Đại biểu Hà Thị Lan tỉnh Bắc Giang góp ý dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) tại kì họp thứ 7 của QH
Đại biểu Trần Văn Tấn tỉnh Tiền Giang góp ý dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) tại kì họp thứ 7 của QH
Đại biểu Bùi Văn Xuyền tỉnh Thái Bình góp ý dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) tại kì họp thứ 7 của QH
Bùi Văn Xuyền - Thái Bình
Kính thưa Chủ tọa kỳ họp,
Kính thưa Quốc hội,
Tôi cơ bản thống nhất với Báo cáo giải trình của Ủy ban thường vụ Quốc hội về tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật công chứng (sửa đổi) lần này. Sau đây, tôi xin tham gia một số nội dung để góp phần hoàn chỉnh dự án trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7.
Thứ nhất, về mở rộng thẩm quyền của công chứng viên, tôi cũng đồng ý với sự cần thiết mở rộng thẩm quyền của công chứng viên được công chứng bản dịch giấy tờ từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài và ngược lại. Vì những lý do mà trong Báo cáo giải trình của Ủy ban thường vụ Quốc hội đã nêu để góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng bản dịch, tạo thuận lợi cho người dân và cũng đồng tình với loại ý kiến thứ nhất là công chứng viên thực hiện công chứng và chịu trách nhiệm về tính xác thực, cũng như tính hợp pháp của giấy tờ được dịch như quy định tại Khoản 1, Điều 2 của dự thảo luật với các lý do:
Thứ nhất, nó phù hợp với tính chất của công chứng Việt Nam là công chứng về nội dung, không phải công chứng về hình thức. Công chứng viên phải chịu trách nhiệm về tính xác thực cũng như tính hợp pháp của hợp đồng giao dịch và bản dịch là hợp pháp, là đúng.
Thứ hai, nó gắn kết trách nhiệm giữa công chứng viên với người dịch. Từ đó công chứng viên phải lựa chọn dịch giả, tức là người dịch có năng lực, trình độ, có uy tín để cùng làm việc và khuyến khích các công chứng viên có trình độ về ngoại ngữ, có thể cùng tham gia vào kiểm soát các hoạt động của người dịch, góp phần nâng cao chất lượng của bản dịch công chứng. Trường hợp công chứng viên không yên tâm có thể từ chối và người yêu cầu bản dịch có thể lựa chọn để việc chứng thực tại các phòng tư pháp và các phòng tư pháp vẫn thực hiện chứng thực song song theo tinh thần Nghị định 79/2007 như hiện nay và như vậy sẽ đạt được 2 mục đích vừa nâng cao chất lượng công chứng, chứng thực của bản dịch, vừa tạo thuận lợi cho người dân.
Về việc giao cho công chứng viên thực hiện việc chứng thực bản sao giấy tờ, tài liệu trong phạm vi hồ sơ mà công chứng viên đang làm, tôi cũng rất băn khoăn và chưa đồng thuận cao, cũng nhiều ý kiến của các đại biểu phát biểu trước tôi đang băn khoăn nội dung này. Có mấy lý do:
Thứ nhất là việc công chứng và chứng thực cũng đã được xác định. Việc chứng thực được xác định là một công việc của cơ quan hành chính và đã được tách ra và phân cấp cho cấp xã từ năm 2006, 2007 đến nay khi thực hiện việc xây dựng Luật công chứng năm 2006 và Nghị định 79 năm 2007 và công việc này thì Ủy ban nhân dân các xã cũng đang làm rất tốt, không có vấn đề gì ách tắc lắm và thực sự nó đã giải tỏa những ách tắc của các phòng công chứng trước đây của chúng ta. Nếu quay trở về cho công chứng viên thực hiện các nội dung chứng thực thì tôi cũng e ngại như đại biểu Thủy ở Vĩnh Phúc đã phát biểu là với năng lực hiện nay của các văn phòng công chứng thì không thể đáp ứng được yêu cầu của việc chứng thực và tái diễn tình trạng ùn tắc như ngày xưa thì rất phức tạp, chưa chắc đã tạo được thuận lợi mà còn gây khó khăn thêm cho người dân.
Thứ hai khi các cơ quan, tổ chức tiếp nhận hồ sơ công dân cũng hay sính việc công chứng, do vậy họ thường yêu cầu người dân phải công chứng hơn là chứng thực và người dân lại phải đi công chứng các bản sao giấy tờ, chứ không phải chứng thực tại Ủy ban nhân dân xã thì cũng gây khó khăn cho người dân. Việc không giao hết nội dung chứng thực bản sao mà chỉ trong phạm vi hồ sơ công chứng mà công chứng viên đang thực hiện cũng gây ra những khó khăn. Cơ sở nào để xác định rằng công chứng chỉ được chứng thực các bản sao trong phạm vi hồ sơ thôi, thế còn có chứng thực bên ngoài không, làm căn cứ nào cho công tác thanh tra,kiểm tra sau này. Do vậy, tôi cũng rất băn khoăn nội dung này.
