Đại biểu Hà Thị Lan tỉnh Bắc Giang góp ý dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) tại kì họp thứ 7 của QH

Thứ Tư 15:04 26-11-2014

Hà Thị Lan - Bắc Giang

Kính thưa Quốc hội,

Qua nghiên cứu dự thảo Luật công chứng (sửa đổi), báo cáo tóm tắt một số vấn đề về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật công chứng (sửa đổi). Tôi thấy dự thảo luật đã được chuẩn bị nghiêm túc, đã tiếp thu ý kiến đóng góp của các vị đại biểu Quốc hội và đã bám sát được các chủ trương, định hướng của Đảng về cải cách tư pháp và xã hội hóa hoạt động công chứng. Tuy nhiên, trước những bất cập của việc xã hội hóa hoạt động công chứng như hiện nay, dự thảo luật cần quan tâm hơn nữa đến việc xây dựng các cơ chế để đảm bảo tổ chức hành nghề công chứng hoạt động thực sự chuyên nghiệp ổn định, bền vững, bảo đảm sự quản lý chặt chẽ thống nhất của Nhà nước đối với tổ chức hành nghề công chứng.

Hoạt động công chứng đây chính là cơ sở quan trọng để nghề công chứng của Việt Nam phát triển lành mạnh, phát huy vai trò của công chứng trong phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng yêu cầu cải cách thủ tục hành chính, cải cách tư pháp đã được xác định tại Nghị quyết số 49 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020. Về một số vấn đề cụ thể, tôi xin có ý kiến như sau:

Thứ nhất, về phạm vi công chứng với quan điểm cần phải mở rộng phạm vi hoạt động của tổ chức hành nghề công chứng của công chứng viên giao cho công chứng viên thực hiện việc chứng nhận bản dịch, giấy tờ, chứng thực chữ ký, chứng thực bản sao như các cơ quan hành chính nhà nước quy định tại Nghị định 79. Bởi lẽ phạm vi công chứng hiện nay còn hẹp, chưa tương xứng với tính đặc thù của nghề công chứng có chuyên môn sâu đã được xã hội hóa, chưa tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc lựa chọn và tiếp cận loại hình dịch vụ công này.

Mặt khác, theo đánh giá của báo cáo tổng kết 5 năm thi hành Luật công chứng cho thấy việc giao nhiệm vụ chứng thực chữ ký người dịch trên bản dịch cho Ủy ban nhân dân cấp huyện chưa đáp ứng kịp thời yêu cầu chứng thực bản dịch của người dân. Trong nhiều trường hợp chất lượng bản dịch chưa được bảo đảm do các phòng tư pháp chưa xây dựng được đội ngũ công tác viên dịch thuật đầy đủ, chuyên nghiệp. Do vậy, theo tôi công chứng viên phải được thực hiện việc chứng nhận bản dịch giấy tờ, chứng thực chữ ký, chứng thực bản sao. Quy định này sẽ tạo điều kiện để công chứng thực sự trở thành một nghề chuyên nghiệp, góp phần cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong việc lựa chọn và tiếp cận loại hình dịch vụ công này. Đồng thời không trái với nguyên tắc cơ bản của Liên minh công chứng thế giới mà Việt Nam mới tham gia là thành viên.

Tuy nhiên, dự thảo luật quy định công chứng viên chỉ được thực hiện việc chứng nhận bản dịch giấy tờ, chứng thực chữ ký, chứng thực bản sao đối với các giấy tờ, văn bản có liên quan đến hợp đồng giao dịch mình đã công chứng hoặc đang thực hiện công việc công chứng tại Điểm c, Khoản 1, Điều 17, tôi có chút băn khoăn với quy định này. Nếu quy định như vậy vô  hình chung chúng ta sẽ tạo ra nhiều kênh trong việc chứng thực chữ ký, chứng thực bản sao dẫn đến chồng chéo với việc chứng thực của cơ quan hành chính, đồng thời khiến người dân có thể nhầm lẫn khi đi làm các thủ tục này.

Hai, về tiêu chuẩn công chứng viên tại Khoản 1, Điều 8, tôi đề nghị quy định cụ thể thế nào là có thời gian công tác pháp luật ngay trong dự thảo luật mà không chờ đến khi có Nghị định của Chính phủ mới thực hiện được.

Ba, về đối tượng miễn đào tạo nghề công chứng tại Điều 10. Mặc dù phạm vi đối tượng được miễn đào tạo nghề công chứng hiện nay khá rộng, nhất là đối với điều tra viên, giáo sư, phó giáo sư chuyên ngành luật, tiến sĩ luật. Tuy nhiên, đây là những người có nhiều kinh nghiệm, có đủ kiến thức kỹ  năng nghề nghiệp cần thiết cho việc hành nghề công chứng viên, cũng là những đối tượng được miễn đào tạo nghề luật sư. Do vậy để tạo cơ sở cho sự phát triển đội ngũ công chứng viên ngày càng chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu về công chứng ngày càng tăng cao, việc quy định phạm vi, đối tượng được miễn đào tạo nghề công chứng như dự thảo luật là cần thiết.

Ba, về việc công chứng hay chứng nhận bản dịch giấy tờ, về trách  nhiệm của công chứng viên bản dịch và người yêu cầu công chứng trong hoạt động công chứng, chứng nhận bản dịch giấy tờ. Theo đó công chứng viên chỉ chứng nhận chữ ký trong bản dịch đúng là chữ ký của người dịch chứng nhận nội dung bản dịch là chính xác, không vi phạm pháp luật, không trái đạo đức xã hội, Khoản 3, Điều 61 và không được công chứng bản dịch trong các trường hợp tại Khoản 4, Điều 61. Người dịch phải chịu trách nhiệm đối với tổ chức hành nghề công chứng về tính chính xác, phù hợp của nội dung bản dịch do mình thực hiện tại Khoản 1, Điều 61. Người yêu cầu công chứng phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, tính hợp pháp của các giấy tờ đó, tại Khoản 1, Điều 48. Quy định này góp phần tăng cường việc kiểm soát nâng cao chất lượng của bản dịch, bảo vệ tốt hơn quyền lợi ích của người yêu cầu công chứng phù hợp với trình độ, khả năng của công chứng viên của Việt Nam trong bối cảnh hiện nay. Bởi lẽ việc dịch thuật là công việc mang tính chuyên môn cao, nội dung được dịch thuật rất đa dạng, phức tạp nhất là các giấy tờ được dịch lại không phải do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam ban hành. Nếu yêu cầu công chứng viên phải kiểm tra, và chịu trách nhiệm tính hợp pháp, sát thực của các giấy tờ, nội dung được dịch sẽ vượt quá khả năng của công chứng viên. Trên đây là ý kiến của tôi. Xin hết.

Các văn bản liên quan