Đại biểu Hồ Thị Thủy tỉnh Vĩnh Phúc góp ý dự thảo Luật nhà ở (sửa đổi) tại kì họp thứ 7 của QH

Thứ Sáu 14:36 28-11-2014

Hồ Thị Thủy - Vĩnh Phúc

Kính thưa chủ tọa phiên họp,

Kính thưa Quốc hội.

Sau gần 8 năm thi hành Luật nhà ở đã đạt được những thành tựu quan trọng, cơ bản giải quyết được nhu cầu nhà ở của người dân, đặc biệt là việc hỗ trợ, cải thiện nhà ở cho các đối tượng chính sách xã hội, người thu nhập thấp, người nghèo có khó khăn về nhà ở, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội từng bước đảm bảo an sinh xã hội. Tuy nhiên, Luật nhà ở hiện hành đã bộc lộ một số hạn chế như tình trạng phát triển nhà ở tràn lan, không có kế hoạch, không theo quy hoạch, làm mất cân đối nhu cầu về nhà ở, thiếu nhà ở giá rẻ cho người thu nhập thấp, người nghèo còn khó khăn về nhà ở nhưng lại dư thừa nhà ở cao cấp. Nhiều đối tượng thuộc diện chính sách xã hội, thu nhập thấp, lực lượng công nhân ở các khu, cụm công nghiệp không tiếp cận được nhà ở, chưa có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội dẫn đến việc doanh nghiệp chỉ chú trọng đầu tư xây dựng nhà ở để bán với mục đích thu hồi vốn nhanh, giá bán chưa phù hợp với điều kiện và khả năng chi trả của người có nhu cầu. Việc quản lý nhà chung cư, nhà ở công vụ còn nhiều bất cập, chưa có chính sách thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển nhà ở.

Qua nghiên cứu dự án Luật nhà ở (sửa đổi), tôi tán thành với đánh giá của Ủy ban Pháp luật về sự chuẩn bị công phu, nghiêm túc của cơ quan soạn thảo. Dự án luật đã thể chế hóa đầy đủ các quan điểm của Đảng trong lĩnh vực nhà ở, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp về quyền có nhà ở, quyền sở hữu nhà ở của công dân, đồng thời tạo môi trường thuận lợi để người dân, doanh nghiệp và nhà nước phát triển nhà ở theo hướng lành mạnh, bền vững; khắc phục những tồn tại, vướng mắc, không phù hợp với thực tiễn của luật hiện hành. Tuy nhiên, để góp phần hoàn thiện dự án luật, tôi xin tham gia một số ý kiến như sau:

Một, về đối tượng sở hữu nhà ở ở Điều 8, tôi tán thành với quy định của dự thảo luật. Theo đó đối tượng sở hữu nhà ở tại Việt Nam, bao gồm tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam, tổ chức nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam, cá nhân nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam. Tuy nhiên, tôi đề nghị nghiên cứu bổ sung một số đối tượng khác được sở hữu nhà ở như dòng họ, cộng đồng dân cư, cơ sở tôn giáo, vì thực tế những đối tượng này đang được sở hữu nhà ở theo quy định của pháp luật, đồng thời cũng phù hợp với Luật đất đai hiện hành.

Đối với nhà ở công vụ và một phần nhà ở xã hội ở được nhà nước đầu tư xây dựng bằng vốn ngân sách. Đây là tài sản công do nhà nước làm chủ sở hữu, các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị xã hội làm đại diện chủ sở hữu. Vì vậy, luật cần nghiên cứu bổ sung đối tượng này là đối tượng sở hữu nhà ở. Quy định như vậy sẽ tạo hành lang pháp lý cho các cơ quan nhà nước xây dựng nhà để bán giá rẻ hoặc cho thuê mang tính công ích, phí lợi nhuận ở các địa bàn mà doanh nghiệp không đầu tư. Quy định này cũng phù hợp với Điều 10 về công nhận quyền sở hữu nhà ở và Khoản 1, Điều 54 về các hình thức phát triển nhà ở xã hội để bán, cho thuê, cho thuê mua của dự thảo luật.

Hai là, về quyền sở hữu nhà ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài  Điều 155, của tổ chức cá nhân người nước ngoài tại Việt Nam Điều 157. Tôi tán thành với quy định mở rộng cho phép người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam có quyền sở hữu nhà ở, nhằm thu hút nhân tài, nguồn lực, góp phần thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Thực tế hiện nay chúng ta hạn chế người Việt Nam ở nước ngoài và tổ chức người nước ngoài mua bán nhà ở, trong khi đó chúng ta lại không quản lý được các doanh nghiệp trong nước tự do chuyển nhượng dự án cho các doanh nghiệp nước ngoài.

Việc mở rộng đối tượng người Việt Nam định cư ở nước ngoài và tổ chức người nước ngoài có quyền sử dụng nhà  ở, ngoài các lý do trên thì còn nhằm kích thích các lĩnh vực khác phát triển theo và nhà nước cũng thu được ngoại tệ và thu thuế.

Tuy nhiên dự thảo luật cũng cần quy định chặt chẽ để tránh sự cạnh tranh với các đối tượng trong nước có nhu cầu về nhà ở thực sự cũng như để đảm bảo về an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.

Ba là, về nhà ở xã hội. Trong 10 nhóm nội dung cần sửa đổi, bổ sung, nhằm khắc phục những vấn đề bất cập tồn tại của Luật nhà ở hiện hành thì những nội dung liên quan đến nhà ở xã hội được nhiều chuyên gia đánh giá là điểm sáng của Luật nhà ở (sửa đổi). Dự thảo luật đã dành một chương riêng với những nội dung quy định khá cụ thể đối tượng, điều kiện được hưởng chính sách về nhà ở xã hội, về nguyên tắc thực hiện và các chính sách để phát triển nhà ở xã hội. Đây là cơ hội cho người thu nhập thấp, người khó khăn về nhà ở như đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức, sinh viên mới ra trường, người ngoại tỉnh, vợ chồng trẻ, nhất là công nhân ở các khu công nghiệp được tiếp cận nhà ở.

Thực tế trong thời gian qua do Luật nhà ở hiện hành chưa quy định cụ thể về việc phát triển nhà ở xã hội nên một số địa phương đã vận dụng một số cơ chế chính sách để tạo điều kiện cho người có thu nhập thấp, người khó khăn có cơ hội về nhà ở nên đã xảy ra nhiều quan điểm khác nhau chưa thống nhất dẫn đến một số địa phương bị xử lý sai phạm.

Dự thảo Luật nhà ở (sửa đổi) sẽ khắc phục được vấn đề này với những quy định chặt chẽ, chính sách minh bạch, đồng thời hạn chế tình trạng đầu cơ trục lợi, tham nhũng đối với thị trường nhà ở và bất động sản.

Phát triển nhà ở xã hội là một chính sách đúng đắn mang tính nhân văn, hướng tới các đối tượng thực sự có nhu cầu về nhà ở nhưng còn khó khăn về tài chính để mua nhà, nên nhà nước cũng cần có chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp tham gia phát triển nhà ở xã hội. Thực tế hiện nay giá bán nhà ở xã hội vẫn ở mức cao so với thu nhập của đại đa số người dân. Vì doanh nghiệp hoạt động đều phải tính đến lợi nhuận, chỉ nhiều hay ít. Việc phát triển nhà ở xã hội là cần thiết nhưng tránh bao cấp tràn lan, lợi dụng chính sách để trục lợi, ngược lại cũng không làm khó các đối tượng thực sự có nhu cầu về nhà ở mà khó khăn về tài chính. Tôi xin hết ý kiến. Xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan