Đại biểu Trần Văn Tấn tỉnh Tiền Giang góp ý dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) tại kì họp thứ 7 của QH

Thứ Tư 15:10 26-11-2014

Trần Văn Tấn - Tiền Giang

Kính thưa Chủ tọa phiên họp,

Kính thưa Quốc hội,         

Về cơ bản, tôi thống nhất với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật công chứng (sửa đổi) của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Nhưng tôi còn quan tâm ở những vấn đề cụ thể như sau:

Thứ nhất, về tuổi hành nghề công chứng được quy định tại Điều 35, tôi thống nhất với phương án 1 là không quy định điều này. Vì hoạt động hành nghề công chứng của công chứng viên là công việc đòi hòi độ chính xác, tính chuyên môn và trách nhiệm pháp lý cao. Công chứng viên được nhà nước bổ nhiệm giao trách nhiệm chứng nhận tính xác thực, tính hợp pháp của hợp đồng giao dịch là vấn đề có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích chính đáng của cơ quan, tổ chức và người dân nói riêng, ảnh hưởng đến hoạt động xã hội nói chung. Do vậy, công chứng viên chỉ nên hành nghề công chứng đến một tuổi nhất định theo quy định của Bộ luật lao động và Luật công chức, viên chức để đảm bảo yêu cầu về tính chính xác cao của công việc, tiêu chuẩn về sức khỏe và an toàn nghề nghiệp.

Hai, về tổ chức xã hội nghề nghiệp của công chứng viên được quy định tại Điều 40, theo dự án Luật hoạt động công chứng đã chuyển từ cơ chế hành chính công sang dịch vụ công. Phòng công chứng và văn phòng công chứng được xác định là các tổ chức nghề nghiệp, sự thay đổi này đặt ra yêu cầu cần thiết phải thay đổi cơ chế quản lý nhà nước đối với hoạt động công chứng, để quản lý các tổ chức hành nghề công chứng có hiệu quả. Theo tôi cùng với quản lý nhà nước đối với tổ chức công chứng cần phải thành lập tổ chức tự quản nghề nghiệp, tổ chức này sẽ bầu ra những người đại diện cho những người hành nghề trong lĩnh vực công chứng trong cả nước và tự quản lý hoạt động của tổ chức hành nghề công chứng. Vì vậy tôi thống nhất với những nội dung được quy định tại Điều 40.

Ba, về địa điểm công chứng được quy định tại Điều 45, tại Khoản 2 điều này quy định cho phép một số trường hợp có thể thực hiện ngoài trụ sở tổ chức hành nghề công chứng như người yêu cầu công chứng là người già yếu không thể đi lại được, người đang bị tạm giữ, tạm giam, đang thi hành án phạt tù hoặc có lý do chính đáng khác không thể đến trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng. Đối với quy định này tôi có hai ý kiến sau:

Thứ nhất, thế nào là lý do chính đáng khác thì chưa có quy định cụ thể, dẫn đến nhiều cách hiểu và áp dụng khác nhau như trường hợp người bị áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục, đưa vào cơ sở chữa bệnh thì có được xem là lý do chính đáng để yêu cầu công chứng về trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng không? Theo tôi để khắc phục tình trạng tùy nghi trong việc vận dụng luật, tôi đề nghị dự án luật cần quy định những trường hợp được xem là có lý do chính đáng khác như trường hợp khẩn cấp bị đe dọa tính mạng hoặc bị ốm đau vài ngày mà không thể đến trụ sở, phụ nữ có thai hoặc chăm sóc trẻ sơ sinh không thể đi xa được, người bị áp dụng các biện pháp hành chính.

Thứ hai, người đang bị tạm giữ, tạm giam, đang thi hành án phạt tù thì cách thức để tiến hành việc thực hiện công chứng như thế nào? Luật công chứng cũng cần quy định rõ hoặc giao cho Bộ Tư pháp có quy định cụ thể để thực hiện thống nhất khi luật có hiệu lực.

Bốn, về công chứng việc sửa đổi, bổ sung hủy bỏ hợp đồng giao dịch được quy định tại Điều 52, tại Khoản 1 quy định: việc sửa đổi, bổ sung, hủy bỏ hợp đồng giao dịch đã được công chứng chỉ được thực hiện khi có sự thỏa thuận, cam kết bằng văn bản của tất cả những người đã tham gia hợp đồng giao dịch đó và phải được công chứng. Trong khi đó Điều 425, Điều 426 của Bộ Luật dân sự năm 2005 lại cho phép các bên có quyền đơn phương hủy bỏ hợp đồng giao dịch. Xuất phát từ sự mâu thuẫn giữa các bên nên các bên không có muốn thực hiện hợp đồng nữa. Thời gian qua, việc áp dụng cách thức hủy bỏ hợp đồng giao dịch theo quy định của Luật công chứng hiện hành đã gây khó khăn cho người thực hiện công chứng. Vì vậy, tôi đề nghị nên sửa đổi Luật Công chứng theo hướng thừa nhận việc đơn phương hủy bỏ hợp đồng sao cho thống nhất với quy định của Bộ Luật dân dự năm 2005.

Năm, về chế độ lưu trữ hồ sơ công chứng được quy định tại Điều 64 tôi có hai ý kiến:

Thứ nhất, tại Khoản 2 quy định bản chính văn bản công chứng và các giấy tờ khác trong hồ sơ công chứng phải được lưu trữ trong thời hạn ít nhất là 20 năm. Tôi thống nhất với nội dung quy định việc lưu trữ bản chính công chứng và các giấy tờ khác trong hồ sơ công chứng cùng thời hạn, vì nếu thời hạn lưu trữ bản chính và các giấy khác trong hồ sơ công chứng khác nhau sẽ gặp khó khăn trong việc chứng minh tính xác thực, tính hợp pháp của văn bản công chứng. Khi các cơ quan chức năng có yêu cầu nhưng tôi đề nghị thời hạn lưu trữ bản chính công chứng và các giấy tờ khác trong hồ sơ công chứng đủ 10 năm. Thời hạn này cũng phù hợp với thời hiệu khởi kiện tranh chấp thừa kế được quy định trong Bộ Luật tố tụng dân sự.

Thứ hai, tại Khoản 3, Điều 64 quy định trong trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu bằng văn bản về việc cung cấp hồ sơ công chứng thì tổ chức hành nghề công chứng có trách nhiệm cung cấp bản sao văn bản công chứng và các giấy tờ khác có liên quan. Việc đối chiếu bản sao văn bản công chứng với bản chính chỉ được thực hiện tại tổ chức hành nghề công chứng, nơi lưu trữ hồ sơ công chứng. Vậy trong trường hợp nếu cơ quan điều tra đề nghị cung cấp văn bản chính để mang đi giám định thì tổ chức hành nghề công chứng có thực hiện được không? Nếu căn cứ vào quy định vừa nêu thì câu trả lời sẽ là không? Còn nếu căn cứ vào Bộ Luật tố tụng hình sự năm 2003 thì câu trả lời là có, vì đó là quyền của cơ quan điều  tra và nghĩa vụ của tổ chức hành nghề, hành chính công, dịch vụ công. Để đảm bảo sự thống nhất trong việc thực hiện khi luật có hiệu lực, tôi đề nghị dự án Luật Công chứng cần quy định cụ thể, rõ ràng hoặc giao cho Bộ Tư pháp, Bộ Công an và các cơ quan chủ quan có quy định cụ thể. Tôi xin hết.

Các văn bản liên quan