Đại biểu Thích Bảo Nghiêm TP Hà Nội góp ý dự thảo Luật nhà ở (sửa đổi) tại kì họp thứ 7 của QH

Thứ Sáu 14:35 28-11-2014

Thích Bảo Nghiêm (Đặng Minh Châu) - TP Hà Nội

Kính thưa Đoàn chủ toạ,

Kính thưa Quốc hội.

Qua nghiên cứu dự án Luật nhà ở (sửa đổi) trình Quốc hội và Báo cáo của Bộ Xây dựng về giải trình, tiếp thu, chỉnh lí dự thảo Luật nhà ở, chúng tôi xin đóng góp một số ý kiến như sau:

Thứ nhất, về sự cần thiết xây dựng luật tuân thủ Hiến pháp và tính thống nhất đồng bộ với hệ thống luật. Thống nhất tán thành sự cần thiết phải sửa đổi Luật nhà ở và sáu quan điểm xây dựng luật đã được nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Dự thảo luật cơ bản đã thể chế hoá được chủ trương đường lối của Đảng về phát triển nhà ở, đã tiếp cận được thực tiễn và góp phần khắc phục hạn chế tồn tại trong lĩnh vực nhà ở. Tuy nhiên, cũng còn tồn tại một số ý kiến đã đề cập như trong dự thảo và cả ý kiến tiếp thu của Bộ xây dựng chưa nêu rõ tiếp thu hoàn chỉnh như thế nào. Cụ thể hoá các quy định của Hiến pháp 2013, các khái niệm về nơi ở hợp pháp, quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở được nêu tại Điều 22, quyền cư trú tại Điều 23, quyền sở hữu nhà ở tại Điều 32, quyền sử dụng đất trong đó có đất ở được pháp luật bảo hộ nêu tại Điều 54. Nhà nước có chính sách phát triển nhà ở, tạo điều kiện để mọi người có chỗ ở nêu tại Điều 59. Như vậy, Hiến pháp đã nêu rõ các quy định với từng khái niệm cụ thể về nơi ở, chỗ ở, nhà ở, xong trong dự thảo Luật nhà ở với phát triển đa dạng loại hình nhà ở thương mại, thuê, mua, với định hướng phát triển phần lớn là nhà chung cư rất cần Bộ Xây dựng rà soát lại.

Phần b, về tính chất thống nhất đồng bộ với các luật khác Bộ Xây dựng cho rằng đã rà soát đối chiếu với các luật liên quan đang hiệu lực được Quốc hội thông qua hoặc đang nghiên cứu, sửa đổi xong thực tiễn dự thảo thể hiện còn chưa đồng bộ. Ví dụ để xác định đất cho phát triển nhà ở theo Điều 17 dự thảo quy định cần phân định rõ cho từng loại nhà ở thương mại, xã hội, công vụ, tái định cư và được thể hiện trong quy hoạch đô thị, quy hoạch ngành. Đây là quy định không phù hợp với Luật quy hoạch đô thị năm 2010, với quy hoạch chung, quy hoạch phân khu.

Quỹ đất để phát triển nhà ở thương mại Điều 24 dự thảo, nhà ở công vụ Điều 29 dự thảo, nhà ở tái định cư Điều 38 dự thảo được quy định chỉ phải tuân thủ quy hoạch xây dựng. Trong khi đó theo Luật đất đai năm 2013 sửa đổi cũng quy định tại Điều 35 kế hoạch ngành, lĩnh vực phải phù hợp với quy định phát triển sử dụng đất được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt mà không nêu quy hoạch xây dựng. Vậy ở đây cần đồng bộ các luật không chỉ quy định yêu cầu quản lý theo nhiệm vụ của riêng ngành mình sẽ dẫn đến khó khăn, phức tạp trong quản lý cho chính quyền địa phương.

Thứ hai, về quy định phát triển nhà ở của hộ gia đình cá nhân. Trong dự thảo luật đã nêu khá kỹ về phát triển nhà ở của hộ gia đình cá nhân tại khu vực nông thôn. Chúng tôi tán thành các quy định này và giữ nguyên như ý kiến tiếp thu của Bộ Xây dựng. Tuy vậy, trong thảo luận ở tổ và ý kiến của các cử tri cho rằng trong dự thảo chưa quy định đầy đủ và đúng về phát triển nhà ở, căn hộ gia đình, cá nhân tại khu vực đô thị như Điều 44 dự thảo. Hiện nay dân số đô thị chiếm tới hơn 33% tổng dân số. Nhiều đô thị có quá trình lịch sử phát triển thì cải tạo nhà ở trong các khu đô thị rất cần quan tâm. Đây không chỉ là nâng cao chất lượng đời sống cho người dân mà còn có giá trị đóng góp diện mạo đô thị, biểu hiện văn hóa của đô thị và là nguồn lực đáng kể để phát triển kinh tế và để thực hiện mục tiêu theo chiến lược phát triển nhà ở quốc gia cho đến năm 2020 đã được Chính phủ xác định từ năm 2011, tại các đô thị phát triển nhà ở chủ yếu được thực hiện theo dự án là hợp lý.

Trong dự thảo luật tại các điều từ 45 cho đến 49 có xen lẫn một số quy định về đối tượng này, nhưng chỉ là trách nhiệm của các sở hữu, mà chưa thấy rõ nhà nước tạo điều kiện như thế nào, trách nhiệm công khai quy hoạch cung cấp thông tin, hỗ trợ tư vấn, vai trò chính quyền cơ sở.

Ngoài ra, trong Điều 45, Khoản 2 có quy định: Được xây dựng nhà ở từ đất đai do thuê, mượn của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khác. Nội dung này cần được xem xét lại chặt chẽ hơn để tránh tranh chấp, khiếu nại trong xây dựng. Đề nghị dự thảo luật cần điều chỉnh, bổ sung để tạo điều kiện cho người dân trong các khu đô thị cũ phát triển, cải tạo nhà ở thuận lợi hơn và quản lý chặt chẽ hơn, nhằm đảm bảo đúng định hướng theo chiến lược nhà ở đã xác định.

Thứ ba, về quản lý sử dụng nhà có giá trị văn hóa, nghệ thuật, lịch sử, Mục 2, Chương VI. Đây là nội dung đổi mới so với Luật nhà ở 2006, thực hiện được theo các quy định như dự thảo nêu tại các Điều 77 đến Điều 80 sẽ đóng góp phát triển hài hòa giữa bảo tồn và phát triển tạo lập được bản sắc văn hóa, tập quán của các dân tộc tại các vùng miền. Tuy vậy, còn một số vấn đề đề nghị xem xét điều chỉnh, đó là phân loại nhà ở có giá trị theo Luật di sản văn hóa thì di tích được phân thành các cấp tỉnh, quốc gia, quốc gia đặc biệt. Do vậy, nhà ở có giá trị cũng bao gồm các cấp trên để có giải pháp quản lý, cơ quan quản lý thích hợp, chứ không chỉ nêu nguyên tắc chung như dự thảo quy định.

Trong loại nhà ở có giá trị không chỉ bao gồm biệt thự là loại nhà ở được dự thảo nêu khá kỹ mà còn nhà ở tại các làng cổ, làng nghề truyền thống, nhà ở trong các khu phố cổ, phố cũ, đây cũng là kiến trúc đặc trưng truyền thống lâu đời của Việt Nam được thế giới quan tâm. Do vậy cần bổ sung các loại nhà ở nêu trên trong dự thảo. Ví dụ như ở Hà Nội là một trong những khu đô thị đặc thù được quy định trong Luật thủ đô là cần tập trung quyền lực để bảo tồn phát huy giá trị. Sau nhiều năm nghiên cứu đã được thành phố công nhận có 215 nhà ở có giá trị đặc biệt và 335 nhà có giá trị. Vì hết thời gian, chúng tôi xin gửi sau. Xin hết.

Các văn bản liên quan