Mặt khác, theo tinh thần Nghị định 79 về chứng thực thì cũng khuyến khích các cơ quan tổ chức khi tiếp nhận hồ sơ của công dân thì phải tự kiểm tra đối chiếu giữa bản chính với bản chụp và tự chịu trách nhiệm về việc đó, hạn chế tối đa việc yêu cầu người dân phải đi chứng thực các giấy tờ này. Hiện nay các văn phòng công chứng đang thực hiện việc này rất tốt. Tôi nghĩ rằng cũng không nhất thiết phải giao cho công chứng viên phải thực hiện công chứng nữa để người dân lại phải mất thêm phí công chứng mà công chứng viên trực tiếp đối chiếu bản chính với bản chụp và ký xác nhận và thực hiện đúng theo tinh thần Nghị định 79 và cả Luật công chứng hiện hành cũng đang quy định như vậy, thế thì không cớ gì lại phải giao thêm. Nếu giao thêm thì phải một thời gian nữa, năng lực của các văn phòng công chứng phải đáp ứng được yêu cầu này thì mới giao. Còn như hiện nay chắc chắn sẽ quay lại như thời gian trước. Tôi có một số ý kiến xoay quanh việc giao cho công chứng viên thực hiện chứng thực bản sao giấy tờ như vậy.
Về đối tượng được miễn đào tạo nghề công chứng, tôi vẫn giữ quan điểm đã phát biểu tại kỳ họp thứ 6. Việc mở rộng thêm đối tượng đào tạo đối với cán bộ tư pháp có thời gian trực tiếp thực hiện quản lý nhà nước về công chứng, những người đã là công chứng viên thì tôi đồng ý theo loại ý kiến thứ hai trong Báo cáo giải trình của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Theo tôi những đối tượng được miễn đào tạo như hiện nay là rộng nhưng lại không trúng, có rất nhiều chức danh không liên quan gì đến hoạt động công chứng. Nhưng những người trực tiếp chỉ đạo quản lý thanh tra, kiểm tra hàng ngày chuyên môn nghiệp vụ về công chứng thì lại không được miễn đào tạo cũng gây bức xúc cho các chức danh này. Tôi đề nghị Quốc hội cũng nên cân nhắc nội dung này giống như một số đại biểu phát biểu trước. Tôi cũng đồng tình với quy định là các đối tượng được miễn đào tạo nghề công chứng phải tham gia khóa bồi dưỡng đào tạo, khóa bồi dưỡng 3 tháng về kỹ năng hành nghề công chứng và tiêu chuẩn đạo đức công chứng viên cũng hết sức cần thiết như đã phân tích ở trên .
Về độ tuổi hành nghề công chứng, tôi tán thành với phương án 1 là không nên quy định giới hạn độ tuổi hành nghề công chứng. Điều này phù hợp với các dân tộc khác, các ngành nghề khác có chuyên môn sâu, nhưng họ không có giới hạn về độ tuổi, ví dụ luật sư, y bác sỹ, giáo viên v.v... và cũng không có giới hạn về tuổi hành nghề như trong Báo cáo giải trình của Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Mặt khác, trong dự thảo luật lần này đã bổ sung một điểm mới là về tiêu chuẩn công chứng viên tại Điều 8, Điểm b, Khoản 1 là công chứng viên phải đảm bảo sức khỏe để hành nghề công chứng và giao cho Chính phủ quy định cụ thể nội dung này. Nếu chúng ta thực hiện tốt nội dung này thì không cần thiết phải giới hạn độ tuổi công chứng viên.
Thứ tư, việc chuyển đổi, giải thể phòng công chứng tại Điều 21, tôi đồng tình với loại ý kiến thứ hai là trường hợp không cần thiết duy trì hoạt động ở Phòng công chứng thì Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét giải thể phòng công chứng. Vì thực chất việc chuyển đổi phòng công chứng thành Văn phòng công chứng là rất khó khăn, thực chất việc giải thể phòng công chứng để thành lập Văn phòng công chứng vì 2 loại hình tổ chức này khác nhau hoàn toàn. Phòng công chứng là đơn vị sự nghiệp của nhà nước hoạt động dưới hình thức là đối nhân, không phải là đối vốn nên không thể chuyển đổi và cổ phần hóa như các đơn vị sự nghiệp thông thường. Tài sản của nhà nước phải thanh lý, bán đấu giá để thu tiền cho ngân sách. Còn đối với những công chứng viên hoạt động ở Văn phòng công chứng thì hoạt động theo Luật công chức, viên chức phải thực hiện việc chấm dứt hợp đồng lao động, thôi việc, chứ không thể chuyển một cách bình thường như vậy.
Về tổ chức xã hội nghề nghiệp, tôi hoàn toàn đồng ý như Điều 41 của dự thảo. Tôi xin hết. Xin trân trọng cảm ơn Quốc hội.