể hiện ở Điều 80, 81, 82. Theo tôi các nội dung quy định giám sát cộng đồng được thể hiện trong dự thảo là cần thiết và phù hợp với xu thế chung hiện nay. Tuy nhiên, quy định nội dung giám sát cộng đồng như trên vẫn còn thụ động và thuần túy về giám sát việc triển khai. Vì vậy, cần bổ sung quyền của cộng đồng được tham gia ngay từ đầu khi góp ý và hoàn thiện dự án đầu tư công, quyền đòi truy tố được báo cáo kết quả xử lý người xâm phạm quyền lợi và tham nhũng trong hoạt động đầu tư công. Cần bổ sung nội hàm cộng đồng, bởi đây không chỉ là người dân nơi diễn ra dự án đầu tư công mà còn là toàn dân và giới truyền thông, các hiệp hội đoàn thể trong hệ thống chính trị và Hội nghề nghiệp có liên quan.

Đối với những dự án đầu tư công có tầm quan trọng đặc biệt quốc gia cần bổ sung quy định lấy ý kiến nhân dân và sự giám sát của toàn dân, cần bổ sung và cụ thể hóa các nguyên tắc, quy trình và chế tài cho việc tổ chức tham khảo, tiếp thu, xử lý và thực hiện các kết quả giám sát và ý kiến cộng đồng đối với các dự án công, nhất là loại dự án có ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường sống của cư dân địa phương như ở Khoản 2, Điều 80 đã nêu. Việc bổ sung này là cần thiết để tránh hình thức hóa việc tham khảo và giám sát cộng đồng, cũng như đảm bảo tính đồng thuận cao và ổn định trật tự xã hội trên địa bàn và kết quả thực hiện của các dự án đầu tư công.

Thứ tư, với nội dung quy định tại Chương V, về quyền và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong đầu tư công từ Điều 84 đến Điều 103. Tôi đề nghị làm rõ mức độ nào thì xác định dự án là sai, mức độ nào và thời gian bao lâu thì xác định dự án là chậm tiến độ để quy trách nhiệm cho cơ quan, tổ chức, cá nhân. Bởi thực tế đã có quá nhiều dự án chậm, dự án treo hàng chục năm nhưng không thấy ai chịu trách nhiệm. Tôi đề nghị bổ sung quy định về trách nhiệm trong trường hợp lập, thẩm định dự án không sát thực tế, dẫn đến phát sinh vốn đầu tư công quá lớn như một số dự án vừa qua.

Ngoài ra về kỹ thuật văn bản luật, đề nghị Ban soạn thảo rà soát tại Chương V, không có Mục 1 nhưng lại có Mục 2.

Tại Khoản 7, Điều 98 có cụm từ "sai không đúng" viết như vậy không chuẩn xác. Tôi xin hết ý kiến

Các văn bản liên quan